Cấp bách tìm cát cho cao tốc miền Tây

05/09/2023 - 20:17

PNO - Chiều 5/9, tại TP Cần Thơ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm của vùng.

 

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 4 dự án cao tốc đường bộ; với chiều dài 355km, vốn đầu tư hơn 82.871 tỉ đồng. 

Cụ thể, các dự án cao tốc đang triển khai ở vùng cần khối lượng đá các loại khoảng 6,6 triệu m3; khối lượng đất đắp khoảng 4,7 triệu m3 và cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Hiện nguồn cát có trữ lượng lớn tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Sóc Trăng…

Công nhân đang làm việc trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang- Cà Mau
Công nhân đang làm việc trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau

Theo đó, dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, có tổng nhu cầu cát hơn 18 triệu m3; trong đó năm 2023 cần hơn 9 triệu m3, năm 2024 cần 9 triệu m3. Tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí cho dự án 3,3 triệu m3 và đã có quyết định giao 1,1 triệu m3 từ 4 mỏ đang khai thác. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2023 đến nay đã tạm dừng 1 mỏ và 1 mỏ tạm dừng khai thác do doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra. 

Về nhu cầu năm 2024 khoảng 3,7 triệu m3 hiện An Giang chưa có phương án cung cấp. Còn tỉnh Đồng Tháp cũng thống nhất bố trí cho dự án 7 triệu m3. Trong đó, dự án đã lấy được 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng công suất khai thác và dự kiến tiếp tục cấp thêm 1,3 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác. Đối với tỉnh Vĩnh Long đã hướng dẫn thủ tục khai thác tại 2 vị trí mỏ với tổng trữ lượng khoảng 1,38 triệu m3.

Song song đó, Vĩnh Long sẽ giao cho nhà thầu 3 mỏ với tổng trữ lượng dự kiến khoảng 3,2 triệu m3. Tuy nhiên, hơn 1,1 triệu m3 còn lại Vĩnh Long chưa có kế hoạch.

Tại dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhu cầu cát đắp nền  hơn 28 triệu m3; trong đó năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần hơn 13 triệu m3, năm 2025 gần 9 triệu m3.

Còn dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang có tổng nhu cầu cát khoảng 3,58 triệu m3; phía tỉnh Đồng Tháp sẽ bố trí đủ nguồn cát cho dự án.  Đối với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có nhu cầu cát đắp khoảng 3,1 triệu m3; hiện tỉnh Đồng Tháp đã cân đối đủ nguồn cát cho dự án.

Cao tốc Cần Thơ- Hậu Giang- Cà Mau đang thiếu nguồn cát
Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau đang thiếu nguồn cát

Bộ GTVT cho rằng, việc cung cấp cát hiện nay còn chậm, khối lượng chưa đáp ứng tiến độ; một số địa phương chưa xác định đủ nguồn cung ứng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Ngoài ra, việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác cát phục vụ dự án thành phần 2 và 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng chậm.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu cát để hoàn thành đắp nền trước tháng 6/2024 đối với dự án Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; còn dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thì trước tháng 12/2024, Bộ GTVT kiến nghị tỉnh An Giang bố trí bổ sung các mỏ đang khai thác khác thay thế các mỏ đã tạm dừng; tỉnh Vĩnh Long đẩy nhanh các thủ tục để các nhà thầu có thể khai thác; tỉnh Đồng Tháp sớm hoàn thiện thủ tục để tiếp tục cung cấp cho dự án và đẩy nhanh thủ tục để các nhà thầu khai thác các mỏ đã giao…

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tiến độ cao tốc Cần Thơ- Hậu Giang- Cà Mau
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tiến độ cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, qua kiểm tra thực tế tại dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau thì vấn đề thiếu cát là khá lớn. Đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết để đảm bảo được lượng cát có thể đáp ứng trong điều kiện cho phép và hạn chế tác động đến môi trường. Thời gian qua, Bộ GTVT, Bộ TN-MT cũng đã làm việc trách nhiệm; hiện số lượng mỏ đang dự trữ đã có báo cáo. Cần thấy rằng, tình trạng thiếu cát sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án; vì vậy cần phải tìm ra giải pháp để tháo gỡ nhanh nhất…

Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành và các địa phương vừa phải đảm bảo được tiến độ cho các dự án, nhưng không bằng mọi giá trong việc khai thác cát sông.  "Không hút mãi cát dưới sông được, hút dưới sông bao nhiêu thì đất liền sẽ sụp xuống bấy nhiêu, đó là quy luật cân bằng. Chúng ta nâng công suất, nhưng phải lấy vấn đề môi trường và giám sát sạt lở là ưu tiên đầu tiên.  Các địa phương, nhà thầu khai thác cũng phải lấy vấn đề xử lý môi trường, chống sạt lở làm ưu tiên…”, Phó thủ tướng lưu ý.

Trước đó, khi kiểm tra dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 110km, đến nay tiến độ thi công đạt khoảng 9%... Tại buổi kiểm tra, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, sớm đưa cát biển vào sử dụng trong những dự án tương tự. Theo Phó thủ tướng, giải pháp cát biển tập trung vào ba tiêu chí: cơ lý, môi trường và kinh tế. Nếu trọn vẹn được dùng phương án này thay cho mỏ cát ở trên sông. 

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI