Chưa Tết đã nhập viện do "quá chén"

24/01/2017 - 12:10

PNO - Chưa Tết nhưng các bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc rượu.

“Sĩ vì tửu lượng yếu”

Sau một chầu “xả láng” bằng rượu đế để chia tay người đồng hương về Nghệ An;  anh Trần Thanh P. (36 tuổi, ở Quận 11) đứng dậy chuẩn bị đi về thì thấy choáng váng, đau đầu và nôn thốc nôn tháo. Anh cũng tưởng say rượu như những lần trước nên vẫn cố chạy xe về.

Tuy nhiên, vừa đề máy xe thì anh P. ngã nhào, ngất xỉu ở vỉa hè đường Nguyễn Tri Phương. Anh được đưa vào BV Đại học Y Dược cấp cứu, bác sĩ xác định anh bị ngộ độc rượu methanol dẫn đến rối loạn điện giải, tụt huyết áp và suy hô hấp. May mắn, anh P. được cấp cứu thành công và thoát khỏi tay tử thần trong gang tấc.

Thạc sĩ bác sĩ Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tình trạng ngộ độc rượu rất dễ xảy ra. Nguyên nhân là do trong rượu bia bình thường có chứa ethanol (cồn thực phẩm), có thể gây độc hại nếu sử dụng nhiều.

Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào lượng rượu nạp vào người. Trường hợp nhẹ, có thể bị kích động, la hét, nói ngọng. Ngộ độc nặng hơn thì dẫn đến lơ mơ, hôn mê, khó thở, suy hô hấp…

Nhiều người nghĩ “say rượu” sau khi uống là lẽ thường, nhất là với người có tửu lượng kém, nên đôi khi chủ quan, bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo ban đầu.

Chua Tet da nhap vien do
Một ca bị ngộ độc rượu

Nguy hiểm hơn là uống phải những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa cồn công nghiệp gây độc cho cơ thể. Biểu hiện của ngộ độc rượu methanol là rối loạn thị giác như: nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, hoặc không nhìn thấy, nặng hơn nạn nhân bị hôn mê, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, rượu bia còn gây rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, tâm trạng dễ bị kích động, bạo lực…  dẫn đến mất kiểm soát hành vi.

Rượu “gia truyền” cũng chết!

Bác sĩ Quốc Minh cho biết một số người nhập viện do tự hào với rượu tự ngâm như: chuối hột, tắc kè, rượu rắn, rượu cá ngựa… được gia chủ khẳng định rất tốt sức khỏe.

Thế nhưng, do việc sử dụng các loại rễ cây, thảo dược, các loại động vật ngâm vào rượu mà không rõ thành phần hay công dụng, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể. Nếu uống các loại rượu ngâm quá nhiều vẫn có thể bị nghiện rượu, ngộ độc rượu và các tác hại tương tự rượu bia thông thường.

Cách đơn giản giúp hạn chế bị say và giảm tác hại của rượu là nên ăn no trước khi nhậu. Vì khi bụng đói thì rượu bia dễ hấp thu vào cơ thể dẫn đến say.

Cần uống nhiều nước vì cơ thể dễ bị mất nước khi uống rượu bia và  không nên lạm dụng thuốc giải độc gan, thuốc giải rượu. Và tốt nhất nên uống ít, không dùng rượu có chứa methanol hay  mua rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ..

Thùy Dương

Xử trí bị ngộ độc rượu

Trường hợp bị say rượu, ngộ độc nhẹ ethanol (rượu gạo, rượu nếp) với các biểu hiện: nôn ói, đau đầu, có thể chăm sóc tại nhà. Nhưng phải chú ý bù nước đầy đủ, vì say rượu, nôn ói khiến cơ thể dễ mất nước, hạ đường huyết có thể tử vong.

Khi bổ sung nước cho người say rượu cần lưu ý cho uống từng chút một, vì dễ bị sặc khi uống nước.  Trong trường hợp bị nôn ói nhiều, nên cho người say nằm nghiêng để tránh tình trạng hít sặc gây ra suy hô hấp và viêm phổi về sau, cần giữ ấm vì khi ngộ độc rượu làm hạ thân nhiệt, sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI