Càng chậm phân loại rác, càng thiệt hại

11/08/2022 - 05:30

PNO - Tại TPHCM, trong hai năm qua, chương trình phân loại rác tại nguồn đã được triển khai thực hiện trên diện rộng.

 

Ý thức về việc phân loại rác tại nguồn của người dân đã có chuyển biến rõ rệt. Nhiều nơi đã làm rất tốt, chia rác thành hai loại riêng biệt gồm vô cơ và hữu cơ. Song, các lực lượng thu gom rác dân lập vẫn chưa chuẩn hóa kịp thời thiết bị để thu gom rác vô cơ và hữu cơ riêng. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước chưa có quy định thu gom theo ngày chẵn, lẻ (ngày chẵn thu gom rác vô cơ, ngày lẻ thu gom rác hữu cơ) nên từ khâu phân loại đến thu gom chưa được thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ.

Do đó, trước khi thực hiện nghiêm việc xử phạt các hành vi vi phạm theo Nghị định 45, Nhà nước nên tổ chức và quản lý đồng bộ công tác phân loại. Trước hết, cần tiếp tục khuyến khích lực lượng thu gom chuẩn hóa thiết bị thu gom, chuyển từ xe thô sơ sang xe tải nhỏ và Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư nghiêm túc và bài bản các điểm tiếp nhận rác ở quận, huyện, đồng thời có định hướng cụ thể về phương án xử lý rác đã phân loại tại khu liên hợp xử lý rác. Ngoài ra, cũng cần nâng cao vai trò tổ chức, giám sát công tác thu gom và phân loại tại nguồn.

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng suy kiệt, nhiều quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở ưu tiên triển khai các giải pháp tăng cường tái chế chất thải, việc phân loại rác tại nguồn đóng vai trò quan trọng nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ tái chế các phế liệu thu được.

Ở châu Á, Singapore là quốc gia thúc đẩy kinh tế tuần hoàn rất sớm. Từ những năm 1980, quốc gia này đã ứng dụng công nghệ đốt rác thải thành năng lượng, xử lý đạt 90% lượng rác thải của cả nước. Họ dùng 10% rác thải còn lại làm vật liệu xây đảo nhân tạo. Khi mọi thứ đều được tái chế, Singapore dễ dàng tiến đến một xã hội không xả thải theo đúng tiêu chí kinh tế tuần hoàn.

Ở Việt Nam, quan điểm phát triển kinh tế tuần hoàn cũng được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây được xem là giải pháp chiến lược trong mười năm tới. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian qua, cơ quan lập pháp Việt Nam đã ban hành nhiều luật liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn như Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai… 

Luật Bảo vệ môi trường cũng được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, như nội dung thu phí chất thải dựa trên khối lượng, tái chế chất thải, thu phí bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn.

Hiện nay, ở Việt Nam, rác thải sinh hoạt phát sinh chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp với chi phí rất cao do khối lượng quá lớn. Do đó, khi việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện tốt, khối lượng rác cần xử lý sẽ giảm đáng kể, kéo theo chi phí xử lý rác cũng giảm xuống. Phân loại rác tại nguồn cũng là cách tốt nhất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đơn cử như ở TP.HCM, do chúng ta đã phần nào phân loại được rác xà bần và vô cơ nên khối lượng rác phát sinh mỗi ngày còn khoảng 9.500 tấn và chi phí xử lý tương ứng khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Nếu để trộn lẫn, ước tính khối lượng rác phát sinh lên đến 1.200 tấn/ngày và chi phí xử lý sẽ vào khoảng 1.600 - 1.700 tỷ đồng/năm.

Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn để sớm triển khai đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn, nhất là ở các đô thị lớn. Càng chậm phân loại rác, thiệt hại sẽ càng nhiều. 

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI