Cấy ghép tử cung làm thay đổi thiên chức làm mẹ của phụ nữ?

07/12/2018 - 08:32

PNO - Từ tử cung của một phụ nữ đã chết, sự sống được hoài thai. Việc bé gái ở Brazil chào đời nhờ ghép tử cung là tiến bộ y tế mang tính bước ngoặt, thậm chí thay đổi định nghĩa về thiên chức làm mẹ.

Cay ghep tu cung lam thay doi thien chuc lam me cua phu nu?
Các bác sĩ tại Brazil thực hiện một ca cấy ghép tử cung.

Một năm trước, bé gái ra đời nhờ ca sinh mổ tại một bệnh viện ở São Paulo, Brazil, sau khi thụ thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF). Điều đặc biệt là thai nhi được nuôi dưỡng trong tử cung hiến tặng từ một phụ nữ 45 tuổi đã chết trước đó.

Việc mang thai nhờ tử cung cấy ghép đạt kết quả khả quan từ năm 2014; nhưng trong tất cả các trường hợp như vậy, người hiến tặng vẫn còn sống. Thực tế đó khiến nhu cầu về nội tạng trở nên rất khó khăn.

Bước tiến mới do Tạo chí Lancet đăng tải mới đây cho thấy tử cung có thể được bảo quản thành công, và việc cấy ghép tử cung từ một người đã chết vào cơ thể người nhận bị vô sinh là hoàn toàn khả thi.

Người nhận trong trường hợp trên là một phụ nữ 32 tuổi mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (MRKH) bẩm sinh. Cứ 4.500 phụ nữ thì có một người mắc hội chứng này, khiến tử cung không phát triển.

Trước khi thực hiện ca cấy ghép vào năm 2016, nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu sau khi người hiến tặng qua đời, tử cung bị thiếu nguồn cung máu trong một khoảng thời gian như vậy thì còn có thể mang thai được nữa hay không.

May mắn thay, câu trả lời là "hoàn toàn có thể", với việc em bé nặng 2,5kg chào đời vào ngày 15/12/2017, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nuôi dưỡng thai nhi, tử cung đã được đưa khỏi cơ thể người mẹ trong quá trình sinh mổ.

Cay ghep tu cung lam thay doi thien chuc lam me cua phu nu?
Liệu mang thai có phải là thiên chức của riêng phụ nữ, hay đơn thuần là sự lựa chọn?

Thông tin này đã thắp lên hi vọng cho rất nhiều phụ nữ không thể sinh con vì chấn thương, bệnh tật, phẫu thuật (cắt bỏ tử cung) hoặc do bẩm sinh.

Nhưng không phải ai cũng xem thành tựu này là bước tiến đáng trân trọng. Kể từ ca cấy ghép tử cung đầu tiên, nhiều ý kiến ​​trái chiều đã xuất hiện.

Một số nhà khoa học chỉ ra nguy cơ biến chứng cho người nhận và thai nhi, cũng như chi phí quá cao. Số khác thì cân nhắc thiệt hơn giữa mặt hạn chế và những lợi ích của cấy ghép, khi mà phương pháp mang thai hộ xem chừng dễ dàng hơn rất nhiều.

Theo nhà lý thuyết cơ thể Sharrona Pearl từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), một trong những vấn đề ở đây là: "Việc cấy ghép tử cung củng cố các tiêu chuẩn xã hội cho rằng mang thai là thiên chức cơ bản của người phụ nữ".

Hay nói cách khác, việc cấy ghép tử cung ngầm ám chỉ rằng mọi rủi ro mà người phụ nữ phải lãnh nhận trong quá trình này cũng là bõ công, "nhằm thực hiện thiên chức của họ khi hoài thai một sinh linh".

Cay ghep tu cung lam thay doi thien chuc lam me cua phu nu?
Bước tiến mới trong cấy ghép tử cung mở ra niềm hi vọng làm mẹ cho những phụ nữ gặp khiếm khuyết bẩm sinh, và cả người chuyển giới.

Kể từ những cuộc thảo luận ban đầu về công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), chẳng hạn như IVF trong thập niên 1920, giới khoa học đã đứng về hai phía trước những tác động đối với vai trò giới tính nói chung và lựa chọn của phụ nữ nói riêng.

Một số người trông đợi những tiến bộ y học sẽ giải phóng phụ nữ khỏi trách nhiệm sinh đẻ và những ràng buộc liên quan, từ đó hi vọng tiến tới bình đẳng xã hội. Nhưng ngược lại, vì IVF mang lại cho nhiều phụ nữ cơ hội duy nhất để sinh con, nên phương pháp này lại khiến cơ thể người phụ nữ dễ bị coi như một loại hàng hóa.

Cấy ghép tử cung có thể giúp phụ nữ chuyển giới và ngay cả với nam giới thực hiện liệu pháp hormone có thể mang thai, từ đó làm thay đổi các tiêu chuẩn xã hội và định kiến, cũng giống như cách IVF tạo ra cấu trúc gia đình mới không cần đầy đủ cha và mẹ.

Mặt khác, những ca cấy ghép này cũng có thể củng cố tiêu chuẩn và khuôn mẫu về vai trò làm mẹ, như khi những lo ngại về thụ tinh ống nghiệm đã thúc đẩy sự chấp thuận của xã hội về mặt lý thuyết và thực hành.

Linh La (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI