Chuyện dở khóc, dở cười của bệnh nhân hậu COVID-19

28/12/2021 - 06:54

PNO - Mặc dù đã điều trị khỏi COVID-19, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn còn dư âm với những câu chuyện dở khóc, dở cười, đặt ra vấn đề với các nhà quản lý y tế về những chính sách bài bản để giải quyết hậu COVID-19.

Khỏi bệnh vẫn thích... nằm viện

Nửa đêm, xe cấp cứu chạy đến Phòng Cấp cứu Viện Tim TPHCM. Người bệnh hớt hải la lên: “Bác sĩ ơi, cứu tôi với! Tôi sắp chết, tôi sợ lắm, cho tôi nhập viện”. Đội ngũ điều dưỡng nhanh chóng cho bệnh nhân vào phòng, đo huyết áp, điện tim thấy bình thường, chụp X-quang tim phổi cũng không thấy tổn thương, nhưng bệnh nhân cứ kêu không thở được. 

Điều dưỡng nhẹ nhàng yêu cầu bệnh nhân nằm xuống giường, nhưng bệnh nhân sợ không nằm. Thuyết phục bệnh nhân ngồi lên giường có đầu cao 40 - 45 độ, sau đó trò chuyện, hỏi thăm bệnh sử, tiền căn bệnh lý nền… rồi từ từ hạ giường xuống không độ (giường bằng). Hết 30 phút trò chuyện, bệnh nhân vẫn say sưa trả lời và không hề mệt hay khó thở nữa. Rồi điều dưỡng đo điện tim, huyết áp để đánh lừa bệnh nhân cho bệnh nhân ngủ. Vừa thiu ngủ, điều dưỡng ra khỏi phòng bệnh, bệnh nhân chợt tỉnh giấc lại kêu mệt. Bác sĩ cho dùng thuốc an thần, ngủ qua đêm. Sáng sớm hôm sau, bệnh nhân gọi chồng đến bệnh viện viết giấy bảo lãnh xin về nhà để đi làm. 

Bác sĩ tư vấn hậu COVID-19 tại Phòng khám Victoria Healthcare TP.HCM
Bác sĩ tư vấn hậu COVID-19 tại Phòng khám Victoria Healthcare TPHCM

Điều dưỡng Đỗ Tiết Hạnh, Khoa Hồi sức cấp cứu nội (USIC) Viện Tim TPHCM, kể, vào ngày cuối tuần (20/12), một bệnh nhân vào cấp cứu lúc nửa đêm vì không ngủ được. Hỏi ra mới biết, nhà có ba người (hai vợ chồng và một đứa con đã lớn) đều nhiễm COVID-19. Người vợ nhiễm nặng phải thở máy.

Sau điều trị, người vợ rất sợ ở một mình, đặc biệt về đêm khi chồng, con ngủ trước rồi, vì nghĩ nếu mình chết không ai biết. Lo lắng, sợ hãi không ngủ được, bà ngồi dậy suy nghĩ vẩn vơ. Lo lắng kéo theo đau đầu, khó thở, bà mang máy đo huyết áp ra mỗi 5 phút đo một lần. Đầu tiên, huyết áp chỉ 13,5/8,5mmHg, 5 phút sau đo lại huyết áp tăng lên 15, rồi lên 16, 17, rồi chóng mặt, khó thở. Kêu chồng, con gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện ngủ một giấc tới sáng như không có chuyện gì xảy ra. Sáng hôm sau thức dậy, bà xin được về nhà. 

Gần đây, phòng cấp cứu của Viện Tim TPHCM ban ngày bệnh nhân ra vào cấp cứu ít hơn ban đêm. Rất nhiều đêm quá tải do nhiều bệnh nhân đã xuất viện nhưng sợ ban đêm, sợ ngủ ở nhà buổi tối và sợ chết. Bệnh nhân luôn hoảng sợ buộc người nhà phải gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Họ thường kêu khó thở, không ngủ được… nhưng tất cả các chỉ số đo đều bình thường.

Theo điều dưỡng Đỗ Tiết Hạnh, đây là nhóm bệnh nhân bị khủng hoảng tâm lý do một thời gian nằm thở bình oxy, máy thở và nằm đầu cao, nên ngồi hay đứng thì không sao, nằm đầu thấp họ nhớ lại cái cảm giác đang chiến đấu với bệnh tật và thập tử nhất sinh, khó thở, mệt mỏi. 

Thiếu nhân lực điều trị hậu COVID-19

Điều dưỡng Đỗ Tiết Hạnh cho biết, nhiều đồng nghiệp là điều dưỡng, y sĩ sau khi mắc COVID-19 và điều trị xong vẫn tỉnh táo đi làm và cười nói vui vẻ như không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, họ chỉ làm việc được một chút thì ngồi thở hổn hển và chất lượng công việc không cao như trước.

Một nam điều dưỡng nếu như trước đây có thể xách được hai thùng chụp phim khoảng 20kg (mỗi bên xách 10kg) đi lên khoa, thì nay chỉ xách được 10kg phải nghỉ tới ba lần và ngồi thở hổn hển. Nhiều đồng nghiệp không hiểu và nghĩ rằng đồng nghiệp của mình sau khi mắc COVID-19 rồi trở nên “nhõng nhẽo”, mượn cớ lười biếng. Nhưng thực chất, nhiều người sau khi nhiễm COVID-19 có cảm giác như bị tàn phế, chỉ làm bằng 40% lượng công việc so với trước đây. 

Hiện, có rất nhiều người không biết họ hay người thân có mắc những triệu chứng và vấn đề hậu COVID-19. Họ thấy mệt và đi khám khắp nơi, có người ban ngày đi bệnh viện khám, bác sĩ thông báo sức khỏe bình thường do hậu COVID-19 và cho về. Đến tối ngủ không được, thấy mệt lại chạy vào phòng cấp cứu của bệnh viện khác vì nghĩ là bác sĩ hồi sáng khám không ra bệnh… Mặc dù, tất cả các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường, tuy nhiên người bệnh vẫn đòi nhập viện, phải có bác sĩ, điều dưỡng mới an tâm.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người có tâm lý đã nhiễm COVID-19, điều trị khỏi bệnh rồi thành “bất tử”. Họ không hiểu được rằng mắc COVID-19 mà sống được là một sự đấu tranh quyết liệt và hậu quả để lại cũng cần có thời gian, công sức luyện tập mới phục hồi thể trạng. Thậm chí, F0 khỏi bệnh rất cần được khám tư vấn điều trị ở các phòng khám chuyên khoa hậu COVID-19.

Mặc dù các lãnh đạo bệnh viện rất quan tâm đến vấn đề hậu COVID-19 và thành lập phòng khám hậu COVID-19, nhưng các bệnh viện ở TPHCM đang thiếu trầm trọng bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý. Chỉ một vài bệnh viện đã thành lập tổ tâm thần nội khoa, tổ tâm thể như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đại học Y Dược, Phòng khám Y khoa Phạm Ngọc Thạch (thuộc Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)… nhưng đa số chỉ dành cho việc hội chẩn. Khi có vấn đề của bệnh nhân nặng như quậy phá, tự tử, mời các bác sĩ qua phải chờ 24 giờ để bác sĩ sang xem xét, cho toa thuốc và trò chuyện với bệnh nhân được vài phút. Ngoài ra, vấn đề hậu COVID-19, với những triệu chứng mơ hồ, lúc vui, lúc buồn chán, sợ hãi, hoang tưởng, rối loạn lo âu… không ai nghĩ mình bị bệnh tâm thần và tìm đến bác sĩ tâm thần để điều trị. 

Được biết, do thiếu nguồn nhân lực bác sĩ tâm lý, tâm thần, nên hiện nay Viện Y học Dân tộc TPHCM đang làm việc với Khoa Tâm lý của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) để cùng lên đề án kết hợp điều trị cho bệnh nhân hiệu quả hơn. 

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam - đang tham gia nghiên cứu và điều trị hậu C0VID-19 cho rằng, điều trị hậu COVID-19 có vai trò của bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, bác sĩ tâm thần, tâm lý và các chuyên gia tâm lý rất lớn. Do đó, hiện nay, các bệnh viện điều trị hậu C0VID-19 phải kết hợp với các trường có Khoa Tâm lý như Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Sư phạm TPHCM và các trung tâm tâm lý ứng dụng trị liệu để lên phương án phối hợp điều trị hậu COVID-19. 

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP.Thủ Đức, cho biết, mỗi ngày bệnh viện điều trị khoảng 50-60 bệnh nhân hậu COVID-19. Hiện bệnh viện cũng phải phối hợp với Khoa Tâm lý của Trường đại học Sư phạm TPHCM để điều trị cho bệnh nhân. 

Hoàng Nhung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI