Cấp cứu thành công bé sơ sinh rối loạn nhịp tim gần 300 lần/phút

16/03/2021 - 14:33

PNO - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa tiếp nhận một trẻ sơ sinh gặp chứng rối loạn nhịp tim hiếm gặp với tần số tới gần 300 lần/phút.

 

Các bác sĩ phẫu thuật để cứu cháu bé có nhịp tim gần 300 lần/phút
Các bác sĩ phẫu thuật, cứu cháu bé có nhịp tim gần 300 lần/phút

Chiều 16/3, TS.BS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Khám và chẩn đoán các bệnh tim mạch, Trung tâm Tim mạch trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp rối loạn nhịp tim hiếm gặp.

Trước đó, bác sĩ Hải đã nhận được cuộc gọi khẩn của các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Vĩnh Phúc về tình trạng  bé 11 ngày tuổi có biểu hiện da tái, thở nhanh, bỏ bú và thể trạng mệt mỏi. Trẻ có nhịp tim nhanh, tần số 295 lần/phút. Sau khi hội chẩn qua điện thoại, các bác sĩ đã quyết định chuyển trẻ sơ sinh đến Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được chẩn đoán có cơn tim nhanh kịch phát trên thất. Trong 7 tiếng đồng hồ kể từ khi nhập viện, các bác sĩ đã tích cực điều trị để kiểm soát cơn tim nhanh, nhưng tình trạng bệnh không tiến triển khả quan. Bé liên tục tái phát cơn tim nhanh đến 9 lần. Trẻ có rối loạn huyết động, mức độ suy tim tăng lên do chưa khống chế được cơn nhịp nhanh.

Trước tình hình này, vào thời điểm gần 12 giờ đêm, các bác sĩ can thiệp bằng phương pháp triệt đốt, cấp cứu nhịp tim nhanh bằng năng lượng sóng tần số radio. Sau 1 giờ làm thủ thuật triệt đốt, các bác sĩ “thở phào” vì nhịp tim của trẻ đã được khống chế, kịp thời cứu được tính mạng bệnh nhi.

Hiện sức khỏe bé ổn định, các chỉ số sinh tồn ổn định, nhịp tim đều 110 lần/phút, huyết áp 110/60. Bệnh nhi được cai máy thở và bỏ máy thở sau 1 ngày thở máy.

Theo các chuyên gia, trường hợp của bệnh nhi trên mắc phải chứng rối loạn nhịp tim, chỉ 4/1000 trẻ mới gặp. Thông thường, nhịp tim trung bình của trẻ sơ sinh là khoảng 100 – 160 lần/phút, lúc trẻ 1 tuổi là khoảng 80 – 130 lần/phút và lúc trẻ 6 tuổi là khoảng 70 – 110 lần/phút.

TS. BS Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, trẻ không được cha mẹ phát hiện sớm khiến cơn tim nhanh kịch phát xảy ra nhiều lần, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Khi cơn tim nhanh kéo dài thường gây suy tim nếu không được cấp cứu cắt cơn, có thể gây gây giãn, suy giảm chức năng thất trái nặng và thậm chí trẻ có thể tử vong. Một số trường hợp trẻ có thể biểu hiện tình trạng nguy kịch ngay khi mới xuất hiện cơn tim nhanh.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI