Châu Á và nỗi khổ vì kỳ vọng quá lớn ở con cái

05/04/2022 - 06:17

PNO - Tại châu Á, sau thế hệ “cha mẹ hổ” với đòn roi và các biện pháp mạnh buộc trẻ học thật nhiều để đạt thành tích cao, thế hệ “cha mẹ gà” dần nổi lên với cách quản lý chặt chẽ về mọi mặt trong đời sống của con trẻ chứ không chỉ là học tập.

Hết “cha mẹ hổ” đến “cha mẹ gà”

Tháng 3/2021, bộ phim hoạt hình Gấu đỏ biến hình - Turning red ra mắt khán giả toàn thế giới. Câu chuyện kể về cô bé gốc Hoa sống ở Canada tên Meilin Lee (Mei), 13 tuổi, trên con đường nhận ra chính mình và chấp nhận di sản của gia đình. Bộ phim khắc họa hình ảnh cô bé Mei hoàn hảo trong mắt gia đình, với điểm số cao và nhiều tài năng khác. Người luôn kề cạnh cô bé chính là mẹ - Ming Lee - một bà “mẹ hổ” thường gặp trong văn hóa Á Đông với tính cách độc đoán, cao ngạo và kỳ vọng rất nhiều vào đứa con duy nhất. 

Ở châu Á, rất dễ thấy hình ảnh những phụ huynh vội vã đưa con đến các lớp học thêm ngoài giờ chính khóa - ẢNH: AFP
Ở châu Á, rất dễ thấy hình ảnh những phụ huynh vội vã đưa con đến các lớp học thêm ngoài giờ chính khóa - Ảnh: AFP

Trên thực tế, thuật ngữ “mẹ hổ” lần đầu được giáo sư luật Amy Chua - Đại học Yale - đặt ra trong cuốn sách của mình là Battle Hymn of the Tiger Mother ra mắt vào năm 2011. Theo đó, họ là những người mẹ rất nghiêm khắc; chủ yếu muốn và mong đợi con cái tập trung vào việc học, đạt được điểm cao vì cho rằng đó là điều tốt nhất dành cho chúng, kể cả khi bản thân đứa trẻ không cảm thấy thoải mái về điều đó. Thế nhưng, “cha mẹ hổ” không phải là kiểu giáo dục duy nhất khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt vì sự quản lý và những kỳ vọng áp đặt lên vai mình. 

Tại Trung Quốc, mong muốn dẫn đầu và niềm tin vào sức mạnh của giáo dục khiến nhiều gia đình chi trung bình từ 1/4 đến gần một nửa thu nhập cho các hoạt động giáo dục bổ túc của con cái. Có những bậc cha mẹ lên thời gian biểu cho con theo từng giai đoạn 15 phút. Họ lùng sục các diễn đàn trực tuyến và trao đổi lời khuyên về các gia sư, huấn luyện viên thể thao giỏi nhất. Một số thậm chí còn mua thêm nhà gần những trường công lập tốt nhất để bọn trẻ dễ dàng đến trường.

Đây là những bậc phụ huynh “Jiwa” hay còn gọi là “cha mẹ gà” của Trung Quốc, những người được biết đến với cách nuôi dạy con chu đáo đến mức ám ảnh. Thuật ngữ này tương tự như “giáo dục trực thăng” của phương Tây (cha mẹ quan tâm quá nhiều đến cuộc sống của con mình), xuất phát từ một phương pháp điều trị bằng y học Trung Quốc chưa được chứng minh có từ những năm 1950, tiêm máu gà tươi để tăng năng lượng. 

Áp lực cho cả cha mẹ  con cái

Trước tình trạng đáng lo ngại nói trên, tháng 7/2021, Trung Quốc đã thực hiện các quy định sâu rộng nhằm cắt giảm số lượng lớp học tư thục sau giờ học mà phụ huynh có thể đăng ký cho con em. Đến tháng Mười, Trung Quốc tiếp tục thông qua luật giảm “áp lực kép”, cắt giảm bài tập về nhà và cấm dạy thêm sau giờ học cho các môn chính vào cuối tuần và ngày lễ, có hiệu lực từ đầu năm 2022. Dù vậy, trước các quy định mới này, một số bậc “cha mẹ gà” lại quyết tâm hơn trong việc tối đa hóa cơ hội thành công của con cái. 

Rainy Li - một bà mẹ có hai cô con gái ở Bắc Kinh - cho biết: “Vì những chính sách này, các bậc cha mẹ sẵn sàng cắt giảm chi tiêu của bản thân để đầu tư cho thế hệ tương lai, đẩy con cái vào giới thượng lưu”.

Điểm số tốt không còn thỏa mãn tham vọng của phụ huynh, vì ngày càng có quá nhiều trẻ em giỏi trong các kỳ thi. Do cải cách giáo dục gần đây ở Trung Quốc, thể chất, kỹ năng văn hóa và nghệ thuật cũng như kinh nghiệm quốc tế của học sinh cũng được tính đến trong kỳ tuyển sinh. Vì vậy, cha mẹ đua nhau cho con em mình tham gia các lớp học về âm nhạc, văn hóa, hoặc các lớp kỹ năng, tham gia tình nguyện trong cộng đồng để trở nên nổi bật. 

Kết quả, những hạn chế đối với trẻ em ngày càng thể hiện rõ ràng. Tỷ lệ cận thị ở trẻ em của Trung Quốc thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, với 71% học sinh THCS và 81% học sinh THPT.

Tình trạng trầm cảm ở thanh thiếu niên Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Báo cáo phát triển sức khỏe tâm thần quốc gia 2019 - 2020 cho thấy 25% thanh thiếu niên Trung Quốc bị trầm cảm. Quan trọng hơn, trẻ em không được tạo cơ hội phát triển cái tôi cá nhân. Chúng có thể quen cảm giác bao bọc và trở nên lo lắng khi bị bỏ mặc một mình.

Với các bậc phụ huynh, việc nuôi dạy con cái tốt luôn là một thách thức. Các “cha mẹ gà” cũng đang phải chịu những hậu quả trước các áp lực này. Nghiên cứu của Patrick Ishizuka - trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Washington (Mỹ) - đã chỉ ra rằng việc nuôi dạy con cái với nhiều kỳ vọng không chỉ đặt áp lực lên chúng mà còn gây ra các ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của chính các phụ huynh, đặc biệt là những bà mẹ vừa phải làm các công việc kiếm sống vừa phải gánh vác việc chăm sóc con cái.

Ngọc Hạ 
(theo NPR, SupChina, CBC) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI