TPHCM: Cần chiến lược để mỹ thuật công cộng phát triển đúng tầm

24/02/2023 - 06:22

PNO - Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc. Hiện mỹ thuật công cộng của TPHCM chưa phát triển đúng tầm của thành phố, cần có một chiến lược phát triển bao gồm các yếu tố: con người, tài chính, chính sách của thành phố…

Thiếu và chưa đúng tầm

Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như: Paris, New York, London… mỹ thuật công cộng (MTCC) gồm tranh, phù điêu, tượng… phát triển khá mạnh. MTCC tạo nên diện mạo, vẻ đẹp đô thị, phục vụ đời sống tinh thần của người dân, thu hút khách du lịch, thể hiện trình độ phát triển của thành phố… Khi các thành phố trên thế giới đang có xu hướng phát triển na ná nhau thì MTCC sẽ tạo nên vẻ riêng biệt của đô thị.

Công viên bến Bạch Đằng được chỉnh trang nhưng hiện vẫn thiếu những tác phẩm mỹ thuật, cây xanh - ẢNH: TAM NGUYÊN
Công viên bến Bạch Đằng được chỉnh trang nhưng hiện vẫn thiếu những tác phẩm mỹ thuật, cây xanh - Ảnh: Tam Nguyên

Những năm qua, TPHCM có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhưng MTCC chưa theo kịp. Hiện nay, khi nhắc đến MTCC tại TPHCM, chủ yếu vẫn là các bức tượng, tượng đài; tỉ lệ tranh cỡ lớn vẫn còn ít. Phần lớn tượng, tượng đài chỉ thuộc nhóm các anh hùng dân tộc. Nhà giáo nhân dân, họa sĩ Huỳnh Văn Mười (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM) đặt vấn đề: “Các tượng đài ở TPHCM hiện có bao nhiêu thuộc nhóm hiện đại, bao nhiêu nói lên được ngôn ngữ nghệ thuật đương đại?”.

Nhiều nhà cao tầng, cao ốc phát triển khiến các tượng trở nên lọt thỏm trong không gian. Sự kết nối giữa kiến trúc và mỹ thuật vẫn còn lỏng lẻo. Những tác phẩm đã có chưa thể hiện được tính mỹ thuật nổi bật, màu sắc riêng của TPHCM. Đã có những dự án phát triển MTCC cho thành phố nhưng vẫn chưa được triển khai.

Những tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật chất lượng từ các cuộc thi, triển lãm lớn vẫn chưa được ứng dụng vào thực tế. Nghệ thuật graffiti những năm qua du nhập và phát triển khá mạnh trong nước, đặc biệt tại TPHCM. Tuy nhiên, loại hình này vẫn chưa được thừa nhận chính thống, có định hướng phát triển, quản lý rõ ràng… Đó cũng là vấn đề được bàn thảo sôi nổi trong hội thảo do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức mới đây.

Theo dự kiến, sau khi hoàn thành chỉnh trang trước chợ Bến Thành, tượng Trần Nguyên Hãn sẽ được dựng lại với kích thước lớn hơn (ảnh: Nguyễn Quang)
Theo dự kiến, sau khi hoàn thành chỉnh trang trước chợ Bến Thành, tượng Trần Nguyên Hãn sẽ được dựng lại với kích thước lớn hơn (ảnh: Nguyễn Quang)

Nên phát triển thế nào?

Hiện đang có 2 luồng ý kiến về hướng phát triển MTCC: Phát triển tập trung và phát triển diện rộng, cả những vùng ven. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển tập trung là phương án tốt hơn. Đây là mô hình nhiều thành phố trên thế giới áp dụng và đã thành công. Việc phát triển đại trà sẽ gặp phải khó khăn lớn là thiếu kinh phí.

Những khu vực trung tâm thành phố được đề xuất để phát triển MTCC gồm phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, khu vực đường Tôn Đức Thắng hướng nhìn về cầu Ba Son…

Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên (Trường đại học Kiến trúc TPHCM) cho rằng: có 2 điểm mấu chốt trong phát triển MTCC tại TPHCM là tính di sản (thành phố của những dòng sông, trên bến dưới thuyền, những hàng cây dầu, sao với tuổi đời lớn…) và thành phố “mở”, hội nhập mạnh mẽ. Chị lấy dẫn chứng ở một số khu vực do tư nhân đầu tư, việc thiết kế, đặt để các tượng không chỉ thu hút khách tham quan, chụp ảnh, mà còn có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế vì tạo được cơ hội, sự chú ý.

Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đang kết hợp với Trường đại học Mỹ thuật TPHCM nghiên cứu phát triển tranh, tượng đài giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Công trình này nhằm duy trì, phục hồi, phát triển tranh, tượng đài đang có; nghiên cứu đưa ra hệ thống công trình mới trong tương lai; xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển MTCC. 

Tiêu chuẩn lý tưởng của MTCC là mang bản sắc dân tộc, không lai căng, có chất lượng thẩm mỹ, thống nhất phong cách, mang tính địa phương. Tuy nhiên, MTCC luôn gắn liền với kiến trúc. Dễ thấy, ở trung tâm TPHCM là sự đan xen giữa các công trình cổ, hiện đại. Vì thế, đây cũng là bài toán khó.  Phó giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Thanh Sơn cho rằng, không nên cố định trong 1 phong cách nào, bởi thị hiếu mỹ thuật hiện đại hướng đến sự đa dạng. Theo ông, nếu muốn làm tranh, tượng… thì đầu tiên phải có chất lượng tốt, tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao và phát triển dựa trên điều kiện kết cấu hiện tại.

MTCC nên được hiểu theo hướng mở để không khô cứng, phải thể hiện được tinh thần nghệ thuật, văn hóa của con người đương thời.

Một vấn đề khác được đặt ra là không gian công cộng của TPHCM đã thực sự đủ, phù hợp để phát triển MTCC chưa? Để MTCC phát huy hết giá trị thì phải giải quyết được các vấn đề: rác thải, người lang thang… để tạo nên bộ mặt đẹp. Các chuyên gia cũng nhất trí, phải chú ý phát triển cây xanh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc điểm địa lý. Không gian mặt nước là nét đặc trưng của TPHCM, cũng cần tập trung phát triển đồng bộ. 

Những tuyến đường ở khu vực trung tâm TPHCM được đề xuất lựa chọn để phát triển mỹ thuật công cộng (ảnh: Tam Nguyên)
Những tuyến đường ở khu vực trung tâm TPHCM được đề xuất lựa chọn để phát triển mỹ thuật công cộng (ảnh: Tam Nguyên)

MTCC để phục vụ người dân nên phải đề cao sự thưởng thức, giá trị dành cho họ. Phải tạo ra được các tác phẩm, công trình khiến công chúng thích thú. Những nơi được chọn phải phát triển sao cho chuẩn, kiểu mẫu, đẹp.

Nguồn nhân lực để phát triển MTCC được đánh giá là không thiếu, tuy nhiên cần có chính sách phù hợp để kêu gọi sự hợp lực của họ. Vấn đề này được rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm, bởi thời gian qua vẫn chưa được chú ý đúng mức.

Sự phối hợp đồng bộ giữa lĩnh vực mỹ thuật và kiến trúc cũng quan trọng không kém. Giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông nói không chỉ tượng đài, tranh… mà bản thân những công trình kiến trúc đẹp cũng là điểm nhấn cho MTCC.

Tất cả vấn đề trên đều quy về chiến lược phát triển của thành phố. Tiến sĩ Mã Thanh Cao (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM) cho rằng điều quan trọng nhất là vai trò “nhạc trưởng” của lãnh đạo TPHCM để thúc đẩy sự hoạt động đồng bộ. Ông Huỳnh Văn Mười nói: “Nếu không có sự phối hợp giữa các bên, chắc chắn việc này vẫn rất khó”. 

Kinh phí là một trong những vấn đề mấu chốt. Theo kiến trúc sư Lê Thanh Sơn, các công trình này có thể kêu gọi xã hội hóa. Nhiều thành phố lớn trên thế giới đều phát triển MTCC theo hướng này và đạt được hiệu quả tốt. 

Thành Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI