Chuyện chống dịch xứ cù lao

27/07/2021 - 06:52

PNO - “Tới đâu tính tới đó”, phóng khoáng, hào sảng… là những thuộc tính giúp người dân cù lao vượt qua bao biến thiên của cuộc sống.

Từ đầu mùa dịch, tôi đã đưa các con về quê tôi ở cù lao Ông Chưởng (H.Chợ Mới, tỉnh An Giang). Từ bờ bên này đứng trông qua bờ bên kia, có thể thấy cù lao Ông Hổ (thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, quê hương Bác Tôn). Còn chiếc cầu Tấn Mỹ từ bờ Chợ Mới bắc qua chi lưu sông Tiền là cù lao Giêng (H.Chợ Mới). Quanh đây tứ bề cù lao. Vùng này đang rất nhạy cảm vì giáp tỉnh Đồng Tháp - nơi dịch COVID-19 đang bùng phát.

Trữ mì gói nhưng không sợ đói

Từ tối 13/7, nhiều người dân cù lao đã xôn xao tin “chuẩn bị phong tỏa toàn tỉnh”. Nhà này í ới nhà kia đi mua gạo, mua… thuốc hạ sốt để dành. Chiều 14/7, anh Đặng Hoài Phong - nhân viên một cửa hàng vật liệu xây dựng ở gần phà An Hòa (H.Chợ Mới) chở về một bao thức ăn nhanh. Bà Linh - mẹ anh - chưa kịp hỏi thì anh đã dúi tiền vào tay bà: “Mẹ cầm hai triệu đồng coi mua đồ ăn đi, 12g đêm nay phong tỏa, ai ở nhà nấy rồi”. Bà Linh bật dậy, cắp nón lá: “Thôi, tao đi chợ luôn để mai không ra đường được”. 

Người dân ở cù lao thu hoạch lúa nhưng vẫn giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc để phòng, chống dịch
Người dân ở cù lao thu hoạch lúa nhưng vẫn giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc để phòng, chống dịch

Chợ Long Bình, xã Long Kiến bình thường thưa người, nhưng buổi chiều trước ngày tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 tấp nập hơn hẳn. Công an và dân quân tự vệ phải đứng phân luồng, nhắc nhở bà con giãn cách. Vùng đất cù lao này, chuyện gom hàng, tích trữ cũng không giống ai. Hầu như mọi người chỉ đi lùng mì gói. Nhưng cù lao hầu hết là những ngôi chợ nhỏ, mỗi tiệm tạp hóa chỉ bán vài thùng mì, nên cung không đủ cầu. Hết mì, mọi người lục tục đi về, dù trên các kệ hàng, vẫn còn đầy cháo, miến, bún, phở ăn liền. Người cù lao sống sung túc với cây trái, rau củ, cá tôm, nên vẫn chuộng thức ăn tươi bán đầy chợ, dọc dường. Và mì gói được ưu ái trở thành món ăn vặt, với các bữa phụ cho đám trẻ. 

Trong nhà lồng chợ, bầu, dưa hấu được thổi lên 20.000 đồng/kg, bắp cải 35.000 đồng/kg, dưa leo 20.000 đồng/kg, đắt gấp đôi thường ngày. Chị Nguyễn Thị Vinh - người nông dân nghèo ở ấp An Quới - trước ngày áp dụng Chỉ thị 16 đã ra chợ mua ngay bốn bộ đồ cho cả nhà vì sợ chợ đóng cửa, thì… “mơi mốt quần áo đâu mặc”. Câu chuyện của chị nhanh chóng truyền khắp xóm và có lẽ sẽ thành giai thoại của xứ cù lao chống dịch.

Trong lúc nhiều người đi gom hàng, chị Hai Vẹn vẫn lững thững xách bịch rau dạo chợ. Người quen trêu chị: “Không nhào vô mua là hết á”. Chị cười: “Chút mua vài cái bánh cho tụi nhỏ ăn chơi thôi, còn người lớn gạo đầy lu lo gì”. Tâm trạng của chị Vẹn cũng là của nhiều người ở cái nôi lúa gạo này. Người dân không sợ đói, không sợ thiếu gạo. Họ đi gom hàng thật ra như mua sự an tâm chống dịch.

Sáng 15/7, chợ Lò Mo, Bà Vệ, An Thạnh Trung, Long Bình… gần trở lại mức giá bình thường. Chị Tư Phô đi chợ Tầm Pha về, tay xách giỏ trĩu nặng: “Hôm qua nghe đồn cái gì cũng mắc, nay đi chợ tính nếu mắc quá khỏi mua, về nhà ra sau hè hái rau, rủ ổng đi giăng lưới, kiếm cá hủn hỉn (các loại cá nhỏ) ăn nhưng tao thấy giá bình thường, mua 7.000 đồng rau dệu, rau trai, rau dền, nhãn lồng ăn… lòi họng luôn”. Anh Bùi Văn Tuấn (xã Long Điền B) chuyên bỏ sỉ bánh tráng khắp cù lao kể: “Giờ đi bỏ bánh tráng, người ta che mặt như ninja, đứng sâu trong quầy, tiền và hàng được đẩy ra đẩy vào bằng cái rổ”.

Mấy xóm làng ven cù lao bắt đầu “điểm xuyết” những tấm biển đỏ, ghi dòng chữ “Điểm cách ly tại nhà”. Trước nhà ông Bùi Thanh Phương, ấp An Thị, xã Thạnh Trung có cậu con trai từ TPHCM về buổi sáng thì lát sau được ấp “cấp” cho cái bảng. Hai nhà sát vách của bà Tám, ông Út, không còn nhảy qua nhảy lại như mọi ngày. 

Là vùng cù lao nên việc chống dịch nơi đây cũng rất đặc biệt. Khi các địa phương lân cận bùng phát dịch, thì những bến phà, bến đò nối qua cù lao đã được kiểm soát chặt chẽ. Các chốt khai báo y tế được lập ở hai bờ. Từ đêm 9/7, tỉnh An Giang thông báo tạm dừng và giới hạn giờ hoạt động các bến đò dọc, bến khách ngang sông, bến phà trên địa bàn tỉnh, trừ xe công vụ, xe cấp cứu… Các vùng cù lao như Ông Hổ, Ông Chưởng, cù lao Giêng thêm một vòng an toàn.

Ông Nguyễn Hữu Đức - Bí thư kiêm Chủ tịch xã Mỹ Hiệp, H.Chợ Mới - cho biết: “Ba xã cù lao Giêng là Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ có trên 2.000 công nhân lao động ở Đồng Tháp và đi về mỗi ngày. Do vậy, khi dịch bùng phát ở Đồng Tháp, chính quyền ba xã cù lao đã bàn với các doanh nghiệp bố trí chỗ ở lại cho công nhân, đảm bảo việc làm của công nhân, sản xuất của doanh nghiệp và chống dịch của địa phương”. 

Cái lõi của bình yên

Đến ngày 17/7, cũng như mọi hôm, sáng sớm và chiều, loa phát thanh ở nhiều ấp tại cù lao lanh lảnh giọng phát thanh viên kêu gọi người dân thực hiện 5K, hạn chế ra đường và đồng lòng chống dịch. Xứ cù lao vốn vắng lặng và yên tĩnh, nay tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 thì vùng đất này lại càng lặng lẽ hơn. 

 

Từ khi dịch bùng phát, gia đình chị Đặng Thị Nghiềm, ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới (tỉnh An Giang) biến khoảng sân thành vườn rau nho nhỏ, không lo thiếu rau trong thời gian giãn cách chống dịch
Từ khi dịch bùng phát, gia đình chị Đặng Thị Nghiềm, ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới (tỉnh An Giang) biến khoảng sân thành vườn rau nho nhỏ, không lo thiếu rau trong thời gian giãn cách chống dịch

Mới 19g, con đường nối phà An Hòa về thị trấn Chợ Mới đã hiu hắt với vài chiếc xe máy theo những chuyến phà cập bến. Tuy nhiên, có lẽ Chỉ thị 16 cũng không tác động quá nhiều đến nếp sinh hoạt của người dân cù lao như những nơi khác, bởi phần nhiều họ đã quen sống bằng nghề nông, làm vườn, chăn nuôi gia súc gia cầm… ngày ngày chỉ biết ra vườn, vào ruộng. An nhiên, nhìn mọi việc nhẹ nhàng, “tới đâu tính tới đó”, phóng khoáng, hào sảng… là những thuộc tính giúp người dân cù lao vượt qua bao biến thiên của cuộc sống. 

Chiều hôm có tin về Chỉ thị 16, chị Út Linh bán xôi chè chợ An Quới gọi chị Hợp - người bán bánh bò kế bên: “Ê bà, nghe nói ngày mai có Chỉ thị 16, không biết có họp chợ không?”. Chị Hợp ngơ ngác: “Tui có biết gì đâu, tui đổ bánh bò hết rồi. Mai cho bán thì bán, không bán thì cho trong xóm ăn thôi”. Chữ “thôi” nghe nhẹ tênh. 

Hằng ngày, người dân cù lao vẫn theo dõi sát sao thông tin những ca bệnh, tử vong, từ vùng dịch khắp cả nước. Nhưng sau những tin tức không mấy sáng sủa đó, sau những chốt chặn, những tấm bảng cách ly… cù lao vẫn hiền hòa, trong trẻo và yên bình. Có lẽ cù lao bốn bề lộng gió, thêm cây trái phủ đầy tạo nên đất và người dễ chịu, thiện lành. Hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Mết - bảo vệ Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, ông bình thản: “Bà con ở đây vẫn bình thường hà, chỉ khác là giờ đám tiệc thì hoãn lại, chỉ làm nội trong nhà thôi”. 

Hơn một tháng trước, ba xã cù lao Giêng đã mở ra cửa hàng 0 đồng tại xã Mỹ Hiệp để giúp đỡ bà con gặp khó khăn. Với khẩu hiệu “Ai cần đến nhận vừa đủ - Ai thừa đến cho” bày đầy ắp gạo, mì, trứng, nước tương, nước mắm, rau củ, hành, chanh, ớt… Những quầy hàng 0 đồng ở các xã cù lao là “cái phao” của những người nghèo, người già neo đơn, người bán vé số… Mỗi ngày, có hơn 100 lượt bà con đến nhận hàng và đến đóng góp tiền, lương thực… để cửa hàng luôn dồi dào thực phẩm, và để chia sẻ với những trường hợp khó khăn.

Trên những con đường vắng lặng của cù lao, chốc chốc lại có tiếng xe ba gác nổ đinh tai, chạy xuôi ngược với những xe hàng đầy ắp rau củ, trái cây, thịt cá… đem đến tận nhà cho những hộ khó khăn và các quầy hàng 0 đồng. Cái tình làng nghĩa xóm, hồn phách cù lao trăm năm qua vẫn đong đầy trong những ngày lịch sử chẳng mấy vui vẻ này. 

Đằng sau tất cả rộn ràng, gấp gáp chống dịch vẫn là cái lõi bình yên, là cuộc sống chân chất, hồn nhiên của người dân ba vùng cù lao. Ở đó, nỗi sợ vẫn thấp thỏm và được chặn đứng bằng những tấm biển đỏ, bằng tinh thần tự cách ly. Và người ta không sống bằng nỗi sợ, mà sống bằng sự an nhiên, hào sảng, phóng khoáng như phẩm chất muôn đời của vùng đất này.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI