Chủ tịch Hội Đột quỵ bất lực trước sinh mệnh người quen vì bệnh viện đánh mất giờ vàng

15/07/2019 - 17:56

PNO - Thay vì chuyển đi gấp, bệnh viện này đã giữ bệnh nhân đột quỵ ở lại khiến bỏ qua giờ vàng để cứu sống của họ.

Phát biểu trong hội nghị "Giao ban cấp cứu ngoại viện" tại Sở Y tế chiều 15/7, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng – Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 kiêm Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM - chia sẻ câu chuyện về một người quen của ông bị đột quỵ nhưng ông đành "bó tay" vì bệnh nhân được đưa vào cấp cứu không đúng nơi.  

Chu tich Hoi Dot quy bat luc truoc sinh menh nguoi quen vi benh vien danh mat gio vang
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115

Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng cho biết chỉ mới hôm qua (14/7), người quen của ông không được cứu sống sau khi bị đột quỵ: “Lúc 2 giờ sáng, tôi nhận được cuộc gọi của gia đình bệnh nhân bị đột quỵ. Bệnh nhân này bị đột quỵ từ lúc 22 giờ tối hôm trước và được đưa đến một bệnh viện tại TP.HCM chỉ trong vòng 30 phút. 

Nhưng bệnh viện này chỉ chụp CT scan và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 vào 3 giờ sáng hôm sau. Như vậy, bệnh nhân đột quỵ đã bị giữ lại đến 4 tiếng đồng hồ. Khi bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115, kết quả chụp CT scan cho thấy đã rơi vào tình trạng đột quỵ nhồi máu não ác tính. Tôi không thể làm gì khác để cứu”.

Tình trạng này vốn đã được tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng nêu lên cách đây hơn 1 năm mà Báo Phụ nữ TP.HCM từng cảnh báo.

Khi đó, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng đã khuyến cáo về các trường hợp tử vong hoặc phải sống đời thực vật vì các bệnh viện không đủ khả năng điều trị đột quỵ nhưng không cho bệnh nhân chuyển viện ngay đến các bệnh viện có đủ khả năng như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chợ Rẫy...

Chu tich Hoi Dot quy bat luc truoc sinh menh nguoi quen vi benh vien danh mat gio vang
Bệnh nhân đột quỵ nằm điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115

Tuy TP.HCM có 15 bệnh viện đăng ký điều trị cấp đột quỵ nhưng thực tế các nơi này không cấp cứu đột quỵ thường xuyên vì thiếu bác sĩ can thiệp.

“Bệnh nhân đột quỵ nếu đến những nơi này trong giờ hành chính thì sẽ được cấp cứu đột quỵ, nhưng nếu ngoài giờ hành chính thì không có ai điều trị”, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng đánh giá. 

Theo bác sĩ Thắng, nhiều bệnh viện tại TP.HCM thường chỉ có 1 bác sĩ can thiệp điều trị đột quỵ, trong khi các bệnh viện chuyên can thiệp bệnh lý này có những ê-kíp điều trị và biết sử dụng các kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng đề nghị lãnh đạo Sở Y tế phải chuẩn hóa khả năng điều trị đột quỵ tại các bệnh viện. Nếu đã đăng ký điều trị đột quỵ thì phải hoạt động, bởi điều trị đột quỵ phụ thuộc rất lớn vào thời gian vàng.

Thời gian tốt nhất để điều trị đột quỵ tính từ lúc nhập viện đến lúc cấp cứu là trong khoảng 30 phút. 

Chu tich Hoi Dot quy bat luc truoc sinh menh nguoi quen vi benh vien danh mat gio vang
Lực lượng cấp cứu ngoại viện (115) sẽ đưa bệnh nhân đột quỵ vào bệnh viện dựa trên bản đồ các cơ sở điều trị đột quỵ tại TP.HCM. Nếu bệnh viện nào không điều trị được đột quỵ, sẽ làm mất thời gian vàng của bệnh nhân.

Trung bình một năm TP.HCM có khoảng 2.000 bệnh nhân điều trị đột quỵ. Nhưng cách đây 20 năm, Việt Nam không thể điều trị đột quỵ. Bệnh nhân đột quỵ vào bệnh viện chỉ được theo dõi và cho uống một viên aspirin.

Năm 2006, TP.HCM lần đầu tiên đưa quy trình tiêu sợi huyết vào điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện An Bình.

Năm 2015, TP.HCM áp dụng phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ trong vòng 6 giờ để điều trị đột quỵ. Mới đây nhất, thời gian cứu sống bệnh nhân đột quỵ được mở rộng lên 24 giờ nếu chứng minh"vùng tranh tối tranh sáng" của bệnh nhân vẫn còn.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI