Khi bà chủ nói cần chữa lành sau biến cố gia đình

11/07/2025 - 06:00

PNO - Biết chị cần chữa lành sau biến cố gia đình, nhưng điều đó không có nghĩa tôi phải có trách nhiệm gánh vác toàn bộ công việc của chị.

Sau nhiều ngày làm việc liên tục từ sáng đến khuya, tôi thực sự kiệt sức. Tôi nhắn tin cho chị chủ: “Em xin nghỉ 1 ngày, em mệt quá!”. Khoảng 2 tiếng sau chị mới trả lời: “Nửa ngày thôi, nghỉ nhiều mất hết khách”.

Đọc tin nhắn lòng tôi nghẹn lại, chị không cần hỏi tình trạng tôi như thế nào mà chỉ nói cụt ngủn như thế. Lần đầu tiên sau thời gian dài làm việc cho chị, tôi quyết định mặc kệ, đóng cửa quán sớm để về quê. Tôi không biết mình có trở lại nữa hay không khi trong lòng quá nhiều cảm xúc tiêu cực.

Dường như chị xem sự giúp đỡ của tôi là nghĩa vụ
Tôi thương chị chủ và cố gắng hết sức để giúp đỡ nhưng...(Ảnh minh hoạ)

Cách đây 5 năm, sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi lên ở với chị để học nghề làm tóc. Chị là con gái của bác ruột, hơn tôi 10 tuổi. Vì chị em họ hàng nên chị không lấy tiền học phí, bù lại, tôi ở cùng gia đình chị vừa học nghề vừa làm việc nhà. Được 2 năm, khi nghề đã thành thạo, tôi chính thức làm thợ ở cho tiệm của chị với mức lương 3 triệu đồng một tháng.

Trong khi các thợ khác hết giờ làm được về còn tôi kiêm luôn việc dọn dẹp, đưa đón cháu và nấu ăn vì ở chung. Nhiều lúc tôi muốn nghỉ việc để về quê mở tiệm riêng, nhưng mẹ tôi động viên ở lại giúp chị thêm một thời gian nữa. Bởi vì mỗi lần tôi định xin nghỉ, chị lại gọi về cho mẹ để than thở kể công chuyện dạy nghề miễn phí nên cha mẹ tôi ngại.

Nhưng với mức lương bèo bọt đó, tôi chỉ đủ chi tiêu cho bản thân và gửi về cho mẹ rất ít. Chị rất kỹ tính, nên chẳng ai làm được lâu, chỉ còn lại một mình tôi. 1 năm trước, khi tôi quyết định sẽ nghỉ làm thì gia đình chị xảy ra biến cố, anh rể bị tai nạn phải nằm liệt giường. Chị giao hết công việc của cửa hàng cho tôi để chăm sóc chồng ở bệnh viện mấy tháng.

Tôi thương chị nên gác dự định riêng, toàn tâm toàn ý làm việc để giữ khách. Mức lương của tôi vẫn vậy, thậm chí có tháng chị quên chuyển lương tôi cũng không dám nhắc vì nghĩ chị đang khó khăn. Tôi làm ngày làm đêm, hàng tháng đều ghi chép chi phí để đưa đầy đủ cho chị. Nhờ vậy, doanh thu của quán vẫn tương đương chứ không sụt giảm.

Đợt này, anh rể đã được ra viện về nhà, chị thuê thêm người chăm sóc và tập vật lý trị liệu nên không còn bận bịu. Nhưng chị vẫn giao hoàn toàn việc của quán cho tôi, chứ không phụ giúp. Chị bận đi tập yoga, đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Chị thường nói với mọi người là mình cần thời gian để chữa lành sau biến cố gia đình.

Điều đáng nói, mỗi lần có mặt ở quán chị luôn cáu gắt với tôi, bắt lỗi từng việc nhỏ như dùng dầu gội nhanh hết, khăn gội đầu chưa kịp giặt hay sàn nhà nhiều tóc. Đôi khi tôi nghĩ chị xem việc tôi quán xuyến tiệm là nghĩa vụ đương nhiên chứ không phải đang giúp đỡ.

Tôi thấy kiệt sức và tủi thân trước cách đối xử của chị họ. (Ảnh minh hoạ)
Tôi thấy kiệt sức và tủi thân trước cách đối xử của chị họ (ảnh minh hoạ)

Nhiều ngày, tôi bị sốt, tay bong tróc, xin nghỉ, nhưng chị không đồng ý, tôi vẫn cố gắng làm. Đến hôm nay, tôi thực sự kiệt sức và thấy tủi thân trước cách đối xử của chị. Dẫu biết rằng chị cần chữa lành sau biến cố gia đình, nhưng điều đó không có nghĩa tôi phải gánh vác toàn bộ.

Cha mẹ xót xa khi thấy tôi trở về với bộ dạng tiều tuỵ, mặt hốc hác, mắt thâm quầng do làm việc quá sức nên không phản đối quyết định của tôi. Dù vậy, mẹ muốn tôi báo cho chị chủ biết để tìm người thay thế trước khi nghỉ việc hẳn. Tôi không thấy áy náy khi chị trả lời bằng tin nhắn trách móc tôi sống bạc bẽo, bỏ đi lúc khó khăn. Tôi nghĩ mình đã làm đúng…

Thanh Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI