Người dưng hóa ruột thịt
Gần tháng nay, lịch sinh hoạt của gia đình chị Hồ Thị Kim Thanh (57 tuổi) gần như bị đảo lộn vì cả nhà phải thay phiên nhau vào bệnh viện chăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khâm. Theo lịch, từ 8g đến 13g, con gái chị Thanh túc trực. Từ 13g đến 20g, chồng chị Thanh đổi ca. Từ 20g đến sáng hôm sau, chị Thanh sẽ vào thay.
Mẹ Khâm đã 95 tuổi. 3 năm trở lại đây, mẹ không còn khả năng tự lo cho mình, chị Thanh hằng ngày qua tắm rửa, nấu cơm, tối ngủ với mẹ. Đôi bàn tay co quắp vì di chứng chất độc da cam của chị Thanh ngày càng bất lực, không đủ sức nâng đỡ mẹ, nên cả gia đình cùng chia sẻ.
Biết con gái vất vả, nên bà Cao Thị Quý - Phó ban Liên lạc cựu tù chính trị TP Thủ Đức (cũ), mẹ của chị Thanh - thường xuyên nhắc nhở, động viên con chăm sóc mẹ Khâm như cha mẹ mình, bởi đời mẹ đã hy sinh nhiều cho đất nước. Hơn 50 năm nay, bà Quý luôn coi mẹ Khâm như chị em và đã cưu mang mẹ kể từ ngày đất nước thống nhất.
 |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM - tặng quà các cựu tù chính trị và tù binh các địa phương |
Câu chuyện ruột rà giữa những người dưng bắt nguồn trong kháng chiến, khi bà Quý và mẹ Khâm cùng công tác trên chiến trường miền Đông. Năm 1966, 2 bà lại cùng được phân công về chiến trường Thủ Đức. Chồng mẹ Khâm bị địch bắt rồi mất tích kể từ chiến dịch Mậu Thân. Con trai duy nhất của mẹ hy sinh năm 1971. Năm đó, bà Quý và mẹ Khâm đều bị địch bắt, tù đày. Ngày đất nước giải phóng, nhìn người chị, đồng chí của mình không còn người thân thích, bà Quý đề nghị mẹ Khâm về sống với gia đình mình.
Bà Quý đã dành ra 50m2 đất kế bên của gia đình mình để cất nhà cho mẹ Khâm ở. Mấy năm nay, con gái út bị ung thư, chồng cũng bệnh tật nằm một chỗ, bà Quý phải lo cho chồng con nên giao việc chăm sóc mẹ Khâm cho con gái lớn.
Không chỉ lo chu toàn cho mẹ Khâm, gần 30 năm làm tổ phó, tổ trưởng rồi Phó ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Thủ Đức, bà Quý luôn hết lòng với nhiệm vụ. Bà đạp xe đến từng xóm, từng nhà để nắm bắt từng hoàn cảnh của những người từng là đồng đội, từng bị tù đày trong kháng chiến, rồi về vận động con cháu, người quen có điều kiện nhận hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Hiện nay, ở tuổi 80, bà vẫn hỗ trợ thường xuyên 4 cựu tù.
Cầu nối gìn giữ và lan tỏa lòng yêu nước
Bà Quý là một trong những thành viên tiêu biểu của Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM - một tổ chức vừa kỷ niệm 50 năm hoạt động vào ngày 9/7 vừa qua. Tại lễ kỷ niệm, bà Hoàng Thị Khánh - Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM - đã ôn lại chặng đường 50 năm hoạt động và phát triển.
Theo đó, vào ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải, từ các nhà tù Mỹ ngụy, các chiến sĩ cách mạng lần lượt trở về quê hương. Một phần trong số đó được phân công về Sài Gòn công tác. Do nhu cầu gặp gỡ, thăm hỏi, giúp đỡ, động viên nhau trong những ngày còn nhiều khó khăn, các cựu tù chính trị và tù binh tại TPHCM đã tập hợp theo nhóm nhà tù như Côn Đảo thời chống Pháp, Côn Đảo thời chống Mỹ, khám lớn Chí Hòa, Bà Rá, Buôn Mê Thuột…
Trong quá trình sinh hoạt, các nhóm nhận thấy cần có một tổ chức chính quy, hoạt động bài bản hơn, và phải là tổ chức đại diện cho thành phố để có tiếng nói chung cho lực lượng cựu tù về chính sách, chế độ… Vì thế, vào ngày 7/8/1991, trên cơ sở đề nghị của Ban Liên lạc khối cựu tù chính trị, Câu lạc bộ Cựu kháng chiến thành phố đã công nhận Câu lạc bộ Khối cựu tù chính trị. Ngày 10/4/1992, Ban Liên lạc tù chính trị TPHCM chính thức trở thành thành viên của Ủy ban MTTQ TPHCM.
“Trong suốt 50 năm hoạt động, Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh các cấp đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội. Nơi đây không chỉ là mái nhà chung của những người từng bị địch bắt tù đày, mà còn là cầu nối gìn giữ và lan tỏa truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các thế hệ đi trước đến với các thế hệ mai sau” - bà Hoàng Thị Khánh khẳng định.
 |
Đại diện Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh các quận, huyện nhận quà của Thành ủy TPHCM |
Không dừng lại ở việc hỗ trợ đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn trở về từ kháng chiến, các thành viên ban liên lạc còn đóng góp vào công tác xã hội, thiện nguyện. Nữ cựu tù Lê Thị Hiền - Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh quận 5 (cũ) - đã dày công đi khắp nơi tìm việc làm cho con cháu các cựu tù, tìm học bổng cho con em cựu tù có hoàn cảnh khó khăn và gom góp từng ký gạo, chai nước tương, hộp sữa giúp các gia đình khó khăn.
Tương tự, ông Tô Ba - Ủy viên Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh quận 10 (cũ) - cũng đã chạy ngược chạy xuôi để có 30 triệu đồng hỗ trợ bà Trương Thị Hoa vượt khó, ổn định cuộc sống, con cái được tiếp tục đến trường. Rồi bà Bùi Thị Sáu - Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh quận 7 (cũ), một phụ nữ đơn thân đã dành trọn thời gian của mình cho hoạt động chăm lo cựu tù và con cháu cựu tù. Ở tuổi về chiều, bà còn nhận đỡ đầu 5 trẻ mồ côi.
Những trường hợp khác là bà Đỗ Thị Cưỡng, ở xã Phú Hòa Đông, lặn lội đi khắp nơi để xác lập hồ sơ công nhận cho đồng đội là ông Lưu Văn Hùng ở phường 15, quận 10 (cũ); đã vận động sinh viên và thanh niên lập “Tổ chống tội phạm ma túy” bắt trọn một nhóm tội phạm giao cho công an…
Những tấm gương trên là minh chứng sống động cho tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ của các cựu tù chính trị và tù binh, góp phần xây dựng một cộng đồng nhân ái, tình nghĩa.
Kết thúc nhiệm vụ của ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh cấp quận, huyện Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM vừa tổ chức kỷ niệm 50 năm hoạt động vào ngày 9/7 vừa qua. Tại sự kiện này, bà Hoàng Thị Khánh - Trưởng ban liên lạc - đã báo cáo kết thúc hoạt động của ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh cấp quận, huyện. Trên cơ sở ban liên lạc cũ, bà nêu những định hướng sắp tới cho hoạt động của ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh cấp phường, xã, đặc khu. Hiện tại, Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM vẫn đang chờ chủ trương của Thành ủy TPHCM. Theo bà Hoàng Thị Khánh, việc kết thúc nhiệm vụ cấp quận, huyện và đưa xuống cấp phường, xã, đặc khu sẽ khiến cho đầu mối của Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM được mở rộng nhiều so với trước. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên là phải duy trì thông tin để hoạt động không bị ngắt quãng. Sắp tới, ban liên lạc sẽ mở một lớp tập huấn sử dụng công nghệ thông tin giúp các thành viên có thể sử dụng, ứng dụng vào hoạt động. Thay mặt lãnh đạo TPHCM, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM - tri ân và trân trọng cảm ơn những đóng góp của các cô chú cựu tù binh, cựu tù chính trị trong hành trình tham gia kháng chiến và cả thời gian sau ngày hòa bình lập lại. Theo bà Tuyết Minh, Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh thành phố và các quận, huyện đã hoạt động rất hiệu quả, từ giáo dục truyền thống đến chăm lo ái hữu cho các thành viên trong thời gian qua. Bà Tuyết Minh cho biết, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy sẽ tham mưu lãnh đạo có văn bản yêu cầu thành lập ban liên lạc tại các xã, phường, đặc khu để tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ làm việc với Ủy ban MTTQ TPHCM để bàn bạc, thống nhất về hoạt động cũng như hỗ trợ điều kiện tốt nhất để ban liên lạc hoạt động tốt hơn. |
Thu Lê