Vùng xanh… tâm trí

Chọn tích cực để bình an hay chọn tiêu cực để khổ sở?

26/09/2021 - 07:46

PNO - Giữa những ngày quá căng thẳng vì chống chọi với dịch bệnh kéo dài, có lẽ chúng ta sẽ thấy chán chường, mệt mỏi, thậm chí bi quan, tuyệt vọng. Chưa kể còn bị “ma trận” thông tin từ truyền thông đến mạng xã hội bủa vây, chúng ta không còn biết đường ra. Làm thế nào cho đúng? Nghe điều gì cho phải?… Bạn có từng đặt ra những câu hỏi như thế cho mình?

 

Đừng sợ COVID-19. Nó không phải con ma nhảy xổ ra vồ lấy bạn. COVID-19 có thể được ngăn chặn khi bạn thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. Đừng để COVID-19 khiến bạn thành kẻ khác, cướp đi sự tốt đẹp trong con người bạn. Tử tế là một sự lựa chọn chứ không phải bẩm sinh hay do di truyền.

Những ngày qua, nhiều người đã nghe quen hai chữ “vùng xanh”. Để trở thành và được công nhận là “vùng xanh”, khu dân cư đó phải không có ca nhiễm COVID-19 nào. Tôi cực thích hai chữ “vùng xanh” đó, ngay từ ngày đầu chúng được sử dụng. Tôi nghĩ về những “vùng xanh” khác nữa trên không gian mạng, trong các nhóm cư dân và trong cả tâm trí của mỗi chúng ta. Tôi mong mỗi chúng ta đều có một “vùng xanh” trong tâm trí của mình.

Hôm trước, tôi có nhắn nhủ một người chị: “Em mong chị tạo ra một “vùng xanh” trong tâm trí cho mình nhé”, bởi suốt cả tuần, trên trang cá nhân, nhiều dòng chị viết hoặc chia sẻ đều là những trạng thái, những biểu tượng phẫn nộ, đều về COVID-19. Khi thì là số ca tử vong quá nhiều trong một ngày, những kẻ trục lợi nâng giá hỏa táng lên đến 40 triệu đồng. Lúc thì những kẻ nhà mặt tiền, xe cộ sang chảnh nhưng vẫn lên trang cứu trợ “xin” lương thực, thậm chí nhiều kẻ chỉ xin tiền chứ không xin nhu yếu phẩm. Có hôm, chị phẫn nộ với những người dùng ATM oxy nhưng không trả lại bình… 

Tôi nhắn chị rằng, phẫn nộ là đúng nhưng sự phẫn nộ trên mạng lúc này thực sự không giúp được nhiều cho công cuộc chống dịch, không giảm được số ca tử vong, không ngăn số ca lây nhiễm tăng mỗi ngày… Nó không chỉ khiến tâm trạng chị suy sụp mà còn khiến người thân của chị hoang mang theo. Chị đồng ý.

Sau hôm đó, chị tạo “vùng xanh” cho Facebook cá nhân bằng những tin tốt lành, về những tương trợ từ khắp nơi, từ tình người trong mùa dịch, những hình ảnh đẹp và cả bằng tâm trạng bình an trong tâm trí. Chị nhắn cho tôi: “Tú ơi, chị thấy ổn hơn hẳn, không còn mất ngủ như mấy hôm trước nữa. Dù vẫn nhiều bất an nhưng chị không bị suy sụp nữa”.

Những ngày qua, nhiều người xuất hiện dấu hiệu rối loạn tâm thần vì áp lực, bất an, nỗi sợ COVID-19. Có người bạn của tôi hút hơn ba gói thuốc mỗi ngày, uống nhiều rượu hơn vì lo âu, căng thẳng. Dịch bệnh với những lệnh giãn cách liên tục được nối dài khiến công việc của anh không biết đến bao giờ mới trở lại, tiền bạc trong nhà đội nón ra đi, tài khoản ngân hàng lâu lắm rồi không nghe tiếng ting ting quen thuộc.

Chưa kể con cái vào năm học mới, quá nhiều khoản tiền phải chi. Khủng hoảng khiến vợ chồng anh cãi nhau liên miên. Sau những cuộc cãi vã, anh càng dùng rượu, thuốc lá nhiều hơn… Hằng ngày, anh viết trên Facebook những lời cay cú, giận dữ và đầy bế tắc.

Trong nhóm cư dân của tôi, nỗi sợ khi đọc quá nhiều thông tin tiêu cực về COVID-19 khiến nhiều cư dân “nhìn đâu cũng thấy F0”. Một hàng xóm ngày nào cũng ra đường tham gia phát quà cho người yếu thế, hỗ trợ cung cấp thực phẩm cho các khu phong tỏa, cách ly đã bị nhiều cư dân… né xa, thể hiện e ngại nếu lỡ phải đứng chung thang máy và hằng hà sa số những lời bình kiểu như “hàng xóm ấy tiếp xúc nhiều thế lỡ dính virus thì toi mình”. 

Cũng trong nhóm ấy, những lời lên án, thóa mạ lại xuất hiện mỗi khi trên mạng xuất hiện hình ảnh đám đông tụ tập. Đúng là phải lên án nhưng không có nghĩa ta được quyền thóa mạ họ. Có những người phải ra đường vì đó là công việc bắt buộc nhưng họ lại bị thóa mạ như thể họ là những kẻ vô ý thức. Nỗi sợ COVID-19 khiến nhiều người trong chúng ta biến thành người thời trung cổ: xử người khác bằng gạch đá. Hệ lụy sau đó là mạng xã hội tràn ngập lời chửi bới, phủ một màu đen tối…

Chúng ta lên án tin giả, dùng nhiều cách để chung tay ngăn chặn tin giả, có cả chế tài để xử lý tin giả. Song với tin tiêu cực, chúng ta không có chế tài nào cả. Trong khi tin tiêu cực (lắm khi được người ta thể hiện quá sự thật và truyền nhau mà không qua kiểm chứng) hủy hoại tâm trạng, tâm lý của nhiều người hơn cả tin giả. Bởi lẽ, sau khi tin giả bị vạch trần, mọi người có thể không tin nữa nhưng những tin tiêu cực thì âm ỉ và ăn mòn tâm trạng chúng ta mỗi ngày.

Tin tiêu cực, dễ thấy, là những tin khiến bạn đọc xong sẽ nảy sinh tâm trạng ấm ức, bất an, hoang mang, giận dữ… Cứ tưởng tượng, buổi sáng mở mạng xã hội hay báo chí lên, đọc toàn những tin tiêu cực, thử hỏi bạn có thể vui được không? Nhẹ thì bức bối khó chịu, nặng hơn thì đổ vỡ lòng tin, sâu hơn thì khiến chúng ta có cảm giác mình đang sống giữa ngập tràn đau đớn.

Thế nên, tôi thực mong chúng ta mỗi người đều xây dựng một “vùng xanh” bảo vệ tâm trí mình. Như người bạn của tôi, mỗi ngày, suốt thời gian giãn cách, lập ra một album “Những điều biết ơn”. Mỗi ngày, cô tìm ra điều gì đó trong cuộc sống khiến cô thấy biết ơn để viết ra. Hay phong trào khoe trên mạng xã hội những bữa ăn gia đình đầy sáng tạo vì không đủ nguyên liệu như ngày thường… Mỗi người đều có cách để tạo ra “vùng xanh” trong tâm trí. 

Nhiều người bạn của tôi chọn phương án giảm số giờ lên mạng, dùng thời gian đó để thay đổi một thói quen xấu, thiết lập một thói quen tốt. Khoa học đã chứng minh rằng, nếu chúng ta làm điều gì đó 21 ngày liên tục, nó sẽ trở thành thói quen.

Có những người lại chọn cách giúp đỡ mọi người, đôi khi chỉ là lắng nghe người lạ bởi có nhiều người đang một mình, không người thân thích. Đôi khi, chỉ là chia sẻ những lời cầu cứu mà họ gặp, kết nối người cần với người có, người thiếu với người cho. Càng tuyệt vời hơn nếu ta có thể cho đi, có thể trợ giúp, có thể làm một điều gì đó, bé thôi, giúp được ai đó đang cần. 

Chúng ta lựa chọn nhìn cuộc đời này theo góc nhìn nào, chúng ta mong đợi cuộc sống này theo chiều hướng nào, AI (trí tuệ nhân tạo) của internet chính là học từ hành vi của chúng ta. Khi bạn lựa chọn tiếp cận những điều tích cực, bạn sẽ chỉ nhìn thấy những điều tích cực. Khi bạn tham gia những luồng tin tiêu cực, bạn sẽ chỉ đọc thấy những thứ tương tự.

Cuối cùng, “vùng xanh” tâm trí là việc chúng ta chấp nhận và đối mặt với thực tế đại dịch.

Chúng ta không thể thay đổi chúng nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chống lại việc chúng thay đổi chúng ta bằng việc “chọn phe” cho mình. Bạn chọn tích cực để bình an trong tâm trí hay chọn tiêu cực để sa lầy trong khổ sở triền miên? Bạn không cô độc, hãy nhớ điều đó. Dù hôm nay chúng ta đang bị giãn cách thì internet đang nỗ lực kéo chúng ta xích lại gần nhau.

Đừng ngại nhờ hỗ trợ vì xung quanh luôn có những người sẵn sàng giúp bạn. Bạn cũng vậy chứ, đúng không? 

Hoàng Anh Tú

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI