Châu Á hứng chịu thách thức môi trường lớn nhất thế giới

30/05/2021 - 13:22

PNO - Những thách thức về môi trường thế giới đang đối mặt không được chia sẻ đồng đều giữa các khu vực trên toàn cầu. Trong số 100 thành phố phải đối mặt với nguy cơ môi trường lớn nhất, có đến 99 thành phố nằm ở… châu Á.

Báo cáo về tác động của môi trường đối với các đô thị toàn cầu được công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu 576 thành phố lớn nhất thế giới về chất lượng không khí và nước, tác động nắng nóng, dự trữ nguồn nước và nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu, cảnh quan đô thị, dân số, các cơ sở kinh tế và cơ sở hạ tầng trước các hiểm họa tự nhiên như động đất, sóng thần và lở đất. Theo đó, khoảng 1,5 tỷ người sống tại các thành phố đang đối mặt với “rủi ro cao hoặc cực kỳ nghiêm trọng”.

Trong số 100 đô thị của thế giới đang đối mặt với những thách thức  khủng khiếp nhất của môi trường, có đến 99 thành phố tại châu Á. Hình ảnh thành phố Jakarta, Indonesia trong trận lụt tháng 2/2021 - Ảnh: Getty Images
Trong số 100 đô thị của thế giới đang đối mặt với những thách thức khủng khiếp nhất của môi trường, có đến 99 thành phố tại châu Á. Hình ảnh thành phố Jakarta, Indonesia trong trận lụt tháng 2/2021 - Ảnh: Getty Images

Nhiều người trong số đó sống ở châu Á. Khu vực này không chỉ là nơi có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới - gây áp lực lên các nguồn nước và tình trạng ô nhiễm do còn sử dụng than và nhiên liệu sinh khối trên diện rộng - mà còn có một số lượng lớn thứ gọi là “hiểm họa tự nhiên” hình thành trong khu vực địa lý châu Á. 

Báo cáo xếp Jakarta, thủ đô 10 triệu dân của Indonesia, là thành phố dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước các rủi ro về môi trường. Mực nước biển dâng cao và sụt lún đất - do sự cạn kiệt của các tầng nước ngầm khi nhu cầu sử dụng nước ngầm để sinh hoạt quá cao - đã khiến Jakarta trở thành thành phố bị lún với tốc độ nhanh nhất thế giới. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và các khu vực của đô thị này được dự báo ​​sẽ chìm dưới mặt nước trước năm 2050. Thành phố cũng bị ô nhiễm không khí nặng nề do các nhà máy nhiệt điện than gần đó. Tình hình tồi tệ đến mức chính phủ Indonesia phải xây dựng kế hoạch dời thủ đô đi nơi khác.

Ấn Độ được coi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi có đến 13 trong số 20 thành phố rủi ro nhất và 43 trong số 100 thành phố hàng đầu phải chịu thách thức về môi trường. Chất lượng không khí kém của Ấn Độ phần lớn là nguyên nhân khiến mức độ rủi ro môi trường cao. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet năm ngoái cho thấy ô nhiễm không khí góp phần gây ra 1,7 triệu ca chết trẻ ở Ấn Độ vào năm 2019. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng số người chết trong đợt bùng phát COVID-19 hiện nay.

Trung Quốc chiếm đến 37 trong số 100 thành phố được coi là có nguy cơ cao nhất, chủ yếu là do ô nhiễm không khí. Báo cáo của Verisk Maplecroft cũng cho biết, các thành phố ở châu Phi có mức độ ô nhiễm không khí “thấp hơn đáng kể” so với các thành phố ở châu Á. Nhưng các thành phố châu Phi vẫn là nơi chịu rủi ro cao nhất do biến đổi khí hậu khi có đến 38 trong số 40 thành phố dễ bị tổn thương nhất. Điều đó xuất phát từ cơ sở hạ tầng và dịch vụ công được tài trợ kém cũng như các hiện tượng thời tiết và nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đã và đang trở nên phổ biến hơn ở châu Phi.

Các nhà nghiên cứu đã xác định Glasgow (Scotland) - nơi sẽ tổ chức một hội nghị khí hậu quan trọng của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 năm nay - là thành phố ít bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu và là nơi an toàn thứ tư về các rủi ro môi trường nói chung.

Tại Mỹ, hầu hết các trung tâm đô thị có mức ô nhiễm không khí tương đối thấp hơn so với các thành phố ở châu Á và châu Âu, nhờ các chính sách hạn chế nhiên liệu gây ô nhiễm. Trong số các thành phố được đưa vào báo cáo này, Los Angeles có mức độ rủi ro về môi trường cao nhất, xếp hạng 257 về tổng thể, phần lớn là do chất lượng không khí kém, cũng như số lượng cao các hiểm họa tự nhiên của California và tình trạng căng thẳng về nguồn nước trong tiểu bang. 

Thanh Vân (theo Time)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI