Chuyện người máy sáng tác ở Việt Nam: Vẫn là thì tương lai?

13/11/2020 - 06:00

PNO - Grimes, một nhạc sĩ thể nghiệm nổi tiếng thế giới, thẳng thừng tuyên bố kỷ nguyên loài người làm nghệ thuật đã chấm hết, với sự xuất hiện của AI. Tuy nhiên, giới sáng tác Việt vẫn cho rằng đó là chuyện của thì tương lai, ít nhất là ở Việt Nam.

AI "oanh tạc" nghệ thuật thế giới 

Giới chuyên môn khẳng định rằng, những môn nghệ thuật đòi hỏi khả năng sáng tạo cao, tưởng chừng là địa hạt của riêng con người, đã không "thoát" được sự phủ sóng của trí tuệ nhân tạo (AI). AI làm thơ, viết sách, vẽ tranh, sáng tác nhạc… không còn là chuyện viễn tưởng, mà đã đường hoàng hiện diện trong đời sống.

PoemPortraits là một ví dụ điển hình về sự hợp tác của AI với con người. Chỉ cần cung cấp một từ khóa, thuật toán AI sẽ nhanh chóng tạo ra một bài thơ ngắn. Hay công ty Trung Quốc, nhà xuất bản Cheers đã sáng tạo 10.000 bài thơ sau khi đọc 500 bài Sonnets nhờ AI. Ngoài ra, nhiều phần mềm khác còn có thể viết thơ như WASP, Deep-Speare, Pentametron…

Một robot công nghiệp ghi chép văn chương.
Một robot công nghiệp ghi chép văn chương

Chưa dừng lại ở đó, AI còn đang với tay đến lĩnh vực tiểu thuyết. Minh chứng là tác phẩm The Day a Computer Writes a Novel (tạm dịch: Người máy viết tiểu thuyết) do các nhà nghiên cứu ở Đại học Hakodate Nhật Bản sáng tác, còn vượt qua vòng đầu tiên của giải thưởng văn học Nikkei Hoshi Shinichi.

Bên cạnh thi ca, AI cũng tỏ ra khá “lành nghề” với âm nhạc. AIVA (Nghệ sĩ ảo trí tuệ nhân tạo) là một nhà soạn nhạc điện tử nổi tiếng tạo nên các bản nhạc phim và quảng cáo đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Chúng tạo nhạc bằng cách sử dụng những đặc trưng từ Jazz, Rock… Thậm chí, nhiều phần mềm dựa trên AI khác nhau như chương trình Emily Howel của David Cope còn có thể giúp bạn soạn nhạc theo phong cách của mình.

Grimes, một nhạc sĩ thể nghiệm nổi tiếng, đã thẳng thừng tuyên bố kỷ nguyên loài người làm nghệ thuật đã chấm hết, với sự xuất hiện và phát triển vượt bậc của AI. Phát ngôn của Grimes có lẽ hơi mang màu sắc viễn tưởng, nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp máy móc làm nghệ thuật đã trở thành trung tâm của những dự án dài hơi, nghiêm túc và hứa hẹn đem lại lợi nhuận.

AI với sáng tạo nghệ thuật tại Việt Nam: Chuyện của thì tương lai?

Trong những năm gần đây, các ứng dụng đa lĩnh vực của AI bắt đầu trở nên phổ biến tại Việt Nam, kể cả trong văn hóa - nghệ thuật.

Năm 2019, kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp quốc gia đưa ra một đề bài lạ lùng, xoay quanh “những cỗ máy biết viết văn, làm thơ”: yêu cầu thí sinh bàn luận về một tương lai, nơi sáng tạo văn học có thể không còn là “độc quyền của con người”.

Tháng 6/2020, CLB Văn học Trẻ Hà Nội cũng tổ chức một cuộc tọa đàm chủ đề “Một tương lai AI viết văn”, thu hút sự chú ý của đông đảo người đọc và người viết.

Tất cả cho thấy khán giả Việt Nam đã bắt đầu ý thức sự hiện diện của AI trong văn chương, nghệ thuật. Gần nhất, vào tháng 7/2020, chuyên gia Nguyễn Phi Vân đã cho ra mắt cuốn sách NYM - Tôi của tương lai với sự góp mặt của AI trên cương vị tác giả. AI chính là “bộ não” đứng sau chương viết về… tình dục - một trong những chuyện (hơi) khó nói của con người.

Cuốn NYM - Tôi của tương lai của tác giả Nguyễn Phi Vân.
Cuốn NYM - Tôi của tương lai của tác giả Nguyễn Phi Vân

Trong thời gian tới, cô sẽ tiếp tục cho ra mắt đĩa nhạc do con người và AI đồng sáng tác, cùng với ứng dụng AI chatbot. 

Tuy nhiên, dù đã có sự mở đường của tác giả Nguyễn Phi Vân, giới sáng tác Việt vẫn cho rằng khó để chọn hướng đi kết hợp với AI trong quá trình sáng tạo ở tương lai gần.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng, công nghệ AI để hỗ trợ trong các khâu tra cứu, chọn lọc và sắp xếp thông tin, cũng như tìm kiếm ý tưởng và xây dựng cấu trúc cho tiểu thuyết hay kịch bản là một ý tưởng hay, có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho người làm nghệ thuật. Nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở đó. 

“Phần lớn tác giả văn chương vẫn chưa biết cách sử dụng công nghệ hiệu quả, ngoài việc không rành về công nghệ thì bản thân người viết cũng có phương thức và phong cách riêng nên thành thật mà nói sự ảnh hưởng, tác động và có thể sử dụng AI để viết vẫn là một câu chuyện rất dài” - nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ.

Bên cạnh mặt tích cực thì AI cũng có không ít hạn chế. Theo nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: “AI không thể áp dụng rộng rãi trong giới văn chương nước ta, bởi trên thực tế chúng không có trí tưởng tượng phong phú hoặc bề sâu tư tưởng giống như con người. Mặt khác, sự phát triển của văn chương là sáng tạo ra những cái mới, không thể cứ mãi lặp đi lặp lại những cái cũ từ không gian, hình ảnh, câu chuyện... Trong khi đó, AI là máy móc nên chủ yếu được lập trình để sao chép lại mà chưa có sự sáng tạo”.

Sự hiện diện của AI cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người làm nghệ thuật với cộng đồng. Tác giả Nguyễn Phi Vân từng phát biểu: “Thời của máy, mình càng phải rất người”. Công nghệ có thể rất quyền năng và hữu ích, nhưng để đem lại những sản phẩm chất lượng, có giá trị cho công chúng thì luôn luôn là lựa chọn và trách nhiệm của con người.

Đồng nhận định, nhà văn Phan Hồn Nhiên cho rằng, sự phát triển ồ ạt của AI sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh giữa công nghệ và con người, buộc người viết phải suy nghĩ và đi đúng vào yêu cầu của văn chương. Bởi, AI có điểm mạnh nổi trội là tính toán được những mong chờ, sự quan tâm hay yêu thích từ não bộ con người, qua đó, nó dễ dàng tạo nên một tác phẩm đáp ứng nhu cầu giải trí. Chính vì vậy, bản thân người sáng tạo phải khai thác những vấn đề sâu hơn, thuộc về nhân bản mà chỉ có con người mới có thể làm được.

Minh Trang - Thu Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI