Tiếp nối nghĩa tình với Trường Sa

20/05/2022 - 07:00

PNO - Từ ngày 11 đến 19/5, đoàn công tác số 9 của TPHCM đã đến thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đây là chuyến công tác đặc biệt, được nối lại sau hai năm bị dịch COVID-19 hoành hành.

Cuộc hội ngộ xúc động 

Tàu KN-290 lướt sóng ra khơi. Anh Võ Bạch Tùng (Q. 11, TPHCM) đứng trên boong tàu, tầm mắt hướng về phía Trường Sa, nơi con trai anh - chiến sĩ Võ Bạch Toàn Thắng - đang công tác. Anh Tùng là một trong số ba thân nhân của chiến sĩ có mặt trong đoàn thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 lần này.

Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM (bìa phải) và bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - trò chuyện với hai chiến sĩ quê ở TP.HCM đang công tác tại đảo Núi Le B ẢNH: SƠN VINH
Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TPHCM (bìa phải) và bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - trò chuyện với hai chiến sĩ quê ở TPHCM đang công tác tại đảo Núi Le B - Ảnh: Sơn Vinh 

Tháng 3/2021, con trai anh Tùng đến công tác tại quần đảo Trường Sa. Kể từ đó, thỉnh thoảng, anh mới được trò chuyện với con vài phút qua điện thoại. Những lần gọi về nhà, Toàn Thắng thường kể cho cha nghe về những buổi huấn luyện nơi thao trường nắng gắt. Đứa con trai ham chơi ngày nào giờ đã trở thành người chiến sĩ canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương.

“Tôi luôn ao ước được một lần ra thăm cháu, thăm quần đảo Trường Sa, nhưng tôi nghĩ điều này là rất khó. Cách đây một tháng, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM mời đi Trường Sa, tôi thấy mình thật vinh dự và may mắn” - anh Võ Bạch Tùng tâm sự.

Trong hành trình kéo dài chín ngày đến với Trường Sa và nhà giàn DK1, trong chiếc túi nhỏ của anh Võ Bạch Tùng, ngoài vài bộ quần áo, còn có cá khô, mắm cá linh và củ kiệu do chính tay vợ chồng anh chuẩn bị để tặng con trai và những người lính giữ đảo. Anh còn mang theo vài quả cầu, bởi con trai anh nhờ mua.

Lãnh đạo TP.HCM tặng quà cho cán bộ,  chiến sĩ đảo Núi Le B
Lãnh đạo TPHCM tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le B

Trưa 17/5, khi tàu KN-290 đến một điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, anh Tùng mừng rỡ chỉ vào một chiến sĩ hải quân đang đứng đợi dưới gốc cây bàng vuông: “Toàn Thắng con trai tôi đó”. Anh Tùng vội chạy đến ôm chầm lấy cậu con trai của mình. Trong dòng nước mắt hội ngộ, chiến sĩ Toàn Thắng hứa với cha sẽ hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc.

Anh Tùng cho biết, trong chuyến đi này, anh dự định sẽ động viên con trai mình xin kéo dài thời gian ở lại đảo để tiếp tục phục vụ, cống hiến: “Nguyện vọng của tôi là như vậy nhưng cũng còn tùy thuộc vào chỉ huy đơn vị và bản thân cháu. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, được làm nhiệm vụ ở đây là vinh dự cho cháu và cả gia đình tôi”.

Trong chuyến thăm Trường Sa này, có một trường hợp dì ruột ra thăm cháu. Đó là chị Nguyễn Thị Hiếu (Q. Gò Vấp), thăm cháu mình là chiến sĩ Mai Dương Huy đang công tác ở đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa.

Chị cho biết, mẹ Huy được bác sĩ chỉ định phải mổ u nang buồng trứng nên không thể ra đảo thăm con, nhờ chị đi thay: “Tôi vừa là dì ruột, vừa là giáo viên dạy trung học phổ thông của Huy nên tình cảm của chúng tôi rất gắn bó. Khi Huy mới ra đảo Song Tử Tây công tác, tôi và gia đình cũng lo lắng vì không biết cháu sẽ sống thế nào, nhưng sau gần một năm, chúng tôi rất mừng vì cháu ngày càng rắn rỏi, trưởng thành”.

Gặp người thân trên đảo Song Tử Tây, Mai Dương Huy vô cùng xúc động. Anh như được tiếp thêm sức mạnh khi biết tin mẹ đã dần hồi phục sức khỏe sau ca mổ. “Dì nhắn với mẹ là ở đây con sống rất tốt, đồng đội luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau; con trai của mẹ sẽ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó” - anh nhắn nhủ.

Nghĩa tình của TPHCM với biển đảo 

Bà Tô Thị Bích Châu trò chuyện với một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Nam. Công trình nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Nam là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM hỗ trợ kinh phí xây tặng
Bà Tô Thị Bích Châu trò chuyện với một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Nam. Công trình nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Nam là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM hỗ trợ kinh phí xây tặng

Trong hải trình chín ngày, đoàn công tác số 9 đã đến thăm chín điểm đảo và nhà giàn DK1. Là một trong những đại biểu cao tuổi nhất đoàn, ông Lê Chu Giang - 65 tuổi, Phó ban Đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM - cho biết từ lâu, ông luôn ao ước được một lần đến Trường Sa để tận mắt thấy vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lần đầu đặt chân lên đảo Song Tử Tây, ông Giang siết chặt tay người chiến sĩ đang canh giữ cột mốc chủ quyền trên đảo như để truyền hơi ấm từ đất liền cho lính đảo: “Cột mốc của biển đảo không phải là những khối đá vô tri mà chính là trái tim của người chiến sĩ. Các em hằng ngày phơi mình dưới nắng gió khắc nghiệt nhưng trong tim vẫn giữ bầu nhiệt huyết và sẵn sàng hy sinh thân mình vì biển đảo quê hương”. 

Hỗ trợ kinh phí xây nhà văn hóa đa năng trên đảo 

Trong chuyến công tác, các đại biểu của Đoàn công tác số 9 đã tham dự lễ khởi công xây dựng nhà văn hóa đa năng trên đảo Thuyền Chài B. Công trình này được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM hỗ trợ kinh phí 40 tỷ đồng để xây dựng.

Đại diện đoàn và Bệnh viện Quân y 175 đã thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên chín điểm đảo và nhà giàn DK1. 

Đã nhiều lần đến Trường Sa, nữ ca sĩ Thiên Phú cho biết, hai năm nay, do dịch COVID-19, các chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 bị hoãn. Đó cũng là quãng thời gian mà chị luôn nhớ về Trường Sa.

Chị chia sẻ: “Tôi muốn mang lời ca, tiếng hát của mình đến với các chiến sĩ như một món quà để giúp các anh quên đi những gian khó nơi đầu sóng, ngọn gió. Thật ra, mang niềm vui cho các chiến sĩ cũng là mang niềm vui cho chính mình.

Những lần đến với Trường Sa là những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Đến đây, thấy được những gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tôi càng nung nấu thêm tình yêu với quê hương, đất nước”.

Đến quần đảo Trường Sa lần thứ hai sau gần mười năm, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TPHCM - xúc động khi chứng kiến sự đổi thay của các điểm đảo, đặc biệt là đảo nổi Trường Sa. Ông nói, hình ảnh màu xanh của cây bàng vuông, cây phong ba trên các điểm đảo và sự thay đổi tích cực trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo khiến ông cảm thấy ấm lòng.

Lãnh đạo TP.HCM thăm vườn rau trên đảo Đá Nam
Lãnh đạo TPHCM thăm vườn rau trên đảo Đá Nam

Phó bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, từ năm 1990, Đảng bộ, chính quyền TPHCM bắt đầu tổ chức các đoàn đi thăm quần đảo Trường Sa. Những đóng góp, hỗ trợ của TPHCM cho Trường Sa trong những năm qua đều xuất phát từ tấm lòng và sẽ được tiếp nối mãi.

Ông nói: “Đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các điểm đảo vẫn còn nhiều khó khăn; có nơi vẫn còn thiếu điện, thiếu nước ngọt. Tôi nghĩ rằng, TPHCM cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các điểm đảo”.

Đến đảo Cô Lin, bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - xúc động: “Cô Lin là một trong những đảo mà các chiến sĩ ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vào năm 1988 để giữ được biển đảo. Đến thăm đảo, tận mắt chứng kiến điều kiện sống ở đây, chúng ta thấy được trách nhiệm san sẻ khó khăn với cán bộ, chiến sĩ trên đảo để cùng nhau góp công, góp sức vào sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương. TPHCM sẽ cố gắng phát triển kinh tế để cùng góp sức vào sự nghiệp này”. 

Khi đi qua vùng biển gần đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác số 9 đã làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Năm 1988, Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu quân sự bắn chìm, bắn cháy ba tàu vận tải và đánh chiếm một số điểm đảo của Việt Nam, làm 64 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hy sinh. 

Trò chuyện với các chiến sĩ quê ở TPHCM đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Nam, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Viện Nam TPHCM - bày tỏ mong muốn được nghe họ nói về những khó khăn cũng như nguyện vọng, để từ đó tìm cách hỗ trợ tối đa trong khả năng.

22g ngày 17/5, tàu KN290 rời thị trấn Trường Sa. Rất đông cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã xếp hàng dài trên cầu cảng để chia tay đoàn. Chuyến tàu về đất liền cũng chở theo đầy ắp tình cảm, niềm tin và hình ảnh những người lính kiên cường nơi đảo xa. 

Gắn kết tình cảm của TPHCM với chiến sĩ hải quân Việt Nam

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ về nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân Trường Sa ngày càng được nâng lên, các điểm đảo ngày càng được xây dựng theo chuẩn “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về quan hệ quân dân”. Được nối lại sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyến công tác này sẽ gắn kết thêm tình cảm của TPHCM với chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Thay mặt Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, tôi xin cảm ơn tình cảm chân thành, những hỗ trợ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM dành cho lực lượng hải quân, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa trong những năm qua. Mong TPHCM sẽ tiếp tục theo dõi, quan tâm và hỗ trợ để quân và dân Trường Sa tiếp tục bám biển, bám đảo, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng

(Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân)

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI