“Chất xám” của bà bếp tăng đột biến

12/08/2021 - 06:00

PNO - Rau thơm thì có ngắt hết vẫn giữ lấy thân để ra giâm vào đất, bắt đầu công cuộc giữ rễ. Hành lá chỉ ăn phần lá, giữ phần đầu và rễ hành để cắm xuống đất

“Nếu mua được bắp nếp, em sẽ nấu hết mọi món em biết liên quan đến bắp”. Điều ước đó được đọc ra ngay khi tôi cầm phiếu đi chợ và ra đường vào khung giờ được cấp phép. Danh sách thực phẩm cần mua thật nhiều, và bắp nếp có vẻ là mặt hàng “ít thiết yếu” hơn cả.

Vậy nên, khi mua được năm trái bắp đúng chuẩn “còn búng ra sữa”, tôi liền tách hạt hai trái trữ ngăn đông. Ba trái bắp còn lại được bào mỏng để nấu xúp bắp, chè bắp. Nồi chè bắp được nấu trước tiên, chia thành từng phần nhỏ cất ngăn mát tủ lạnh.

Xúp bắp “lên mâm” ngay vào hôm sau, trong bữa sáng lạ miệng của cả nhà. Phần hạt bắp trữ đông sẽ được chia làm hai, một nửa để dành nấu xôi bắp, một nửa làm bắp xào cho một buổi tối nhâm nhi của tụi nhỏ.

Cả nhà gặp lại hạt bắp trong các món ăn, vẫn cảm giác về nó, nhưng lại trải nghiệm nguyên vẹn sự đa dạng của từng món ăn mà nó hiện diện.

Mùa này, nếu chỉ nghĩ ra món mình thèm thì sẽ dễ thấy bế tắc vì nguyên liệu cứ thiếu lên thiếu xuống. Và chất xám bếp núc của những bà nội trợ lại có đất dụng võ. Thay vì nghĩ ra món ăn trước rồi đi tìm nguyên liệu, các chị chuyển sang nhìn nguyên liệu đoán món ăn.

Những câu hỏi “cách nấu bún riêu, bún bò…” trên các diễn đàn nấu nướng được chuyển thành: “Có thể nấu được những món gì với nguyên liệu A?”. Và một ký cải kale mua được có thể chia ra bảo quản theo những cách khác nhau để làm các món xúp, xào, sinh tố, nước xốt…

Người ta phát hiện quả táo không chỉ để ăn tươi, và thậm chí vỏ dưa hấu còn có thể dùng để làm thành một món muối chua rất tuyệt.

Rau củ khan hiếm, từng chút rau củ lại được chắt chiu để trưng dụng vào một việc hoàn toàn mới: giâm trồng.

Những củ khoai lang không chỉ để hấp, làm xúp, nấu canh, mà còn dè sẻn để đem ra ban công cắm vào một chậu đất, đợi chừng một tuần là có những đọt rau lang.

Rau thơm thì có ngắt hết vẫn giữ lấy thân để ra giâm vào đất, bắt đầu công cuộc giữ rễ. Hành lá chỉ ăn phần lá, giữ phần đầu và rễ hành để cắm xuống đất. Những nguyên liệu khô và dồi dào như hành tím, tỏi cũng được giâm trồng để lấy lá.

Bà nội trợ nhận ra, rau củ khan hiếm thế nhưng lại có một phẩm chất vi diệu, là biết… mọc ra thêm. Chỉ cần họ… mơ mộng một chút, thực tế một chút, rồi chịu khó một chút là đã có thêm một vài loại rau lá để “trang điểm” bữa ăn sau một thời gian ngắn giâm trồng.

Mà tình yêu thức ăn mùa này đâu chỉ dành cho rau củ? Sự hạn chế không chỉ đến từ điều kiện bên ngoài, mà còn đến từ sự thôi thúc bên trong của bà nội trợ. Thay vì quán tính cứ cần là mua, các chị chuyển sang sáng tạo và khai thác triệt để từng chút nguyên liệu sẵn có, bất kể nó là gì và có khan hiếm không…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều qua, trong lúc nấu cơm tôi phát hiện ra nhà mình còn nhiều nhất là… gạo. Thế là tôi nghĩ ngay đến những món ăn từ gạo trong ký ức ẩm thực của mình. Ngoài cơm và cháo, “bác Gúc Gồ” đã hỗ trợ tôi cách làm bột đúc bánh xèo, rồi bột làm bánh bèo miền Trung với duy nhất một nguyên liệu từ gạo.

Căn bếp nhỏ nơi căn hộ quanh năm chỉ nấu món đơn giản, giờ cho ra lò được cả những món bánh trong truyền thuyết. Đã thế, bà nội trợ còn hứa hẹn làm được bánh canh bột xắt từ gạo, nước xúp thì chỉ cần tôm và hành. Chỉ giao hẹn vậy thôi đã khiến “thực khách” sướng tê tái.

Bất kể những thay đổi trong căn bếp, từng bữa cơm vẫn trôi qua trong những tiếng xuýt xoa quen thuộc. Chỉ có những người yêu thức ăn, và yêu… bà đầu bếp mới nhận ra mà để lại một câu khen ngợi kín đáo rằng: “Hay hè, có mấy loại rau củ nấu qua nấu lại mà được bao nhiêu món…”. Khen vậy, ai mà biết là khen mấy loại nguyên liệu vi diệu kia, hay khen bà đầu bếp… 

Trà Lý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI