Chủ tịch nước: Không được ngăn sông cấm chợ, cản trở lưu thông

11/10/2021 - 12:43

PNO - Sáng 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu của đơn vị số 10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi. Buổi tiếp xúc diễn ra trước thềm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi làm việc, nhiều cử tri nêu nguyện vọng, Trung ương và TPHCM quan tâm hơn đến việc bổ sung các nguồn vắc xin COVID-19 để có thể tiêm cho các em nhỏ. Khi đạt tỷ lệ tiêm chủng nhất định, các em có thể sớm quay lại trường học.

Về nội dung này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em, tạo điều kiện để các cháu đến trường là điều luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện tại, Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn đang xem xét và dự kiến sẽ có quyết định việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi trong tháng 10.

Chủ tịch nước thông tin: "Trong chuyến công tác tại Cuba, chúng tôi đã đàm phán mua 5 triệu liều vắc xin COVID-19 cho trẻ em trong tổng số 10 triệu liều. Trong chuyến thăm Công ty Pfizer, hãng này cũng hứa cung ứng 20 triệu liều vắc xin COVID-19 cho trẻ em".

Cũng theo Chủ tịch nước, nếu lượng vắc xin trên về sớm, vào cuối tháng 10 này, Việt Nam có thể tiêm cho trẻ em để đảm bảo an toàn trước khi đến trường, hạn chế được việc phải học trực tuyến".

Chủ tịch nước tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 11/10
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 11/10

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các địa phương, người dân hiểu đúng hơn về quan điểm "mỗi phường xã là một pháo đài chống dịch". Khi nói đến việc "xã, phường là pháo đài chống dịch" thực chất là khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của địa bàn cơ sở và đề cao vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Pháo đài không có nghĩa là biệt lập, không có nghĩa là được ra những quy định riêng biệt, trái với chỉ đạo của Trung ương. Các địa phương không được ngăn sông cấm chợ, cản trở các hoạt động, cản trở sự lưu thông hàng hóa dịch vụ".

Phân tích thêm, Chủ tịch nước cho biết nếu các địa phương làm không tốt, hiểu không đúng nghĩa "pháo đài", những bất cập sẽ gây khó khăn cho người dân, hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo Chủ tịch nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và phòng chống dịch COVID-19, Bộ Chính trị có nhiều phiên họp đưa ra biện pháp chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19. Đây là bước chuyển phù hợp trong bối cảnh nhiều ca nhiễm.

TPHCM đã tiêm vắc xin mũi 1 cho 97% dân số và mũi 2 cho gần 70% dân số. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Với số lượng tiêm vắc xin này và biện pháp 5K, chúng ta phải vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy kinh tế xã hội, không để TPHCM rơi vào khủng hoảng sâu về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm của thành phố”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh thêm, từ kinh nghiệm của quốc tế và Việt Nam cho thấy thích ứng an toàn với COVID-19 vẫn là vắc xin và 5K. Ông nói: “Trước hết là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Trong năm 2022, có thể phải tiêm mũi tăng cường bởi nếu kháng thể suy giảm thì nguy cơ dịch trở lại sẽ rất cao”.

Sáng 11/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu của đơn vị số 10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi. Buổi tiếp xúc diễn ra trước thềm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Buổi tiếp xúc của Đơn vị số 10 diễn ra trước thềm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Với riêng huyện Củ Chi, Chủ tịch nước cho hay, đây là một trong những địa bàn của TPHCM sớm khống chế được dịch bệnh. Dù vậy, huyện cần đề cao cảnh giác với dịch bệnh, không chủ quan.

Về khôi phục kinh tế, Chủ tịch nước nhấn mạnh thời gian tới, huyện cần đảm bảo phối hợp nhịp nhàng với các địa phương xung quanh nhằm tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, khôi phục kinh tế. Cùng với đó, huyện cần tăng cường hơn trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Không chỉ các chính sách kinh tế, các lĩnh vực an sinh xã hội cần sớm tháo được những nút thắt. Đặc biệt, huyện Củ Chi không nên chỉ sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống như nơi khác; cần nghiên cứu để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi thế mạnh dựa trên thành tựu công nghệ.

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng huyện Củ Chi các loại thuốc điều trị COVID-19, trang thiết bị, vật tư y tế trị giá gần 2 tỷ đồng.

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI