Sốt xuất huyết tấn công người lớn

11/07/2025 - 06:16

PNO - Không chỉ trẻ em, bệnh sốt xuất huyết cũng đang tấn công mạnh vào người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai. Không ít trường hợp tiến triển nặng, nhiều biến chứng phải nhập viện.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng tăng

Thống kê từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh. Nếu cả tháng Sáu có 766 bệnh nhân ngoại trú, 367 người nhập viện điều trị, 2 trường hợp xin về, tử vong, thì chỉ trong tuần đầu tháng Bảy, đã có 341 người đến khám vì SXH, 272 bệnh nhân nhập viện do bệnh tiến triển nhanh, 1 trường hợp quá nặng gia đình xin về. Trong đó, ca tử vong gần nhất là bệnh nhân nữ, mắc SXH trên nền thừa cân, béo phì, biến chứng suy đa tạng. Tuy đã được bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bệnh tiến triển quá nhanh, không qua khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường đang thăm khám cho chị T.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường đang thăm khám cho chị T.

Mấy hôm trước, chị N.T.K. - 32 tuổi, ngụ TPHCM - bị sốt âm ỉ, đau nhức khắp người, mệt mỏi không có sức. Nghĩ bị cảm cúm thông thường, chị mua thuốc uống. Uống thuốc xong, chị có giảm sốt nhưng chóng mặt và ói nhiều, không ăn uống được. Chồng chị K. đưa chị đi khám mới biết chị mắc SXH diễn tiến nặng, giảm tiểu cầu, chảy máu chân răng ít, chỉ định nhập viện.

Nghĩ rằng SXH chỉ là bệnh của trẻ nhỏ, chị K. tự bỏ về nhà. Đến ngày thứ tư của bệnh, chị đi tiêu ra máu, xuất huyết chân lông, sốt cao không hạ, người nhà liền chở đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán chị K. bị sốc SXH nặng, rối loạn đông máu, tổn thương gan… phải điều trị chống sốc, truyền máu, huyết tương.

Mặc dù sốt cao nhiều ngày, mệt mỏi, ói liên tục, chị T.T.T.T. - 28 tuổi, đang mang thai 22 tuần - vẫn nghĩ mình đang mang thai nên ăn đồ ăn lạnh bị trúng thực. Sợ uống thuốc ảnh hưởng đến thai nhi nên chị cố chịu đựng. 2 ngày sau, chị T. đi khám thai định kỳ, bác sĩ nghi ngờ chị bị SXH, yêu cầu đến bệnh viện khám.

Chị T. kể: “Nghe bác sĩ nói, tôi rất lo lắng cho em bé, đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khám. Kết quả xét nghiệm tôi bị SXH, có dấu hiệu tăng nặng nên phải nhập viện điều trị”. Khi vào bệnh viện, chị đã rơi vào giai đoạn đầu của sốc SXH. May mắn, được điều trị kịp thời, sức khỏe của chị dần cải thiện, chỉ còn hơi chóng mặt, đau đầu, thai nhi không bị ảnh hưởng.

Không được chủ quan

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường - Trưởng khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết, khoa có 50 giường bệnh, số bệnh nhân mắc SXH hiện chiếm 2/3. Bệnh nhân ở nhiều độ tuổi, có cả người cao tuổi, người mắc bệnh nền, thai phụ.

Có trường hợp khi nhập viện đã vào sốc và tái sốc nhiều lần, tổn thương gan thận, rối loạn đông máu và xuất huyết nặng, nhiễm trùng phải chuyển đến Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn để điều trị.

Hiện khoa đang theo dõi, điều trị cho 6 thai phụ từ 19-28 tuổi, có tuổi thai từ 9-22 tuần. Các bệnh nhân đang được điều trị ổn định, 1 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo. May mắn, tất cả bệnh nhân nhập viện sớm nên thai nhi ổn định, không bị ảnh hưởng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường, SXH thường có những triệu chứng giống với sốt do vi rút thông thường. Vì vậy, người lớn mắc SXH thường rất chủ quan và tự mua thuốc về uống. Chỉ khi thấy mệt mỏi, khó thở, đi tiêu ra máu… mới đi khám bệnh. Không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời nên khả năng dẫn đến sốc SXH, giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, tổn thương đa tạng... gây khó khăn trong điều trị, chưa kể đến nguy cơ tử vong cao.

“Đặc biệt, phụ nữ mang thai khi mắc SXH mặc dù không có dấu hiệu cảnh báo cũng nên nhập viện để được theo dõi sát. Bởi tình trạng miễn dịch của người bệnh sẽ thay đổi, nguy cơ viêm, diễn tiến tổn thương tạng, xuất huyết và các biến chứng tăng nặng của thai kỳ. Nhất là ở tháng cuối của thai kỳ, khi chuyển dạ sẽ có nguy cơ xuất huyết nhiều hơn, chưa kể đến có thể bị sinh non, sảy thai…” - bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường cho biết.

Thỉnh thoảng, khoa cũng tiếp nhận ca SXH ở người lớn tuổi, có bệnh nền như tiểu đường, phổi mạn tính, suy thận… Nhóm bệnh nền có thể tăng nguy cơ SXH nặng gấp 2, 3 lần, xuất hiện bội nhiễm, biến chứng nhiều hơn. Khi điều trị, các bác sĩ phải điều chỉnh thuốc liên tục vừa hỗ trợ điều trị SXH, vừa ổn định bệnh nền.

Người bệnh SXH nhẹ có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh nên bù dịch bằng cách sử dụng nước trái cây, nước oresol hoặc nước lọc sạch. Trong trường hợp bệnh nhân không thể ăn thức ăn thường, nên uống nước cháo pha loãng với muối, tránh đồ ăn, thức uống có màu đỏ. Nếu trong 3 ngày mà vẫn sốt cao không hạ, các triệu chứng tăng nặng, ói nhiều, chảy máu chân răng, mệt mỏi, đau đầu… người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế. Tuyệt đối không tự ý truyền nước biển, không sử dụng phương pháp dân gian như cắt lể, giác hơi, cạo gió… hoặc tự uống thuốc gia truyền, thuốc không rõ nguồn gốc sẽ làm bệnh nặng thêm.

TPHCM: Sốt xuất huyết tăng 60%

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần 26 (từ ngày 23/6 đến ngày 29/6), TPHCM ghi nhận 645 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 60% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca SXH tích lũy đến tuần 26 là hơn 10.260 ca. Số ca mắc SXH gia tăng kéo theo các ca nặng cũng tăng theo.

Nhằm chủ động kiểm soát SXH, ngăn bệnh diễn tiến thành dịch, ngành y tế TPHCM đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát SXH Dengue. Bên cạnh đó, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác giám sát, khuyến khích người dân phản ánh các điểm nguy cơ qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”, xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng, chống dịch SXH.

Sở Y tế TPHCM cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế rà soát quy trình sàng lọc, phân loại, cấp cứu và điều trị SXH, đảm bảo kịp thời tiếp nhận người bệnh và xử trí đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm hạn chế tối đa ca bệnh nặng và tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khuyến cáo, SXH là bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường trung gian là muỗi vằn. Chính vì thế, người dân cần nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng ngừa SXH bao gồm vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ, không trữ nước trong nhà, thường xuyên phát quang bụi rậm, tiêu diệt muỗi vằn, tập thói quen ngủ mùng để tránh bị muỗi đốt.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI