Nấu ăn trên lối đi, ngủ trên lề đường
Khu chợ Gà, chợ Gạo có từ trước năm 1975 với khoảng 170 sạp nhỏ, mỗi sạp có diện tích chỉ 9 - 10m². Theo thời gian, những sạp chợ này không còn đơn thuần là nơi buôn bán mà đã được tiểu thương cải tạo thành chỗ ở, biến nơi đây thành khu dân cư chật chội, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Sâu trong những con hẻm có bề ngang chưa đầy 1m, các gian hàng, ki ốt chen chúc với những căn nhà 2 - 4m². Người dân phải tận dụng hành lang, lối đi chung để nấu nướng, sinh hoạt. Bà Ngọc Hoa - cư dân lâu năm tại đây - cho hay, hầu hết người ở đây là dân lao động nghèo, người cao tuổi: “Nhà tui chỉ rộng vài mét vuông nhưng có hơn 10 người chung sống. Nhà chật nên tụi tui phải nấu ăn ở lối đi trước nhà, treo quần áo đầy cửa kéo, ban đêm thì mang ghế bố ra đường ngủ”. Ở khu này, nhiều gia đình cơi nới nhà lên 1-3 tầng nhưng nhà vẫn không đủ chỗ để chứa đồ, ngủ nghỉ.
 |
Con hẻm nhỏ giữa chợ Gà, chợ Gạo bị tận dụng làm đủ thứ: lối đi, chỗ để xe, nơi giặt giũ, nấu ăn cho cả khu dân cư |
Bà Mai Kim Cúc - ở hẻm số 3 Yersin, phường Cầu Ông Lãnh - kể, khu này từng xảy ra 3 vụ cháy, riêng vụ năm 2015 thiêu rụi 8 căn nhà, cháy sém 5 căn khác: “Nhà cửa thông nhau, lại nằm sâu trong hẻm nhỏ nên lực lượng cứu hỏa khó tiếp cận. Nghĩ đến cháy nổ, ai cũng lo, nhưng chẳng biết làm sao”. Bà Võ Thị Lệ - ở đường Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh - bộc bạch: “Nhà chật quá, đồ đạc để khắp nơi nên không ai ngủ mà duỗi thẳng chân được. Mọi nhà đều phải nấu ăn ở lối đi chung. Tôi chỉ mong có căn nhà rộng hơn để con cháu đỡ khổ”.
Cuối năm 2018, UBND quận 1 đề xuất dự án cải tạo khu chợ Gà, chợ Gạo với diện tích quy hoạch 6.339m². Theo dự án, mật độ xây dựng tối đa 50%, công trình cao tối đa 50m, dự kiến phục vụ khoảng 700 người. Nhưng do vướng cơ chế, chính sách và quy hoạch, dự án vẫn chưa thể triển khai.
Không để lãng phí đất vàng, đất kim cương
Trong buổi làm việc với UBND quận 1 gần đây về tình hình kinh tế, xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chỉnh trang đô thị, đặc biệt là ở những khu vực nhếch nhác, xuống cấp như chợ Gà, chợ Gạo. Theo ông, quận 1 là quận trung tâm của thành phố nên sự tồn tại của những khu nhà ọp ẹp, luộm thuộm làm giảm giá trị hình ảnh đô thị. Ông nói: “Không thể để lãng phí những khu đất vàng, kim cương!”. Theo ông, cần tái thiết những khu vực này để cải thiện điều kiện sống cho người dân và làm đẹp diện mạo thành phố.
Về việc cải tạo, chỉnh trang khu chợ Gà, chợ Gạo, ông Nguyễn Phước Thành - Phó trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị quận 1 - cho biết, UBND quận đã xây dựng 3 phương án thực hiện dự án. Phương án thứ nhất là xây dựng khu nhà ở kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng với chiều cao tối đa 120m. Tuy nhiên, do vượt quá quy hoạch hiện hành, UBND quận cần báo cáo và xin chủ trương từ UBND TPHCM. Phương án thứ hai là xây dựng trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống, tạo điều kiện buôn bán ổn định cho người dân, nhưng hiệu quả chỉnh trang đô thị hạn chế, cần đến 271 căn nhà tạm cư. Phương án thứ ba là mở rộng chợ truyền thống kết hợp chỉnh trang đô thị, nhưng cần sự phê duyệt của nhiều cấp, đồng thời đảm bảo quỹ nhà ở xã hội phục vụ tái định cư. Qua đánh giá, UBND quận 1 cho rằng, phương án thứ nhất là khả thi nhất và đã kiến nghị UBND TPHCM giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế thực hiện theo phương thức Nhà nước thu hồi đất.
 |
Do diện tích nhà quá chật chội, bà Ngọc Hoa phải tận dụng hành lang trước nhà làm nơi nấu nướng và sinh hoạt chung |
Kiến trúc sư Nguyễn Viết Khim - nhà sáng lập Thước Tầm Group - cho rằng, khu chợ Gà, chợ Gạo không chỉ là một khu dân cư cũ hay địa điểm kinh doanh tự phát mà còn là biểu tượng sống động của đô thị Việt Nam, nơi đan xen giữa kinh tế, đời sống và ký ức cộng đồng qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, tình trạng sống chen chúc, thiếu an toàn cho thấy xung đột giữa nhu cầu mưu sinh, yếu tố lịch sử và áp lực phát triển hiện đại. Hệ thống hạ tầng quá tải, điều kiện sống kém, nguy cơ cháy nổ cao ở các khu dân cư cũ đặt ra yêu cầu cấp bách về cải tạo.
Theo ông, khi quy hoạch các khu “đất vàng” như chợ Gà, chợ Gạo, ưu tiên hàng đầu vẫn là con người. Cụ thể, cần cải thiện điều kiện sống tại chỗ, tránh “giải tỏa trắng” gây xáo trộn; cần đầu tư hạ tầng đồng bộ từ nhà ở, giao thông đến không gian công cộng và phòng cháy, chữa cháy; cần giữ gìn ký ức đô thị bằng cách tích hợp văn hóa, kiến trúc truyền thống vào thiết kế hiện đại. Đặc biệt, chính sách tái định cư cần đảm bảo đời sống của người dân không khó khăn hơn, bằng cách tái định cư tại chỗ hoặc gần chỗ ở cũ, giá cả hợp lý và có sự tham gia của cộng đồng vào quá trình lập kế hoạch.
Ông đề xuất chuyển hóa không gian buôn bán nhỏ lẻ thành một phần của khu phức hợp thương mại, dịch vụ hiện đại nhưng linh hoạt, học hỏi mô hình “chợ trong lòng trung tâm thương mại” ở Singapore hay Bangkok (Thái Lan), xây khu phức hợp bằng vật liệu bản địa, ánh sáng tự nhiên để tạo cảm giác quen thuộc mà vẫn hiện đại, hấp dẫn. “Bảo tồn không phải là giữ nguyên hiện trạng mà là kế thừa tinh thần cũ để tạo ra giá trị sống mới, văn minh và đa tầng” - ông nói.
Ông cho rằng cần lắng nghe cộng đồng, thử nghiệm linh hoạt và tối ưu giá trị dài hạn. Ông gợi ý chỉnh trang khu này theo mô hình đa chức năng (mixed-use), kết hợp nhà ở, văn phòng, khu thương mại và không gian cộng đồng, sử dụng vật liệu nhẹ, cấu kiện lắp ghép để giảm chi phí, kêu gọi chính quyền hỗ trợ nhà đầu tư thông qua chính sách linh hoạt về tầng cao, hệ số sử dụng đất. Quy hoạch phải hướng tới sự bền vững về môi trường, kinh tế và văn hóa, xã hội để không chỉ “làm đẹp đô thị” mà còn tạo ra những cộng đồng đáng sống, giữ được bản sắc riêng.
Hài hòa lợi ích để thu hút nhà đầu tư Nằm giữa trung tâm quận 1 nhưng khu chợ Gà, chợ Gạo lại tồn tại hàng chục năm với cảnh sống chen chúc trong những căn nhà nhếch nhác, chỉ vỏn vẹn 4m². Tuy có vị trí đắc địa, dự án cải tạo khu vực này vẫn chưa thể khởi động do vướng nhiều rào cản, đặc biệt là bài toán lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước. Tôi cho rằng, muốn dự án khả thi thì trước hết phải hài hòa lợi ích các bên. Nhà đầu tư là doanh nghiệp, họ cần thấy được hiệu quả kinh tế từ dự án. Trong khi đó, yêu cầu quy chuẩn xây dựng và hệ số sử dụng đất tại đây lại khắt khe, khiến các đề xuất đầu tư không thuyết phục về mặt lợi nhuận. Nếu không thể nới lỏng quy chuẩn, thành phố có thể cân nhắc ưu đãi giá đấu thầu để bù đắp chi phí cho nhà đầu tư. Trong trường hợp vẫn không có ai tham gia, cần đặt câu hỏi về tính cấp bách của dự án và khả năng dùng ngân sách nhà nước để triển khai. Dù không tạo ra hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhưng xét trên góc độ an sinh, chính trị - xã hội và bộ mặt đô thị, việc cải tạo khu chợ Gà, chợ Gạo có thể mang lại giá trị lớn hơn nhiều lần so với con số lợi nhuận. Khi đó, đầu tư bằng nguồn lực công là điều cần thiết và xứng đáng. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển TPHCM) |
Thanh Tâm