'Chuyên án' FIFA

29/05/2015 - 18:54

PNO - PN - Vụ án chủ yếu do người Mỹ xúc tiến điều tra, nhưng khi bắt thì lại bắt kiểu Thụy Sĩ: không còng tay, không rút súng, không hụ còi. Dù vậy, mức độ chấn động lan ra cả thế giới.

edf40wrjww2tblPage:Content

'Chuyen an' FIFA

Người hâm mộ đã phẫn nộ dùng sơn đỏ giả làm máu tạt lên bức tường trụ sở FIFA

1- Sáng sớm hôm 27/5, khu vực tiếp tân của Baur au Lac, khách sạn năm sao đã 171 tuổi đời tại trung tâm Zurich, vẫn yên ắng như mọi ngày. Trước cửa, hàng chồng báo mới vừa được quăng xuống. “Doorman” (người gác cửa) vừa nhận cuộc gọi từ một vị khách, hỏi xem cửa hàng thuốc tây gần đó có mang thuốc tới được không.

Thế rồi, khi đồng hồ điểm sáu tiếng chuông, bỗng có hơn một chục nhân viên thi hành công vụ ập vào. Tất cả đều mặc thường phục. Đi qua một cánh cửa nhỏ ở mặt trước khách sạn, họ đến thẳng bàn tiếp tân, đọc lệnh và yêu cầu giao chìa khóa phòng của những vị quan chức cao cấp nhất của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), vốn đang chuẩn bị cuộc họp đại hội đồng thường niên và bầu cử chủ tịch mới vào ngày 28, 29/5.

Một, hai, ba, bốn... có bảy vị đã bị cảnh sát Thụy Sĩ giải đi trước khi những người chung quanh kịp hiểu ra chuyện gì. Không còng tay, không rút súng, không còi hụ. Đây là cú phá án lớn nhất, rúng động nhất lịch sử bóng đá thế giới.

'Chuyen an' FIFA

Bảy quan chức FIFIA vừa bị bắt dưới tay FBI - Ảnh: AFP

2- Trong bảy vị bị bắt ấy, có một phó chủ tịch FIFA đương nhiệm, một cựu phó chủ tịch, một thành viên tiểu ban kỷ luật và một sắp nhận ghế trong ban chấp hành FIFA. Bên cạnh đó, danh sách nghi can còn có nhiều vị khác vốn là cựu chủ tịch các liên đoàn bóng đá châu lục, liên đoàn bóng đá quốc gia hoặc đang điều hành tiếp thị cho FIFA, nâng tổng số bị tình nghi lên tới 14 người - và đó mới chỉ là tạm thời trước mắt.

Chỉ nhìn vào số lượng và liếc qua danh tính của người bị bắt cũng đủ thấy... khiếp. Những gì họ đã làm như trong cáo buộc còn hãi hùng hơn: Họ bị nghi ngờ đã nhận hối lộ để dồn phiếu cho Nam Phi giành được quyền tổ chức World Cup 2010, ủng hộ Nga đăng cai World Cup 2018 và Qatar đăng cai World Cup 2022. Không chỉ vậy, họ còn bị cáo buộc tội tham nhũng, tội nhận tiền lại quả một cách lâu dài có hệ thống từ các công ty tiếp thị ở châu Mỹ nhằm giúp những công ty này giành bản quyền truyền thông ở các giải bóng đá quốc tế lớn.

'Chuyen an' FIFA

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter liệu có cách gì gỡ lại bàn thua vỡ mặt trên sân nhà này?

Theo Văn phòng Tổng chưởng lý Hoa Kỳ, nơi đã cùng Cục điều tra Liên bang theo dõi suốt ba năm nay trước khi phối hợp với nhà chức trách Thụy Sĩ trong cú phá án 27/5 vừa rồi, nhiều quan chức FIFA đã dính chàm suốt gần một phần tư thế kỷ với tổng số tiền tham nhũng lên đến hơn 150 triệu USD. Như vậy là đủ để nhiều vị FIFA phải ngồi tù ít nhất 20 năm. Theo lời tổng chưởng lý Loretta Lynch, lẽ ra FIFA phải làm cho bóng đá thế giới trong sạch thì họ lại làm giàu cho chính bản thân. “Đã có ít nhất hai thế hệ quan chức lạm dụng chức vụ và quyền hạn để nhận hàng triệu USD tiền hối lộ, lại quả”.

3- Trên các diễn đàn bóng đá khắp thế giới, hầu như nơi nào cũng có nhiều người mừng với cuộc phá án này. Cái kim trong bọc cuối cùng cũng phải lòi ra.

Đâu phải trước đây người ta không nghi ngờ. Đâu phải báo chí thế giới chưa lên tiếng. Họ đã đấu tranh quá nhiều là đằng khác. Về cách làm ăn của FIFA chẳng hạn, người ta chỉ biết rằng từ 2011 đến 2014, FIFA đã thu về không dưới 5,7 tỷ USD, nhưng thu về rồi làm gì và làm có hợp pháp hay không thì thông tin luôn kín như bưng, chẳng ai biết được. Giới truyền thông đã có lần phải lên tiếng rằng cách hoạt động của FIFA cứ như là một thế giới “bất khả xâm nhập”.

Vụ giao quyền tổ chức World Cup 2022 cho Qatar cũng thế. Ngay khi quyết định được đưa ra vào tháng 12/2010, khắp nơi đã dậy lên những hoài nghi về gian lận, hối lộ. Sau đó, làn sóng bất bình càng gia tăng trước những bài tường thuật rằng hàng trăm công nhân nhập cư (chủ yếu người Nepal và Nam Á) đã chết trong những điều kiện làm việc hà khắc, vi phạm nhân quyền và luật lao động quốc tế.

'Chuyen an' FIFA

Luật sư Michael Garcia chắc từng không ngờ báo cáo 450 trang của mình đã được FIFA phù phép ngoạn mục thế nào - Ảnh: Getty Images

Trước những dư luận như thế, FIFA đã yêu cầu một luật sư Mỹ có tên là Michael Garcia rà soát lại toàn bộ tiến trình vận động đăng cai World Cup 2018 cũng như 2022. Kết quả: Bản tường trình dày 450 trang của Garcia cũng bị FIFA ém luôn! Thay vào đó, FIFA đưa ra một bản tóm lược... do người khác làm, trong đó khẳng định rằng tiến trình 2018 của Nga cũng như 2022 của Qatar đều minh bạch!?

4- Bây giờ thì có lẽ chẳng còn gì đáng được gọi là minh bạch nữa. Nhật báo International Herarld Tribune hôm qua đã bình luận: Lần này, xem như FIFA đã hết cách giả vờ rằng “chỉ có vài quan chức tiêu cực” nếu số lượng bị bắt, bị tình nghi đông đảo đến thế.

Chỉ tội cho những phu nhân, bạn gái của những vị vừa bị bắt. Sáng 27/5 ở Zurich, sau khi cảnh sát Thụy Sĩ giải các quan chức ấy ra ngoài, những người bạn đời của họ vẫn ngồi lại trong một góc ở Baur au Lac. Họ chúi vào một chiếc máy tính, chờ cuộc họp báo của phát ngôn viên FIFA Walter de Gregorio. Lúc người phát ngôn bảo rằng cái ngày chấn động này thực ra lại là một ngày “tốt” cho FIFA vì cần phải loại trừ nạn tiêu cực, những người phụ nữ ấy cúi đầu xuống thấp hơn. Một người trong số họ bắt đầu khóc. Đó là nước mắt thương chồng sắp dính vào vòng tù tội, hay khóc vì lâu nay cứ tưởng chồng mình lương thiện?

 MINH KHUÊ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI