Cẩn trọng với sản phẩm “đến từ thiên nhiên”

25/11/2016 - 07:14

PNO - Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Journal Hematology, Hoa Kỳ cho biết, hiện có đến 20% trong số những người bị tổn thương gan do sử dụng các dược thảo và thực phẩm chức năng.

Theo đó, có đến 50% người trưởng thành ở Mỹ sử dụng các loại TPCN, vitamin, khoáng chất, dược thảo, trà… đến cả các loại steroid tổng hợp để tăng cường cơ bắp (ở các phòng gym nước ta cũng đã có tình trạng này).

Ở Việt Nam, chưa có số liệu cụ thể nhưng việc sử dụng tràn lan TPCN nguồn gốc thực vật, những loại cây lá rễ qua những lời đồn đãi truyền tụng trên mạng… đã đưa đến những hậu quả nặng nề, theo ghi nhận từ các bệnh viện. Nhiều trường hợp ung thư, bệnh nghiêm trọng cũng từ chối điều trị bằng những phương pháp khoa học tiên tiến, thay bằng các loại lá leo, thuốc Nam đã dẫn đến những kết quả đáng tiếc.

Can trong voi san pham “den tu thien nhien”
Ảnh minh họa.

Điều đáng nói là các loại TPCN, cây lá… được quảng cáo như thần dược (!) đều luôn thòng một câu “sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên” nên rất an toàn… Có bệnh thì vái tứ phương; nhiều người như đuối nước vớ phải phao, ít ai nhớ rằng những lá ngón, mã tiền… cũng đến từ thiên nhiên, gây tử vong với hàm lượng rất nhỏ!

“Việc bổ sung các dưỡng chất thường không gây hại đến gan. Nhưng lạm dụng, sử dụng nhiều, lâu dài, kết hợp các loại với nhau, việc tương tác với các loại thuốc đang sử dụng điều trị bệnh… sẽ gây nên những thương tổn” – trưởng nhóm nghiên cứu, ông Victor Navarro, Trưởng khoa gan, Einstein Healthcare, bang Philadelphia, cho biết.

Một khía cạnh quan trọng của việc tổn thương gan này là chúng diễn tiến chậm, nhiều tháng hoặc nhiều năm nên bệnh nhân thường không thấy các triệu chứng cho đến khi bệnh tình trở nặng.

Các nhà khoa học đã khảo sát dữ liệu từ các nghiên cứu trước đây, từng được trình bày tại hội nghị của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ năm 2015, các báo cáo trong tá m năm liền về các trường hợp tổn thương gan do thuốc… Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, do nhãn các TPCN thường không cung cấp đầy đủ các thành phần nên họ chưa xác định được cụ thể nhóm hoạt chất, dưỡng chất nào gây nên tổn hại. Ngoài ra, không phải mọi bệnh nhân đều cho cán bộ y tế biết là họ đang sử dụng TPCN, dược thảo nào, nên không theo dõi được hết những tác dụng phụ.

Không phải tất cả các TPCN, dược thảo… là xấu. Nhiều khi chúng rất cần để hỗ trợ, bổ sung các dưỡng chất cần thiết, do nhu cầu dinh dưỡng hoặc do những tác động phụ gây nên bởi thuốc điều trị bệnh.

Tại Việt Nam, các phương tiện, hình thức truyền thông quảng cáo TPCN do cục, phòng ban quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm quản lý, không chặt chẽ như việc quảng cáo thuốc do Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chủ trì. Trường hợp lấy 84 mẫu khảo sát thì chỉ có 3 mẫu TPCN có đúng hoạt chất, 81 mẫu không chứa hoặc rất ít hoạt chất vừa bị phát hiện hồi tháng 4/2016 là ví dụ điển hình.

Thế nhưng với hơn 20.000 sản phẩm chức năng đă đăng ký lưu hành tại nước ta, cùng bao nhiêu loại dược thảo cỏ cây lá rễ lan tràn tự do... thì như thế nào? Do vậy, khi có nhu cầu sử dụng, nếu chưa tham khảo được ý kiến người có chuyên môn, bạn hãy cẩn trọng với sản phẩm “đến từ thiên nhiên”.

Thái Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI