Bệnh viện công mở dịch vụ khám VIP: Phải cân bằng khu dịch vụ và khu khám thường

16/03/2021 - 06:32

PNO - Làm sao để các bệnh viện công có thể cân bằng giữa khu khám dịch vụ với khu khám thường? Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị bệnh viện TP.HCM.

 

Phòng Deluxe của Bệnh viện Từ Dũ ở khu N. có giá 4 triệu/phòng/ngày
Phòng Deluxe của Bệnh viện Từ Dũ ở khu N. có giá 4 triệu/phòng/ngày

Phóng viên: Theo ông, việc các bệnh viện mở phòng bệnh VIP, phòng khám chuyên gia… có hợp lý?

Ông Nguyễn Duy Thuận: Xuất phát từ chỗ bệnh viện công dư công suất nên mới có phòng dịch vụ. Nếu bệnh viện đầy công suất thì sẽ không có phòng dịch vụ nữa. Hiện nay, Bộ Y tế đang bối rối trong việc lập chính sách. Vì một mặt nói là bệnh viện công phải tự chủ hoàn toàn, nghĩa là phải tính đủ giá để tự sống. Nhưng, viện phí lại không đủ để các bệnh viện chi cho hoạt động của họ. 

* Nhưng dư luận lại có hai luồng quan điểm trái ngược về việc tổ chức các phòng khám VIP, phòng bệnh VIP ở bệnh viện nhà nước.

- Những phòng VIP hay giá khám VIP trong bệnh viện công sẽ dẫn đến xung đột nếu tình trạng quá tải ở các nơi này tăng cao. Bởi lẽ, về bản chất, bệnh viện công phải là nơi phục vụ cho người nghèo, bảo vệ người yếu thế trong xã hội. Trong khi những người có thu nhập cao vẫn có nhu cầu được khám dịch vụ ở bệnh viện công với bác sĩ giỏi, muốn đến phòng dịch vụ ít người để không mất nhiều thời gian.

Thử tưởng tượng, trên chiếc xe buýt công cộng, người ta kê ba chiếc ghế riêng, có phục vụ nước uống và trái cây miễn phí dành cho những người mua vé cao cấp. Phía sau đó là hàng chục người chen chúc nhau, ắt sẽ gây phản ứng. Do đó, những nơi nào triển khai chưa tốt cho người bệnh cần xem lại cách thực hiện.

* Vậy theo ông, hoạt động của những phòng khám VIP, phòng bệnh VIP tại các bệnh viện công nên tổ chức thế nào cho hợp lý?

- Với cách làm “khéo léo” khi chọn những vị trí góc khuất hoặc khu vực riêng biệt trong bệnh viện thì sẽ không bị nhiều phản ứng của người dân. Tuy nhiên, nếu bị quá tải thì những xung đột vẫn xảy ra. Ở Singapore, họ có cách làm là những ca mổ lớn đều phải thực hiện tại bệnh viện công. Sau mổ, chuyển bệnh nhân sang bệnh viện tư để chờ phục hồi. Như vậy, bệnh viện công sẽ không bị quá tải, còn việc phục hồi sức khỏe tùy thuộc vào túi tiền người bệnh.

* Cảm ơn ông. 

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI