Cơ chế đặc thù để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

21/05/2025 - 06:41

PNO - Thừa ủy quyền của Thủ tướng, sáng 20/5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Lượng nhà ở xã hội còn quá ít ỏi

Ông Trần Hồng Minh cho hay, đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được triển khai từ năm 2021 tới nay với kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Cả nước đã triển khai 657 dự án xây nhà ở xã hội với quy mô 597.152 căn. Trong đó, 103 dự án đã hoàn thành với quy mô 66.755 căn, 140 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 124.352 căn, 414 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 406.045 căn. “Số căn hộ được hoàn thành chỉ đạt khoảng 15,6% so với mục tiêu đến năm 2025 của đề án” - ông nói.

Dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 do Capital House làm chủ đầu tư tại Cổ Nhuế (Hà Nội) - ẢNH: BẢO KHANG
Dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 do Capital House làm chủ đầu tư tại Cổ Nhuế (Hà Nội) - Ảnh: Bảo Khang

Trong tờ trình dự thảo, Chính phủ cho hay, đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc nguồn tài chính của công đoàn, việc đấu thầu rộng rãi trong nước tiêu tốn khoảng 60-90 ngày, việc đấu thầu quốc tế mất từ 90-120 ngày, khiến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài. Do đó, dự thảo đề xuất bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi để rút gọn được từ 45-105 ngày. Dự thảo luật cũng đề xuất được áp dụng hình thức chỉ định thầu khi lựa chọn nhà thầu xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trình bày thẩm tra dự thảo luật, Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp tán thành cơ chế đặc thù, cho phép lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong dự thảo nghị quyết để bảo đảm tính khách quan, công bằng, chặt chẽ.

Song song với việc đồng ý cắt giảm thủ tục đầu tư xây dựng, Uỷ ban đề nghị có cơ chế kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành để bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội.

Thành lập quỹ nhà ở quốc gia

Bàn về dự thảo nghị quyết, đại biểu Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) trăn trở: “Chúng ta phải đánh giá lại vì sao đã mở ra nhiều chính sách để hỗ trợ nhà ở xã hội như quy hoạch đất đai, nguồn vốn mà vẫn không có đủ nhà ở cho người dân, trong khi nhu cầu này rất lớn”. Theo ông, dường như chưa có sự rạch ròi giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Nếu sau một thời gian ở, người mua bán đi thì nhà ở xã hội trở thành nhà ở thương mại. Trên thực tế, có tình trạng không thuộc diện được mua nhà ở xã hội nhưng vẫn tìm đủ cách để thụ hưởng, thu lợi nhuận.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, các chính sách nên tập trung vào việc xây nhà để cho người lao động thuê thay vì mua. Điều này phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu cấp bách về nhà mà không có khả năng mua. Khi họ có điều kiện để mua nhà, họ sẽ nhường lại suất thuê cho người khác. Ông so sánh: “Có nhiều phân khúc ô tô cho người dân lựa chọn, còn nhà ở lại không”.

Ông cho rằng, chính sách hiện hành chưa thực sự phù hợp; Nhà nước cần quy hoạch, cung cấp quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư. Ông cũng ủng hộ quy định chỉ định thầu, bởi lợi nhuận từ dự án xây dựng nhà ở xã hội khá thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Một trong những điểm đáng lưu ý của dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội là quy định thành lập quỹ nhà ở quốc gia. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở trung ương và địa phương, được hình thành từ nguồn do ngân sách nhà nước cấp và tiếp nhận nguồn hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Quỹ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho hay, việc thành lập quỹ phát triển nhà ở không phải là nội dung mới bởi nhiều địa phương đã thành lập quỹ này, như TPHCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng nguồn vốn hoạt động còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả.

Tán thành việc lập quỹ nhà ở quốc gia nhưng Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp lo rằng, với quy định như trong dự thảo, phạm vi chức năng của quỹ sẽ rất rộng bởi đối tượng mà quỹ hướng tới là toàn bộ người lao động trong xã hội. Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc để bảo đảm tính khả thi của chính sách.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI