Cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long: Hãy nhớ lời Thủ tướng

22/06/2022 - 13:41

PNO - Có thể nói giải phóng mặt bằng là công tác gian nan, quyết định đến thành, bại, hiệu quả của cả một dự án.

 

Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 44.691 tỷ đồng
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 44.691 tỷ đồng

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu: “Các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới.

Các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng”.

Phát biểu trên cho chúng ta thấy rõ quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ về thực hiện dự án, trong đó có chú ý đến công tác giải phóng mặt bằng.

Có lần tôi nghe một cán bộ quản lý dự án nói nếu giải phóng mặt bằng xong là coi như dự án xong phân nửa. Phân tích kỹ thì nhận định đó chưa chắc đã đúng về mặt định lượng, nhưng cũng cho thấy công tác giải phóng mặt bằng quan trọng thế nào trong việc thực hiện hoàn thành dự án.

Một thời, để giải phóng mặt bằng, từng đoàn cán bộ được cử đi tuyên truyền, vận động nhân dân đồng ý cho đốn hạ cây trái, chịu di dời nhà cửa, chấp nhận mất đất để xây dựng công trình. Thiếu vốn, không tiền để đền bù nên để thành công, những câu chuyện chiến đấu hy sinh thời kháng chiến được nhắc nhở nêu gương, kêu gọi không đòi hỏi. Nhiều năm sau khi nói về công trình cũ tôi lại nghe có tiếng thở dài của những người từng chấp nhận thiệt thòi.

Khi xây cầu Mỹ Thuận, người ta xây mới một ngôi chợ để đền bù cho những người không thể mua bán, khi bến phà không còn hoạt động.

Khi mở rộng quốc lộ 1A bằng vốn của Ngân hàng thế giới, những gia đình chiếm dụng lề đường để sửa xe, buôn bán vặt… cũng được bồi thường, đào tạo lại nghề để họ có nơi ở và có cách sinh nhai. Mất đi mảnh đất, dù nhỏ, là mất đi một phương cách sinh nhai, mất đi một "di sản" do ông bà để lại. Họ có thể dùng mảnh đất đó cho con cái khi ra riêng dùng để cất nhà. Dùng đất đó để chôn cất người thân, khi vẫn còn suy nghĩ có đất riêng để chôn cất là đáng tự hào…

Như vậy, giải phóng mặt bằng không chỉ là tính diện tích nhân đơn giá quy định rồi đền bù mà còn là cả một quá trình để người dân và gia đình của họ được có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn khi phải chịu mất đi phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Cho nên đó là công tác gian nan, quyết định đến thành, bại, hiệu quả của cả một dự án.

Giải phóng mặt bằng phải có quyết tâm nỗ lực của mọi cấp, nhất là của địa phương. Cho nên, để việc có thêm 400km đường cao tốc sớm trở thành hiện thực phải làm như Thủ tướng chỉ đạo: “Nhưng để trở thành hiện thực, chúng ta đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực rồi, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt, trọng tâm hơn nữa để thực sự có sản phẩm, kết quả, mang lại hạnh phúc, ấm no nhiều hơn cho nhân dân vùng ĐBSCL”.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI