Cần xử lý nghiêm những kẻ tiếp tay làm hại thị trường nội địa

20/05/2025 - 06:48

PNO - Sự việc lần này cho thấy những dấu hiệu đáng báo động trong hệ thống quản lý, cần được làm sạch triệt để và công khai. Việc xử lý hình sự là cần thiết, nhưng chưa đủ.

Vụ bắt giữ nhiều cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) với cáo buộc nhận hối lộ để hợp thức hóa các giấy chứng nhận kiểm định đang khiến dư luận bàng hoàng.

Hàng ngàn doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực từng ngày để cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, tối ưu giá thành sản phẩm, nhằm lấy lòng người tiêu dùng nội địa - thị trường được xem là “đầu ra sống còn” trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn. Nhưng trong khi họ đổ mồ hôi cho từng gram nguyên liệu, từng dòng bao bì đạt chuẩn, thì một số cá nhân nắm quyền cấp phép lại đóng dấu “đạt chuẩn” cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

Thực phẩm chức năng giả
Thực phẩm chức năng giả

Đây không chỉ là hành vi tham nhũng, mà là sự phá hoại nền kinh tế nội địa từ bên trong. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng có ý thức yêu và chọn hàng Việt, việc xuất hiện hàng loạt sản phẩm nội địa bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm, nhưng lại được đóng dấu kiểm định bởi chính cơ quan nhà nước, đã làm lung lay nghiêm trọng niềm tin của người dân.

Với hàng trăm nhãn hiệu thực phẩm bảo vệ sức khỏe được hợp thức hóa, các đối tượng đã nhắm đến những nhóm dễ bị tổn thương nhất: người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Điều đáng nói là, dù hồ sơ công bố nguyên liệu nhập từ Mỹ và châu Âu nhưng phần lớn nguyên liệu lại được mua từ Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng.

Những sản phẩm này được dán nhãn kiểm định đầy đủ, trưng bày tại các kênh phân phối lớn và truyền thông rầm rộ, khiến người tiêu dùng hoàn toàn mất khả năng phân biệt thật - giả. Người tiêu dùng không phải là chuyên gia kiểm nghiệm, họ chỉ có thể dựa vào uy tín của hệ thống quản lý để chọn lựa. Nhưng khi những cá nhân trong chính hệ thống đó bị thao túng, họ còn biết tin vào đâu?

Trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, các doanh nghiệp cạnh tranh bằng chất lượng, dịch vụ và giá cả. Nhưng với vụ việc vừa bị phát hiện, sự cạnh tranh bị bóp méo, doanh nghiệp thật thà bị thua thiệt, còn kẻ đi “đường tắt” lại dễ dàng hợp thức hóa bằng con dấu và mối quan hệ. Nhiều nhà sản xuất nội địa hiện nay chấp nhận tăng chi phí đầu tư, cải tiến dây chuyền để đạt các tiêu chuẩn quốc tế nhằm nỗ lực lấy lại lòng tin người tiêu dùng Việt. Nhưng nếu thị trường vẫn bị thao túng bởi những cá nhân biến chất trong bộ máy kiểm soát, nỗ lực của doanh nghiệp sẽ bị đánh gục bởi một vài cái gật đầu thiếu lương tâm.

Sự việc lần này cho thấy những dấu hiệu đáng báo động trong hệ thống quản lý, cần được làm sạch triệt để và công khai. Việc xử lý hình sự là cần thiết, nhưng chưa đủ. Cần rà soát lại toàn bộ quy trình kiểm định, công khai các sản phẩm đã từng được cấp phép sai lệch, tái lập niềm tin trong cả hệ thống, nếu không muốn người tiêu dùng quay lưng với hàng nội.

Thị trường nội địa là tài sản quốc gia. Mỗi hành vi tiếp tay cho sai phạm, mỗi lần “bán rẻ con dấu” như một nhát dao “đâm vào lưng” những doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi nền sản xuất quốc gia. Và điều nguy hiểm hơn là nếu người dân mất niềm tin vào hàng trong nước, chúng ta mất đi cơ hội giữ chân đồng tiền ở lại với nền kinh tế Việt.

Phước Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI