ChatGPT ra đời từ 1 câu mệnh lệnh lạ lùng và hành trình của "điệp vụ 13 ngày"

04/02/2023 - 13:33

PNO - Ít ai biết được rằng, siêu chatbot mang tên ChatGPT đang làm mưa làm gió trên toàn cầu được ra đời từ một email ngắn gọn của Sam Altman.

"Điệp vụ 13 ngày" sinh ra siêu chatbot

Một ngày đẹp trời giữa tháng 11/2022, đội ngũ nhân viên của OpenAI đang làm việc tại tòa nhà Pioneer Building, bang California (Mỹ) bất ngờ nhận được một nhiệm vụ được gắn nhãn “khẩn”: “Phát hành ngay một chatbot. Nhanh lên!”.

Chatbot (phần mềm chat tự động) có tên gọi “Trò chuyện với GPT-3.5” sẽ được cung cấp miễn phí cho người dùng, và phải hoàn thành trong vòng 2 tuần kể từ khi các nhóm công tác nhận được mệnh lệnh “từ trên”.

Thông báo khẩn này khiến một số nhân viên của OpenAI không khỏi cảm thấy bối rối. Cũng dễ hiểu bởi trong suốt cả năm 2022, những chuyên gia giỏi nhất của công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có trụ sở ở thành phố San Francisco này đã làm việc không mệt mỏi để phát triển GPT-4. Sau nhiều tháng thử nghiệm và chỉnh sửa, GPT-4 gần như đã sẵn sàng để phát hành cho số đông dùng thử.

Thế nhưng có một người trong “bộ não” quản lý cấp cao của OpenAI đã làm thay đổi suy nghĩ của họ bằng cách quyết định cho tung ra thị trường một phiên bản tiền nhiệm để kịp thời thu thập phản hồi của người dùng, từ đó giúp cải thiện mô hình mới trước khi các đối thủ sừng sỏ khác cũng đang không ngồi yên trong cuộc đua nóng bỏng này.

Sam Altman chính là tác giả của email định mệnh giúp khai sinh ra chatbot ChatGPT như hiện nay - Ảnh:
Sam Altman chính là tác giả của email định mệnh giúp khai sinh ra chatbot ChatGPT như hiện nay - Ảnh: TC/Flickr

Đúng 13 ngày sau, ChatGPT chính thức được khai sinh theo đúng kế hoạch của nhiệm vụ khẩn nói trên.

Trong những tháng sau đó kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng nổi bật trên phạm vi toàn cầu. Hàng triệu người đã sử dụng chatbot này để làm thơ, viết luận, xây dựng các ứng dụng, hay thậm chí đặt các câu hỏi tham vấn tâm lý phục vụ các buổi trị liệu thử nghiệm… Nó cũng được các nhà xuất bản, hãng tin, công ty tiếp thị và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đón nhận một cách đầy hứng khởi, đồng thời tạo ra một cuộc chạy đua “điên cuồng” cho những nhà đầu tư cố gắng tham gia vào làn sóng AI đang bùng nổ.

Theo số liệu được New York Times công bố, chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã có hơn 30 triệu người dùng, và mỗi ngày có ít nhất 5 triệu lượt truy cập, khiến nó trở thành một trong những sản phẩm phần mềm phát triển nhanh nhất từ trước đến nay. Cần biết rằng, Instagram mất gần 1 năm để có được 10 triệu người dùng đầu tiên của mình.

Sam Altman – “cha đẻ” của chatbot triệu đô

Cùng với sự thành công vượt xa sự mong đợi của ChatGPT, người ta cũng dồn sự quan tâm đến “cha đẻ” của chatbot này, và cũng chính là người đã gửi đi dòng email chứa câu mệnh lệnh ngắn gọn nhưng đã và đang tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo này - Sam Altman.

Sam Altman, 37 tuổi, là Giám đốc điều hành của OpenAI, một công ty công nghệ tiên tiến chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo theo hướng “có trách nhiệm và an toàn”.

Sam Altman, CEO của OpenAI - Ảnh: Steve Jennings/Getty Images
Sam Altman, CEO của OpenAI - Ảnh: Steve Jennings/Getty Images

Trong một lần chia sẻ với báo chí, Sam cho biết, chính chiếc máy tính cá nhân Macintosh của Apple mà anh có được khi còn là một cậu bé đã đóng một vai trò quan trọng giúp anh có được một không gian an toàn trên hành trình tìm kiếm giới tính thật của mình. Vào ngày sinh nhật tuổi 18, Sam Altman chính thức nói cho bố mẹ biết anh là người đồng tính.

Con đường học vấn của Sam cũng không hề suôn sẻ theo công thức chung mà phần lớn mọi người thường đi. Anh theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford lại bỏ ngang khi đang là sinh viên năm thứ hai của ngôi trường danh tiếng này để cùng 2 người bạn của mình phát triển ứng dụng chia sẻ vị trí người dùng mang tên Loopt. Ứng dụng này, cùng với mạng xã hội Reddit, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư.

Chiếc máy tính cá nhân Mac giúp Sam Altman tìm lại được giới tính thật của mình - Ảnh: Matt Weinberger/Business Insider
Chiếc máy tính cá nhân Mac giúp Sam Altman tìm lại được giới tính thật của mình - Ảnh: Matt Weinberger/Business Insider

Sau khi bán Loopt với giá 63 triệu USD vào năm 2012, Sam Altman thành lập Hydrazine Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm và không ngừng ăn nên làm ra với các thương vụ đầu tư lớn vào các công ty khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.

Nấc thang thành công trong nghề nghiệp của Sam Altman được tô đậm nét khi anh trở thành Chủ tịch của công ty đầu tư mạo hiểm Y-Combinator (YC) vào năm 2014 ở tuổi 29. Sam đã được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách "Forbes 30 under 30" ở hạng mục Nhà đầu tư mạo hiểm.

Cũng trong thời điểm này, cậu sinh viên học hành dang dở ngày nào đã quay trở lại giảng đường Đại học Stanford, nhưng với vai trò là một giảng viên với chuỗi bài giảng đầy hấp dẫn mang tên “Làm thế nào để bắt đầu sự nghiệp với một công ty khởi nghiệp?” (tiếng Anh: How to Start a Startup?)

Sam Altman (trái) trong một lần chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên - Ảnh: Freshworks
Sam Altman (trái) trong một lần chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên - Ảnh: Freshworks

Vào năm 2015, Sam đã bắt tay cùng một số nhân vật đình đám, trong đó có tỷ phú Elon Musk, cùng đầu tư gói dự án trị giá một tỷ USD để thành lập OpenAI, công ty chuyên nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích “phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo thân thiện và có lợi, tránh khả năng trí tuệ nhân tạo vượt qua tầm kiểm soát của con người”.

Năm 2019, OpenAI đã nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Microsoft để tiếp tục nghiên cứu ứng dụng AI , trong đó chú trọng phát triển xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh mô hình ChatGPT miễn phí, Sam Altman còn giới thiệu thêm phiên bản thử nghiệm có trả phí mang tên "ChatGPT Plus" với mức phí 20 USD/tháng, được cho là sẽ cấp cho người dùng thêm nhiều quyền truy cập để sử dụng chatbot hiệu quả hơn cùng những lợi ích riêng như: được sử dụng trang web ngay cả khi lưu lượng truy cập cao, phản hồi nhanh hơn từ chatbot và quyền truy cập sớm vào các tính năng mới của ChatGPT...

Hình ảnh đời thường giản dị của ông chủ OpenAI và chatbot triệu đô ChatGPT - Ảnh:
Hình ảnh đời thường giản dị của ông chủ OpenAI và chatbot triệu đô ChatGPT - Ảnh: Getty Images 

Nguyễn Thuận (theo NY Times, DIW, BI)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI