Chạnh lòng phim sử

14/07/2022 - 17:33

PNO - Bộ phim “Bình minh phía trước” (10 tập, VTV1, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) đã lên sóng nửa chặng đường.

Rất lâu rồi màn ảnh nhỏ mới có một tác phẩm lịch sử đương đại Việt Nam được đầu tư công phu. Đây cũng là phim truyện đầu tiên khắc họa chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, hậu duệ đời thứ 17 của Nguyễn Trãi.

Những cảnh trong phim Bình minh phía trước cho thấy bộ phim có sự chăm chút từ nội dung đến hình thức
Những cảnh trong phim Bình minh phía trước cho thấy bộ phim có sự chăm chút từ nội dung đến hình thức

Sự dụng công dành cho bộ phim này dễ dàng được nhìn thấy ở mặt hình thức lẫn nội dung. Không khí lịch sử Việt Nam cách đây ngót trăm năm được tái hiện trong phim khá chân thực từ nhà cửa, bến đò, mỏ than, chợ phiên, đình đền, công sở, trường học cho đến các phương tiện di chuyển, trang phục, phụ kiện của nhân vật.

Những khung hình và âm thanh trong phim cũng có chất lượng cao như phim điện ảnh. Sự chăm chút còn thể hiện ở các tình tiết được xây dựng lớp lang, lời thoại trau chuốt. Ấn tượng nhất là phân cảnh cụ Đồ Quán và con trai - cậu Cừ - hội thoại về văn minh công lý và pháp luật của thực dân Pháp và cảnh cụ Đồ Quán đàm đạo với ông đốc Lộc bằng lời văn cổ mang tính ý đối ý, lời đối lời, tâm đối tâm chan chát. 

Chỉ qua vài tập đã lên sóng, người xem đã được dẫn dắt vào câu chuyện về quá trình quan sát, nhận thức, tư duy, hành động, trưởng thành và anh dũng hy sinh của chàng thanh niên An Nam Nguyễn Văn Cừ. Người xem cũng được biết về câu chuyện của một xã hội thuộc địa thực dân nửa phong kiến phức tạp với nhiều khối mâu thuẫn, xung đột chồng chéo, nhưng giàu tính văn hóa và tràn đầy tình thương.

Trailer phim Bình mình phía trước: 

Bình minh phía trước là một tác phẩm lịch sử có nội dung tư tưởng, chất lượng tốt, đậm tính nhân văn và có giá trị xã hội cao. Phim góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử đất nước những năm đầu thế kỷ XX, một thời kỳ cách mạng đầy cam go, gian khổ, cùng tinh thần quả cảm, hy sinh của một thế hệ thanh niên yêu nước. Trong đó, có các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, mà chân dung trung tâm là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Chỉ tiếc là với tất cả sự kỳ công tạo ra bộ phim này, tác phẩm lại được phát vào khung giờ không thuận tiện. Thời điểm phát sóng lúc 8g5 từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần trùng vào giờ đi làm của nhiều người. Muốn xem lại chỉ có thể vào ứng dụng xem truyền hình trực tuyến của VTV.

Nhiều người cho rằng đề tài lịch sử trong phim ảnh có sức mạnh về giá trị, nhưng sức hút khán giả yếu. Nhưng dù vậy, những tác phẩm dòng này vẫn xứng đáng có được giờ phát sóng thuận tiện để truyền tải đến người xem những hiểu biết về lịch sử, từ đó giáo dục tình yêu quê hương, đất nước. 

Đề tài lịch sử vốn đã khan hiếm trên màn ảnh nhỏ, nên Bình minh phía trước xứng đáng được trao cơ hội để thuận tiện tiếp cận số đông người xem. Phim cũng cần có sự ưu ái vì không dễ để thực hiện một đề tài kén khách như vậy.

Việc phim bị xếp vào giờ khó xem chắc chắn sẽ gây nản lòng nhà sản xuất. Nhà nước luôn khuyến khích xã hội hóa chuyện làm phim, nhưng nếu những bộ phim lịch sử chất lượng tốt lại gặp bất lợi về giờ phát sóng, thì liệu còn nhà làm phim tư nào muốn làm? 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI