Câu hò quê hương nặng tình đất nước

24/03/2023 - 18:20

PNO - Câu hò đất mẹ - vở cải lương gây ấn tượng tại Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc 2021 (tổ chức tại Long An tháng 10/2022) và đạt giải A giải thưởng Hội Sân khấu TPHCM năm 2022 - sẽ ra mắt khán giả TPHCM tối 25/3.

Câu hò nuôi dưỡng anh hùng

Câu hò đất mẹ (kịch bản: Nguyễn Thanh Bình, chuyển thể: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT)  Lê Trung Thảo) kể về cuộc đời hoạt động cách mạng cùng tình yêu hòa quyện tình đồng chí của 2 người cộng sản kiên trung, cũng là đôi vợ chồng Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Hồng Phong. Khi đối mặt với những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, những mối riêng - chung, những tình cảm thiêng liêng nhất được cả hai nhớ đến, trở thành động lực giữ vững khí tiết người cộng sản.

Vở Câu hò đất mẹ được dàn dựng với tiết tấu hiện đại, lôi cuốn
Vở Câu hò đất mẹ được dàn dựng với tiết tấu hiện đại, lôi cuốn

Câu chuyện vốn không mới khi từng có những tác phẩm phim ảnh lẫn sân khấu khai thác trước đó. Đầu năm 2022, phiên bản kịch nói Câu hò đất mẹ do đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng cũng đạt huy chương Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 - đợt 2 (dành cho khu vực phía Nam).

Bản dựng cải lương càng phát huy chất trữ tình, sâu lắng của kịch bản qua làn điệu cải lương. Đạo diễn Lê Trung Thảo cho biết anh rất ấn tượng ngay từ khi đọc kịch bản của tác giả Nguyễn Thanh Bình. “Dù khai thác đề tài chiến tranh cách mạng nhưng câu chuyện lại thấm đẫm chữ tình. Riêng cái tựa Câu hò đất mẹ đã chuyển tải đầy đủ ý nghĩa tác phẩm: câu hò quê hương đã nuôi dưỡng nên những anh hùng dân tộc. Tôi bàn ý tưởng dàn dựng ngay với tác giả Nguyễn Thanh Bình và xin phép cho khai thác sâu thêm nhân vật người mẹ. Người mẹ không chỉ dẫn dắt mạch kịch mà mang theo lời ru, câu hò của mẹ, con lớn lên biết thế nào là nhục là vinh mà đáp đền nợ nước non…” -  NSƯT Lê Trung Thảo chia sẻ.

Được sự ủng hộ của tác giả, Lê Trung Thảo cũng tự tin, thoải mái hơn trong việc triển khai các ý tưởng. Việc gửi gắm kịch bản cho cây bút trẻ Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương vừa là cơ hội lẫn thử thách cho cả hai. “Trước đây, tôi thường làm việc với các tác giả đàn anh, đàn chú nên rất an tâm với kinh nghiệm của họ. Lần này, tôi mong muốn có được những góc nhìn, suy nghĩ mới mẻ từ một tác giả trẻ như Phạm Văn Đằng. Thách thức lớn nhất là cả tác giả lẫn đạo diễn đều thiếu kinh nghiệm ở đề tài chiến tranh cách mạng” - đạo diễn Lê Trung Thảo bộc bạch.

Tác giả Phạm Văn Đằng cũng cho biết, anh tìm thấy ở Câu hò đất mẹ một mạch ngầm cảm xúc sâu lắng và bám vào đó để mang đến những lời ca dạt dào tình cảm cho vở diễn. “Khi chạm đến đề tài chiến tranh cách mạng, nhất là hình ảnh anh hùng thì thường tạo tâm lý xây dựng hình tượng. Nhưng với Câu hò đất mẹ, chúng tôi tập trung vào “chữ tình”, đó là: tình mẫu tử thiêng liêng, tình vợ chồng son sắt, cả tình yêu lãng mạn. Chúng tôi muốn đi từ những điều bình dị nhất để khắc họa chân dung những con người phi thường” - Phạm Văn Đằng nói.

Đừng ngại đề tài truyền thống cách mạng 

“Tôi thấy các vở diễn về anh hùng cách mạng thường hay tham chi tiết mà kéo dài các cảnh cao trào làm người xem thấy lê thê. Câu hò đất mẹ lại tạo cảm giác vừa đủ. Vẫn có cảnh tra tấn, có hy sinh mất mát nhưng không quá nặng nề, dễ tiếp nhận” - chị Hoàng Kim Tuyết - một khán giả tại Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc - nói.

Đạo diễn Lê Trung Thảo cho biết, anh rất vui khi nghe được nhiều nhận xét tích cực về vở diễn, giúp mình thêm tự tin và càng có hứng thú với đề tài truyền thống cách mạng. “Câu hò đất mẹ mới là vở thứ hai về đề tài cách mạng tôi thực hiện. Nhiều người cho rằng phong cách dàn dựng của tôi phù hợp đề tài cổ trang hơn là hiện đại, càng khó tiếp cận đề tài cách mạng. Nhưng không thử thì làm sao biết mình có làm được hay không? Tôi biết có những bạn trẻ từng như mình muốn thử sức với đề tài này nhưng còn e ngại. Bản thân người làm nghề phải vượt lên định kiến của chính mình, cứ xem đề tài truyền thống cách mạng như một đề tài bình thường cần khai thác một cách hấp dẫn thì sẽ nhận được sự đồng cảm của người xem” - NSƯT Lê Trung Thảo chia sẻ.

Thành công của Câu hò đất mẹ còn nhờ dàn diễn viên giỏi nghề: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Lam Tuyền, nghệ sĩ Hà Như… Chỉ tham gia vai nhỏ trong Câu hò đất mẹ, NSƯT Lam Tuyền vẫn gây ấn tượng mạnh bởi phần ca diễn mượt mà, dạt dào cảm xúc. Chị cho rằng đề tài truyền thống cách mạng vẫn có sức hút riêng, quan trọng là cách thể hiện phù hợp để đi vào lòng người. Trong đó, người nghệ sĩ làm tốt sẽ truyền tải và lan tỏa những thông điệp tốt đẹp của vở diễn đến công chúng.

Sau vai chú Sáu Dân - hình tượng Thủ tướng Võ Văn Kiệt - trong vở cải lương Thành phố buổi bình minh, NSƯT Lê Tứ tiếp tục vào vai một nhà cách mạng lớn là Tổng bí thư Lê Hồng Phong của Câu hò đất mẹ. “Tôi từng rất áp lực khi nhận vai chú Sáu nhưng càng diễn lại càng tự tin, càng yêu mến nhân vật. Vai Lê Hồng Phong lần này cũng vậy, càng gần gũi hơn khi vở tập trung khắc họa hình ảnh một người chồng, người cha hơn là một nhà lãnh đạo. Tôi tự hào và trân trọng cơ hội được đưa hình tượng những người con ưu tú của đất nước đến với khán giả hôm nay, nhất là những người trẻ” - Lê Tứ chia sẻ. 

Ninh Lộc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI