Chắt chiu từng giọt máu đào

03/05/2025 - 07:57

PNO - Triển lãm ảnh Ký ức và huyền thoại với 50 bức chân dung mẹ Việt Nam là cả một chiều sâu lịch sử, cảm xúc và sự hy sinh, được thể hiện qua ống kính của đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng.

Trần Hồng là một người cầm máy đồng thời là nhân chứng, là người kể chuyện bằng ánh sáng và bóng tối, bằng đôi mắt những người mẹ đã khóc cạn nước mắt nhưng vẫn ánh lên lòng tin yêu đất nước, niềm hy vọng đứa con mình sinh ra, những giọt máu đào mình chắt chiu sẽ truyền sức sống vĩnh cửu cho non sông đất nước. Từ chiến sĩ tiểu đoàn 2, đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đến Trưởng ban Ảnh Báo Quân đội nhân dân và nay là hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, ông vẫn một lòng thủy chung với đề tài Mẹ.

Tác phẩm Đón con về (mẹ Cả Tám, Hà Bắc)
Tác phẩm Đón con về (mẹ Cả Tám, Hà Bắc)

Ông kể: “Tôi có may mắn được gặp nhiều mẹ Việt Nam, đặc biệt là những mẹ Việt Nam anh hùng. Họ không phải là nhân vật vĩ đại trên mặt báo mà là những người mẹ đời thường, gánh đất đắp đường, giấu cán bộ, nuôi bộ đội, tiễn con ra trận... và tiễn luôn cả tuổi xuân, cả mái tóc đen theo năm tháng chờ con không về”.

Tôi đã xem nhiều triển lãm ảnh nhưng chưa bao giờ phải quay mặt đi để giấu nước mắt như ở Ký ức và huyền thoại. Đứng trước mỗi tấm ảnh, đọc những dòng Trần Hồng viết về nhân vật trong ảnh, tôi nghẹn ngào chực trào nước mắt.
Làm sao nén được nước mắt khi đọc lời chú thích dưới một bức ảnh: Mẹ mất con là thật! Bà mẹ ấy suốt hơn 40 năm đi tìm con, để rồi tìm được con chỉ là một nắm xương không đủ hình hài. Đứa con hy sinh khi tuổi chưa tròn 20, nằm đâu đó nơi rừng thiêng núi đỏ. Mẹ tìm con về chỉ để được nhìn thấy bóng hình con lần cuối, dù chỉ là trong mơ…

Mỗi bức ảnh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một bài văn tế, một nén tâm nhang, một lời tri ân muộn cho những người mẹ không tên tuổi, không yêu cầu đền đáp nhưng đã góp phần dựng nên giang sơn bền vững. Đó là những người mẹ gửi núm ruột, gửi những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi ra trận.

Nghệ sĩ Trần Hồng nói: “Các mẹ là mục tiêu, là động lực để tôi sống và sáng tác”. Dù đã U80, ông vẫn sải chân khắp mọi miền đất nước để gặp gỡ, ghi lại những khoảnh khắc đầy xúc động của các mẹ. “Chắt chiu từng giọt máu đào” không chỉ là thông điệp của một nhiếp ảnh gia khi chụp hình các mẹ Việt Nam mà còn là thông điệp lịch sử bằng máu, bằng nước mắt, bằng cả linh hồn của mẹ Việt Nam gửi đến thế hệ hôm nay và mai sau. Chúng ta có thể chưa từng ra trận, chưa từng cầm súng nhưng nếu còn biết cúi đầu trước sự hy sinh của các mẹ, còn biết trân trọng từng bức ảnh như một biểu tượng sống động của lịch sử thì lòng yêu nước vẫn tiếp tục âm ỉ cháy trong tim.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 25/5 tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (2 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Kiều Bích Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI