Chợ Rẫy tiếp tục cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc do ăn pate Minh Chay

31/08/2020 - 19:33

PNO - Chiều 31/8, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tiếp tục nhận bệnh nhân đến cấp cứu vì ngộ độc do ăn pate Minh Chay.

 

Bác sĩ Lê Quốc Hùng kiểm tra phản xạ ch anh D.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng kiểm tra phản xạ của anh D.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, anh N.N.D. (54 tuổi, ở Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng tay chân yếu liệt, sụp mi mắt hoàn toàn kèm theo khó thở,... do ăn pate Minh Chay.

Theo đó, ngày 27/8/2020, Bệnh viện Bà Rịa chuyển anh D. đến Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán liệt cơ và cho nhập viện khoa Nội Thần kinh để điều trị. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy vấn đề yếu liệt cơ của anh D. có dấu hiệu bất thường, không như bệnh yếu liệt thông thường. 

Ngày 29/8, sau khi theo dõi, bác sĩ khoa Nội Thần kinh nghi ngờ có thể anh D. cũng nhiễm độc tố Botulinum, do trước đó Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cấp cứu 1 trường hợp ở Bệnh viện Bà Rịa chuyển lên, với biểu hiện tương tự.

Các bác sĩ đã mời khoa Bệnh nhiệt đới hội chẩn, quyết định chuyển anh D. đến Đơn vị Chống độc của khoa Bệnh nhiệt đới. Anh D. xuất hiện các triệu chứng điển hình của nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum như: khô miệng, nói khó, nói đớ, nuốt khó, suy hô hấp phải thở máy. Tuy anh không sốt nhưng bị yếu liệt tay chân, mi mắt, chưa cải thiện.

Hiện tại, bác sĩ phải lọc máu cho bệnh nhân, theo dõi sát, cố gắng duy trì, tránh biến chứng có thể xảy ra do độc tố.

Theo người nhà anh D., chiều tối 25/8, anh có ăn nhiều pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (Hà Nội). Đến khoảng 23g ngày 26/8, anh bị đau bụng, nôn ói, cảm giác nuốt khó, nói khó, sụp mi nên được đưa đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh của anh diễn tiến quá nhanh nên bệnh viện này tiếp tục chuyển anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Bác sĩ Hùng cho biết: "Bác sĩ của thế hệ trước cũng từng chia sẻ, vào những năm 1975-1980, trường hợp ngộ độc như thế này có gặp lác đác vài ca, nhất là sau thời gian 1975, đời sống khó khăn nên người dân ăn các loại đồ hộp để lâu, quá hạn sử dụng và được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Thời gian đó bệnh viện không có thuốc kháng độc nên kết quả điều trị không khả quan. 

Hơn 30 năm làm nghề y, đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp này, liên hệ với Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ông cũng cho biết chưa từng gặp ca ngộ độc như vậy nên không ngạc nhiên khi bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh lý nhược cơ. Ngay bản thân chúng tôi, khi tiếp xúc lần đầu tiên cũng nghĩ đến chẩn đoán do nhược cơ… Khi bệnh nhân được theo dõi liên tục 2 - 3 ngày cùng với thực hiện nhiều xét nghiệm tại bệnh viện mới phát hiện họ bị ngộ độc bởi vi khuẩn Clostridium botulinum".

Bác sĩ Hùng nói thêm, bệnh lý này chủ yếu do độc tố làm tổn thương đầu nút dây thần kinh, dẫn đến việc dẫn truyền thần kinh tới các cơ không còn khiến bệnh nhân bị liệt. Quan trọng nhất là phải được chẩn đoán sớm và sử dụng thuốc kháng độc tố sớm. Tuy nhiên, các loại thuốc kháng độc tố cho tới hiện tại chỉ có thể làm cho thời gian bị liệt ngắn lại, giúp bệnh nhân không phải thở máy trong khoảng thời gian kéo dài, khi đó những biến chứng tổn thương phổi do thở máy cũng thu hẹp rất nhiều.

Do không có thuốc xử lý kháng độc nên hiện tại, các bác sĩ chỉ điều trị theo phương pháp cho bệnh nhân thở máy hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu, thay huyết tương, lọc máu...

Nguy hiểm ở chỗ, vi khuẩn Clostridium botulinum không thể được phát hiện bằng mắt thường bởi nó không màu, không mùi, không vị, người sử dụng rất khó phát hiện thực phẩm đang có vấn đề. Tuy nhiên, nếu một người sau khi ăn bị đau bụng, nôn ói, mệt mỏi, một hoặc vài ngày sau bị sụp mí, nói đớ, khó nói, yếu tay chân, rối loạn tri giác,... thì phải lập tức đến cơ sở y tế để có thể được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, với sản phẩm đóng hộp, trước khi ăn, người dân phải kiểm tra hạn sử dụng, nấu chín, nấu kỹ. Với những sản phẩm thuộc Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (Hà Nội), nhất là pate Minh Chay, tốt nhất không sử dụng trong thời điểm hiện tại. 

Sáng 31/8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã ra công văn đề nghị UBND 24 quận/huyện khẩn trương kiểm tra, giám sát trên thị trường, chủ động thu hồi 13 sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (địa chỉ Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) và thông báo số lượng cụ thể cho ban quản lý.

Các sản phẩm bị đề nghị thu hồi gồm pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri hương thảo mộc, giò lụa lúa mì, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt và ruốc nấm cháy tỏi.

Cục An toàn Thực phẩm thông tin, từ ngày 13/7 đến 18/8/2020 đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị, trong đó có 2 trường hợp tại Bệnh viện Bạch Mai, 5 trường hợp tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 2 trường hợp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI