Châu Âu vượt mốc 300.000 người chết, Mỹ thắt chặt kiểm soát dịch COVID-19

11/11/2020 - 06:50

PNO - Số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tăng vọt, gây ra tình trạng căng thẳng tại các bệnh viện và nguồn lực y tế trên khắp nước Mỹ, buộc chính quyền các bang phải thắt chặt biện pháp kiểm soát.

Số người chết vì COVID-19 tăng cao tại châu Âu

Theo thống kê của Reuters, hơn 300.000 người đã chết vì COVID-19 trên khắp châu Âu, khiến các nhà chức trách lo ngại tỷ lệ tử vong và nhiễm mới virus sẽ tiếp tục tăng cao khi lục địa này sắp bước vào mùa đông.

Chỉ chiếm 10% dân số thế giới, nhưng châu Âu đã ghi nhận gần 1/4 trong số 1,2 triệu ca tử vong toàn cầu. Ngay cả các bệnh viện được trang bị tốt nhất cũng đang rơi vào tình trạng căng thẳng và quá tải.

Tính đến nay, châu Âu đã báo cáo 12,8 triệu ca mắc COVID-19 và khoảng 300.114 người chết. Trong tuần qua, khu vực đã chứng kiến sự gia tăng kỷ lục 280.000 trường hợp nhiễm virus mỗi ngày, tăng 10% so với tuần trước đó, đồng thời chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm mới được báo cáo trên toàn cầu.

Châu Âu vượt quá 300.000 người chết vì COVID-19.
Châu Âu vượt quá 300.000 người chết vì COVID-19

Nước Anh, nơi có số người chết cao nhất ở châu Âu 49.000 người, đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo với mức trung bình hiện tại hơn 20.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 mỗi ngày, kịch bản xấu nhất mà nước này sẽ đối mặt trong tương lai có thể lên đến 80.000 người tử vong.

Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Nga cũng báo cáo hàng trăm trường hợp tử vong mỗi ngày, chiếm gần 3/4 tổng số người chết toàn châu Âu.

Đặc biệt, Pháp, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở EU, đã ghi nhận hơn 48.700 ca nhiễm SARS-CoV-2 mỗi ngày trong tuần quan, khiến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19 tăng vọt, 92% công suất giường bệnh dùng chăm sóc đặc biệt đã bị chiếm dụng.

Tình trạng quá tải hệ thống y tế cũng diễn ra tại Bỉ và Hà Lan, buộc 2 nước phải gửi một số bệnh nhân nặng sang Đức.

Các bang của Mỹ thắt chặt biện pháp kiểm soát dịch COVID-19

Một số bang của Mỹ đã áp đặt các lệnh hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 khi số bệnh nhân nhập viện tăng vọt, gây ra tình trạng căng thẳng tại các bệnh viện và nguồn lực y tế trên khắp đất nước.

Số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 ở bang California đã tăng 32% trong 2 tuần qua, trong khi số người đang được chăm sóc đặc biệt cũng tăng đột biến lên 30%, Tiến sĩ Mark Ghaly, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh California, nói với các phóng viên.

Hoa Kỳ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 gia tăng kỷ lục.
Mỹ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 gia tăng kỷ lục

Trước diễn tiến nghiêm trọng của dịch bệnh, 3 quận của bang California gồm San Diego, Sacramento và Stanislaus, phải đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại mà thắt chặt các quy định hạn chế nghiêm ngặt. Theo đó, người dân không được phép dùng bữa trong nhà hàng, phòng tập thể dục và các cơ sở tôn giáo cũng tạm ngưng tổ chức các hoạt động trong nhà.

“Chúng tôi dự đoán nếu mọi thứ vẫn như cũ, dịch bệnh không được khống chế thì hơn một nửa số quận của California sẽ chuyển sang giai đoạn hạn chế gắt gao hơn vào tuần tới” - Tiến sĩ Mark Ghaly nói.

Tại Minnesota, Thống đốc Tim Walz đã công bố những biện pháp mới khi bang Trung Tây liên tiếp báo cáo số ca nhập viện COVID-19 hàng ngày cao kỷ lục. Bang đã ghi nhận 1.224 bệnh nhân đến viện điều trị do COVID-19, tăng so với 1.084 ca vào ngày hôm trước.

Bắt đầu từ ngày 13/11, các nhà hàng và quán bar ở Minnesota phải tạm thời đóng cửa dịch vụ ăn uống từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng, và chỉ được phục vụ tối đa dưới 50% công suất. Lệnh của thống đốc bao gồm các cuộc tụ họp xã hội riêng tư cũng phải được giới hạn.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp tăng lên mức cao nhất trong quý III

Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp đã tăng lên mức cao nhất trong quý III, khi nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng euro đang vật lộn với ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Văn phòng thống kê INSEE cho biết tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 9,0% từ 7,1% trong quý II, lên mức cao nhất kể từ quý III năm 2018.

Sự gia tăng này có nguy cơ khiến mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 7% vào cuối nhiệm kỳ vào năm 2022 của Tổng thống Emmanuel Macron đổ vỡ. Khi Tổng thống lên nắm quyền vào năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp ở mức 9,5%.

Pháp đã chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất sau chiến tranh thế giới thứ II trong quý đầu tiên và thứ hai do đóng cửa, nhưng nền kinh tế đã trở lại bình thường trong quý thứ ba, trước khi lệnh tái phong tỏa được áp dụng từ ngày 30/10, để ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch COVID-19.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI