|
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam tổ chức sáng 27/2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế |
Sáng 27/2, Hội thảo khoa học cấp Quốc gia 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 – 2023) được tổ chức với chủ đề “Khởi nguồn và động lực phát triển”.
Hình ảnh đẹp của Việt Nam hiện lên từ văn hóa
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Trình bày Báo cáo Trung tâm tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng khẳng định đây “là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam".
Bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua.
"Đề cương ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa, đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau”, Bộ trưởng phân tích.
Bằng văn hóa và từ văn hóa, hình ảnh đất nước Việt Nam “an toàn - thân thiện - hiền hòa - mến khách - hội nhập - phát triển” với nền văn hóa đậm đà bản sắc được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến, với nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (2019, 2020), Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á (2019, 2020), Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (2020)…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng thẳng thắn nhìn nhận, xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam, vẫn còn một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa…
Cụ thể như việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra, và còn thiếu khoa học, đồng bộ; công tác cán bộ của lĩnh vực văn hóa (quản lý văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ) chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ.
“Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp; nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế còn chưa được quan tâm đúng mức; bất cập trong cơ chế chính sách chưa cải thiện hiệu quả tình trạng bất bình đẳng giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước”, Bộ trưởng chỉ ra.
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu
|
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng, cần xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa |
Để phát huy giá trị của bản Đề cương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020.
Bên cạnh đó, kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”; sửa đổi, bổ sung các pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, phải tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam để xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”.
Đối với văn học, nghệ thuật, cần tập trung phát triển đa dạng các loại hình, từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học, phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa.
Một trong những nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất tại Hội thảo là xây dựng bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia.
Ngoài ra, cần xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững.
Minh Quang