Can trường nơi đầu sóng - Bài cuối: Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

09/06/2022 - 06:34

PNO - Trường Sa hôm nay đã có những con đường bê tông, những âu tàu, những trạm dịch vụ hậu cần nghề cá. Sự “thay da đổi thịt” này giúp huyện đảo Trường Sa cải thiện đời sống quân, dân trên đảo, làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển.

LTS: Đoàn công tác số 9 - TPHCM vừa kết thúc chuyến công tác đến Trường Sa và nhà giàn DK1 sau hai năm gián đoạn do dịch COVID-19. Can trường nơi đầu sóng là những câu chuyện về cuộc sống của quân và dân huyện đảo Trường Sa mà phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM ghi lại được trong chuyến công tác này.

Can trường nơi đầu sóng - Bài 1: Những người con thành phố nơi đảo xa

Can trường nơi đầu sóng - Bài 2: Vượt gian khó, bám trụ nơi đảo xa

Chiến sĩ hải quân trên đảo Sinh Tồn đang hướng dẫn tàu cá vào neo đậu tại âu tàu của đảo - Ảnh: SƠN VINH
Chiến sĩ hải quân trên đảo Sinh Tồn đang hướng dẫn tàu cá vào neo đậu tại âu tàu của đảo - Ảnh: Sơn Vinh

Sức sống mới ở Trường Sa

Mùa biển lặng, tàu thuyền đánh cá cứ nối tiếp nhau vươn khơi, khai thác ngư trường quanh đảo Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trong sân chùa Song Tử Tây hướng ra phía mặt biển, những chồi non xanh biếc đang phất phới như nô đùa trong gió.

Thầy Thích Nhật Anh - Trụ trì chùa Song Tử Tây - cho biết, cuối năm ngoái, hòn đảo nhỏ này hứng chịu cơn bão số 9, nhiều cây xanh trong khuôn viên chùa bị gió quật gãy, đổ. Sau bão, bộ đội và người dân trên đảo đã cùng nhau trồng lại cây.

Chỉ tay về hướng âu tàu - nơi có cây bàng vuông mang trên mình đầy thương tích, đang vươn mình trong nắng - thầy Thích Nhật Anh cho biết, cây bàng này chứng kiến hàng chục đợt bão tố mà đảo Song Tử Tây hứng chịu. Trong đợt bão số 9 năm ngoái, cây bàng này bị gió quật ngã, nhiều cành, nhánh bị gãy. Vậy mà khi được dựng dậy, cây bàng vuông lại tiếp tục đâm chồi.

“Vậy mới thấy, từ con người cho đến ngọn cỏ, cái cây trên đảo đều mang trong mình sức sống mãnh liệt. Sức sống này chiến thắng cả điều kiện thiên tai khắc nghiệt” - thầy Thích Nhật Anh nói.

Thượng tá Hoàng Thanh Tú - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây - cho biết, bão số 9 làm hư hại khoảng 90% cây xanh trên đảo. Nhiều cơ sở, nhà dân cũng bị thiệt hại nặng nề. Sau bão, quân và dân trên đảo đã trồng lại 10.000 cây xanh. Cùng với số cây được mang từ đất liền ra, quân và dân trên đảo cũng cưa cành, trồng lại số cây bị đổ nhưng còn sống.

Một buổi chiều tháng Năm, chúng tôi đến đảo Đá Nam. Cái nắng giữa biển khơi như muốn đốt cháy da người. Nhưng trong khu vườn tăng gia của lính đảo, những ngọn rau muống, cải, mồng tơi vẫn rung rinh trong gió. 

Đá Nam cũng là hòn đảo chịu thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 9 năm ngoái. Bão đến, sóng đánh cao hàng chục mét, vườn rau bị nhấn chìm trong nước biển. Để giữ vườn, sau bão, bộ đội trên đảo phải rửa mặn đất bằng nước ngọt, phơi khô rồi xới đất để trồng trở lại, che nắng, chắn sóng kỹ càng để rau có thể sinh trưởng. Theo trung úy Trần Duy Trung - Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam - số rau hiện tại đủ để cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, không cần chờ rau xanh từ đất liền gửi ra.

Hiện nay, nhiều điểm đảo ở quần đảo Trường Sa đã có đường bê tông, âu tàu, trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, trạm thông tin liên lạc Viettel, Visat… Những điều này đã làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của quân, dân trên đảo.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ trên đảo chìm Đá Tây B vẫn nỗ lực tăng gia sản xuất. Năm 2021, hòn đảo này thu lãi từ tăng gia sản xuất được hơn 31 triệu đồng. Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây B còn khám chữa bệnh, phát thuốc cho 16 lượt ngư dân đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Điểm tựa của ngư dân

Các bác sĩ thực hiện một ca mổ cấp cứu ngư dân bị viêm ruột thừa vào tháng 4/2022 - Ảnh: SƠN VINH
Các bác sĩ thực hiện một ca mổ cấp cứu ngư dân bị viêm ruột thừa vào tháng 4/2022 - Ảnh: Sơn Vinh

Ngày 24/5, ngư dân Nguyễn H. - 50 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi - đã được Bệnh viện Quân y 175 làm thủ tục xuất viện sau 88 ngày chống chọi với COVID-19 và di chứng của nó. Trước đó, ngày 23/3, một tàu cá đến từ đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cập vào đảo Trường Sa do ngư dân Nguyễn H. đang nguy kịch. 

Đại úy Nguyễn Quang Huy - Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa, còn gọi là Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa - nhớ lại: “Qua xét nghiệm, chúng tôi xác định, bệnh nhân và những người khác trên tàu đều mắc COVID-19. Khi vào bệnh xá, chưa kịp chụp phim thì bệnh nhân Nguyễn H. đã bị suy hô hấp nặng, trụy tim mạch. Chúng tôi nhận định bệnh nhân bị tràn khí màng phổi nên chúng tôi cấp cứu, nâng oxy trong máu cho bệnh nhân. Khi sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định, chúng tôi hội chẩn từ xa (hội chẩn telemedicine) với Bệnh viện Quân y 175. Sau đó, được sự hỗ trợ của bệnh viện, bệnh nhân đã được trực thăng đưa vào đất liền”.

Những năm qua, Bệnh xá đảo Trường Sa đã cứu hàng ngàn ngư dân gặp nạn giống như ông H. Ngay trước khi chúng tôi đến thăm đảo Trường Sa vài ngày, các bác sĩ ở đây đã mổ cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp nguy hiểm.

Đại úy Nguyễn Quang Huy cho biết, chỉ riêng trong 5 năm gần đây, Bệnh xá đảo Trường Sa đã khám, chữa bệnh cho 9.642 lượt cán bộ, chiến sĩ, ngư dân và tiếp nhận, cấp cứu, phẫu thuật cho hơn 1.600 ca bệnh. Ngoài ra, bệnh xá còn vận chuyển 63 trường hợp vào bờ điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh. 

Hải quân thường xuyên hỗ trợ ngư dân 

Những năm qua, Quân chủng Hải quân đã triển khai chương trình “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Ngoài hỗ trợ ngư dân tránh trú bão, các âu tàu, làng chài còn tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men cho ngư dân. Lực lượng hải quân trên các điểm đảo cũng sẵn sàng làm tốt công tác hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ ngư dân trong các trường hợp cấp thiết.

Sắp tới, Quân chủng Hải quân sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ bà con ngư dân.

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng 

(Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân)

Trung tá Trần Danh Hoàng - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn - cho hay, hỗ trợ, cấp cứu ngư dân là nhiệm vụ thường xuyên của các lực lượng trên đảo. Có nhiều trường hợp cấp cứu trong đêm. Mới đây nhất, giữa tháng 4/2022, Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã tiếp nhận và mổ cấp cứu viêm ruột thừa lúc 22g cho bệnh nhân T.N.H.N. - thuyền viên một tàu cá của tỉnh Bình Thuận.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã hỗ trợ thuốc men cho hàng chục ngư dân, mổ ruột thừa cho bảy bệnh nhân ngay tại đảo.

Theo đại tá Nguyễn Thiên Quân - Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân - huyện đảo Trường Sa hiện có những âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn, có các trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa tàu thuyền, có hai làng chài là điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Trụ sở làm việc của UBND các xã, thị trấn thuộc huyện đảo Trường Sa được xây dựng, sửa chữa và trang bị phương tiện làm việc cơ bản đầy đủ. Các điểm đảo được trang bị xuồng máy để vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, vừa làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI