Cắt dây rốn chậm 1 phút có thể giảm nguy cơ tử vong ở trẻ sinh non

15/12/2021 - 11:43

PNO - Một nghiên cứu mới đây cho thấy, chỉ cần chờ 60 giây trước khi cắt dây rốn sẽ giúp trẻ sinh non giảm gần 1/5 nguy cơ tử vong và khuyết tật trong 2 năm đầu đời.

Nghiên cứu do các nhà khoa học Úc chủ trì, được thực hiện tại 25 bệnh viện trên 7 quốc gia, đã xem xét kết quả sức khỏe của hơn 1.500 trẻ sinh non trong 2 năm sau khi các bé chào đời. Nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh được cắt dây rốn muộn hơn 1 phút - thay vì ngay sau khi sinh - có tỷ lệ sống sót tốt hơn cho đến khi các bé được 2 tuổi.

trẻ sơ sinh được cắt dây rốn muộn hơn 1 phút - thay vì ngay sau khi sinh - có tỷ lệ sống sót tốt hơn cho đến khi các bé được 2 tuổi
Trẻ sơ sinh được cắt dây rốn muộn hơn 1 phút - thay vì ngay sau khi sinh - có tỷ lệ sống sót tốt hơn cho đến khi các bé được 2 tuổi

“Điều này rất có ý nghĩa vì đây là một kỹ thuật đơn giản, phù hợp với hầu hết trẻ sinh non, và giúp cứu sống nhiều mạng người”, bác sĩ sản khoa Jonathan Morris thuộc Đại học Sydney đã từng nhận định về hiện tượng này vào năm 2017, trước khi các nhà khoa học bắt đầu thực hiện nghiên cứu nói trên.

Theo giải thích của các nhà khoa học, khi trì hoãn việc cắt dây rốn, lượng máu chảy từ nhau thai qua trẻ sẽ nhiều hơn, bổ sung thêm các tế bào hồng cầu, tế bào miễn dịch và tế bào gốc, từ đó giúp trẻ sơ sinh tăng cường được lượng oxy để khỏe hơn, và giảm nguy cơ bị nhiễm trùng. Điều này sẽ rất có ý nghĩa với con số 1 triệu trẻ bị sinh non, khi thai chỉ mới được 30 tuần, mỗi năm trên toàn thế giới.

Nghiên cứu trước đây cũng cho thấy việc chậm cắt dây rốn giúp cải thiện cơ hội sống sót của trẻ sơ sinh trong những ngày đầu đời, với tỷ lệ trẻ tử vong trong bệnh viện ít hơn. Phân tích mới nhất này đã đạt thêm một bước tiến nữa, với báo cáo về kết quả sức khỏe của trẻ từ khi chào đời cho đến 2 tuổi, cho hơn 1.600 trẻ sinh non, sinh sớm 10 tuần.

Đây là thử nghiệm lâm sàng lớn nhất từ ​​trước đến nay, so sánh việc cắt dây rốn chậm và ngay lập tức cho trẻ bị sinh thiếu nhiều tháng, sinh trước 30 tuần và bị bệnh nặng. Trong thử nghiệm này, nhân viên phụ sản được yêu cầu phân ra 2 nhóm trẻ sinh non theo thời gian cắt dây rốn: một nhóm được cắt dây rốn trong vòng 60 giây sau sinh, nhóm còn lại được làm điều này trong vòng 10 giây.

Khi các nhà nghiên cứu kết hợp dữ liệu từ 1.531 trẻ sơ sinh với kết quả từ một thử nghiệm khác, đưa số lượng mẫu lên 1.637 trẻ sơ sinh, kết quả cho thấy việc chờ hơn 30 giây để cắt dây rốn đã giúp giảm gần 1/5 nguy cơ tử vong và khuyết tật ở trẻ 2 tuổi.

Tìm hiểu sâu hơn về các kết quả, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy việc chậm cắt dây rốn sẽ làm tăng khả năng sống sót của trẻ sơ sinh, giảm nguy cơ tử vong tương đối xuống 30%, vì không có nhiều bằng chứng cho thấy các bé sinh non dễ bị các khuyết tật nặng hơn (chẳng hạn như bại não, mất thị lực, khiếm thính, hoặc chậm biết nói khi được 2 tuổi) so với các bé sinh đủ tháng.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, chậm cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh không cần hỗ trợ thở tức thời, mặc dù phương pháp này không phải lúc nào cũng được áp dụng.

“Các bác sĩ lâm sàng thường cảm thấy áp lực khi làm điều này. Trẻ sơ sinh thường rất nhỏ và ốm yếu. Vì vậy, các bác sĩ lâm sàng có tâm lý muốn can thiệp ngay lập tức để đảm bảo an toàn tính mạng cho các bé”, nhà nghiên cứu sức khỏe và thống kê sinh học Anna Lene Seidler giải thích với tờ The Sydney Morning Herald hồi đầu năm nay.

Nhà nghiên cứu Seidler phân tích về 42 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến hơn 5.770 trẻ sơ sinh. Phân tích từ các thử nghiệm này cho thấy, việc cắt dây rốn chậm vẫn an toàn và giúp cải thiện tỷ lệ sống sót cho trẻ sinh non, mặc dù cần có thêm bằng chứng để có thể áp dụng phương pháp này lâu dài.

“Nếu được áp dụng nhất quán trên toàn thế giới, việc đợi 1 phút trước khi cắt dây rốn cho trẻ sinh non tháng không cần hồi sức ngay lập tức, có thể giúp 50.000 bé sống sót mà không bị khuyết tật nặng trong 10 năm tới. Nói cách khác, cứ 20 trẻ sinh non được cắt dây rốn chậm sẽ có thêm 1 trẻ sống sót mà không bị khuyết tật nặng”, Kristy Robledo - nhà thống kê sinh học của Đại học Sydney - nhận định.

Nhất Nguyên (theo Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI