Chồng dạy toán, vợ dạy văn

20/11/2020 - 06:03

PNO - Vợ tôi là giáo viên và tôi cũng vậy. Em dạy văn còn tôi dạy toán. Trong một chừng mực nào đó, chúng tôi khác biệt nhau trong cách nghĩ và cách sống.

Với tôi, một cộng một bằng hai. Với tôi, khi hết giờ dạy thì về nhà, khi giận thì nói giận, khi buồn ngủ thì vùi mình vào chăn ấm, khi hết chuyện nói thì lặng im...

Với tôi, mọi thứ rõ ràng, đơn giản như vậy. Quan trọng là sống tốt. Còn em, em hay hỏi ngược lại tôi như thế nào là sống tốt? Em thường hay làm những điều mà tôi cho là vô lý và ít đồng tình.

Công việc bộn bề mà em vẫn thơ thẩn và bảo không có hứng làm việc, rồi em đi trồng cây, ngắm hoa. Một ngày chỉ ba tiết, nhưng có khi em ở trường cả ngày. Trường có thư viện mà em nhờ tôi chở hết sách ở nhà vào trường, rồi đi xin, đi thuyết phục để có một phòng đọc sách.

Ngày ngày em ngồi ở phòng ấy. Em bảo đó là niềm vui của em. Nhiều lúc tôi giận và trách em. Tôi muốn em ở nhà. Nhưng khi em ở nhà, tôi lại gặp những rắc rối khác. Em để ý từng lời, từng câu, từng cử chỉ, từng việc làm của tôi. Em bảo tôi đọc sách. Em muốn tôi ngồi nghe những trăn trở của em, em muốn tôi thức cùng em những đêm không ngủ.

Một ngày nọ, tôi bắt gặp những chiếc hộp trong ba-lô của em. Đó là những chiếc hộp đựng bao nhiêu là đầu phấn. Với tôi, những đầu phấn ấy đã không còn có thể cầm để viết được nữa. Và theo tôi, nên đem chúng ra sọt rác để giữ vệ sinh chung.

Tôi nói với em điều này và tất nhiên, được nghe lại rất nhiều từ em. Ban đầu, tôi cảm thấy mơ hồ, nhưng sao càng ngẫm, tôi lại thấy em có lý. Đời một người thầy có khác gì đời phấn đâu! Ta không bao giờ biết được phấn đã vẽ ra bao nhiêu điều, bao nhiêu hình ảnh lên bảng đen lớp học. Viết càng nhiều, vẽ càng công phu, thì phấn càng mòn đi nhanh chóng.

Hình ảnh người thầy qua bao thế hệ học sinh giống như những lần viết rồi xóa bảng. Xóa có được đâu bởi bụi vẫn vương đầy bục giảng. Rồi dần dần bụi phấn góp nhặt thành bụi thời gian phủ trắng mép tường vôi và phủ trắng những mái đầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em nói, "khi chúng ta về hưu có khác gì những đầu phấn kia. Em giữ phấn như giữ chút ký ức của nghề. Biết đâu một ngày nghề của ta không còn cần đến phấn nữa. Anh có để ý thấy rằng, không viên phấn nào có thể bị sử dụng đến tận cùng. Bao giờ phấn cũng còn lại một chút”…

Tôi cầm trên tay những đầu phấn, lại thấy sự khác biệt ở mỗi viên. Sự khác biệt ấy do người cầm. Người cầm phấn nghiêng thì vết mòn đầu xéo, người cầm phấn đứng thì vết mòn đều, người dùng lực nhiều thì đầu mòn sắc cạnh, người dùng lực ít thì đầu mòn trơn láng, người tỉ mỉ thì đầu phấn còn cực ngắn, người hào phóng thì đầu phấn còn dài hơn. Vậy là nhìn phấn lại hiểu tính thầy, nhìn đầu mòn để hiểu cái đức bình tâm.

Rồi tôi bắt đầu hiểu những điều vợ làm. Cuộc sống của tôi cần em để những nguồn giá trị bên trong được nuôi dưỡng. Cuộc sống của tôi cần em để nhìn đời thấu đáo hơn. Đôi khi một người cộng một người chưa chắc bằng hai người. Tôi chấp nhận câu trả lời khác, bởi lẽ em và tôi sẽ chỉ cộng được với nhau, khi chúng tôi là một mà thôi - một mái nhà, một vòng tay.

Tôi suy nghĩ nhiều về đời phấn. Tôi và em sẽ cùng nhau vẽ cho đời những sắc màu, và sẽ giữ cho nhau một chút còn lại của đầu phấn. Đó là giá trị của nghiệp cầm phấn - cái nghiệp đi cùng những mái đầu xanh. 

Hoàng Song Vinh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI