Chà bông cho người kén ăn

31/12/2022 - 06:08

PNO - Một ngày cách đây 15 năm, tôi sang phòng ký túc xá của người bạn chơi. Bạn bảo: “Ngồi đấy chờ chút, có món này hay lắm”.

Chà bông heo lá chanh dành cho người kén ăn
Chà bông heo lá chanh dành cho người kén ăn

Bạn lấy những lá bánh tráng người bạn khác mang từ quê lên, nhúng nước cho hơi ướt rồi bày ra đĩa. Bạn nhón thêm ít chà bông và gói lại thành từng miếng hình vuông. Cắn thử, tôi thấy như thể lần đầu cảm nhận được vị no đủ.

Bánh tráng dai dai, quyện với chút mằn mặn đậm vị của chà bông, và tôi sớm phát hiện ra mùi thơm đặc biệt dậy lên trong miếng bánh trong miệng, liền hỏi bạn: “Hình như trong chà bông có lá chanh?”. Bạn cười nói thêm rằng suốt mấy chục năm nay, mẹ bạn giữ thói quen làm chà bông heo… lá chanh.

Tôi ngạc nhiên vì lá chanh vốn là gia vị mặc định dùng cho thịt gà, thêm vào thịt heo, chẳng ngờ cũng hợp mọi nhẽ. Bạn cũng là dân miền Trung như tôi, nhưng qua lời bạn kể thì tôi mới biết ở nơi bạn sống, nhiều người có thói quen bỏ lá chanh khi làm chà bông heo. Món ăn này đã trở thành món đặc trưng quê bạn, nhờ vị thơm nồng của lá chanh thấm đẫm trong từng sợi thịt.

Tôi từng nghĩ, nỗi nhớ món chà bông ấy có thể chỉ là niềm ủi an với một đứa sinh viên khó khăn suốt ngày thèm ăn. Hồi ấy, suất cơm ký túc xá hay vài món muối đậu phộng, mè, cá khô kho mẹ gửi lên không đủ lấp đầy được sự trống vắng của chiếc dạ dày. Nhưng rồi lớn lên thêm nữa, đến khi lập gia đình và tự tay chuẩn bị những món ngon cho cả nhà, tôi mới thấy hóa ra không phải. Chà bông heo lá chanh cho vị ngon đặc biệt ngay cả khi mình chẳng thiếu thốn đồ ăn thức uống.

Nhờ người bạn năm nào mà tôi “học lỏm” được món mới cho gia đình. Cứ cách vài tuần, tôi sẽ làm chà bông heo một lần, quen thuộc tới mức anh chị bán thịt luôn để dành cho tôi một lượng thịt vừa đủ. Tôi mang miếng nạc mông hoặc nạc thăn còn tươi rói về nhà, rửa sạch, cắt miếng rồi đảo qua với một xíu nước, ít mắm và chút đường. Bắt đầu từ đây, lũ trẻ trong nhà tôi đã thích thú khi ngửi thấy mùi thịt đang liu riu trên bếp: “Mẹ ơi, mùi gì thơm thế!”.

Khi tôi trả lời đang làm chà bông, đám trẻ cẩn thận dặn dò: “Mẹ nhớ cho thêm lá chanh nhé”. Tôi cười mỉm nhờ cô con gái giúp mẹ hái những chiếc lá chanh từ ngoài ban công vào, xắt nhỏ, cất riêng trong một chiếc chén. Sau khi xay thịt trong cối cho thịt bông, tôi bắc chảo thịt trở lại bếp rồi mới bỏ lá chanh vào. Cứ thế tôi sao đều tay với lửa nhỏ cho đến khi độ vàng vừa đủ thì nhấc xuống, để nguội, cất vào hộp.

Chà bông heo từ lúc nào đã trở thành “món truyền thống” gia đình tôi. Buổi sáng sớm, ăn kèm chà bông với xôi hoặc bánh mì, thêm chút dưa leo, rau ngò là vừa đủ năng lượng cho cả nhà. Bữa tối, nếu ngó không có món mình thích, lũ trẻ lại mở cánh tủ lạnh, lấy hộp chà bông ra ăn cùng cơm trắng. Người kén ăn như chồng tôi cũng nhận xét: “Có hộp chà bông vợ làm là thấy yên tâm”.

Thi thoảng, có vị khách tới nhà tôi chơi, được giới thiệu món chà bông heo lá chanh thì ngạc nhiên xen lẫn thích thú. Món ăn đặc biệt này đã từ mùi nhớ của riêng tôi, phảng phất thêm trong ký ức của nhiều người…

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI