Cần sửa luật để xử lý nghiêm vi phạm về phòng chống COVID-19

06/05/2021 - 06:05

PNO - Xử lý nghiêm là đúng, nhưng vấn đề là các quy định pháp luật hiện tại để chế tài những vi phạm này còn quá nhẹ.

 

Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị bắt tại TP.HCM
Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị bắt tại TPHCM

Tình hình nhập cảnh trái phép trong mùa COVID-19 đã trở thành vấn nạn xã hội. Từ tháng 1/2021 đến nay, việc nhập cảnh trái phép tăng đột biến. Cao điểm là vào ngày 26/4, chỉ trong 4 giờ có đến 31 người nhập cảnh trái phép vào nước ta bị phát hiện. Gần đây là chuyện hai người đàn ông Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly Củ Chi (TPHCM) tối 2/5 khiến nhiều người cảm thấy bất an. Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi truy bắt được những người này cần phải xử lý thật nghiêm. 

Xử lý nghiêm là đúng, nhưng vấn đề là các quy định pháp luật hiện tại để chế tài những vi phạm này còn quá nhẹ. Hành vi trốn khỏi khu cách ly bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng (theo điểm b, khoản 2, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP) đồng thời buộc phải tiếp tục thực hiện việc cách ly y tế. Số tiền phạt này là quá ít để có thể răn đe người vi phạm. 

Còn theo điều 17 của Nghị định nói trên thì hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép sẽ bị phạt từ 15-25 triệu đồng. Riêng hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh Việt Nam trái phép sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng.

Ngoài ra, theo điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị phạt đến 15 năm tù. Nếu hành vi này làm lây lan dịch Covid-19 thì bị xử lý hình sự theo điều 240. Với đối tượng là người nước ngoài thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.

Rõ ràng, mức phạt được quy định ở trên là quá thấp so với mối nguy mà hành vi này mang đến cho cộng đồng xã hội, nên rất cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung để có tính răn đe hơn.

Cũng cần lưu ý, những người vi phạm vừa qua đa phần là người nước ngoài, khi đưa vào các khu cách ly, họ cần được các chuyên gia pháp lý giải thích để hiểu các quy định của pháp luật nước ta, buộc phải tuân thủ. Bởi nếu đã hiểu rõ mà vẫn cố tình vi phạm thì chúng ta mới xử lý họ theo diện cố tình làm lây lan dịch bệnh và áp dụng các khung hình phạt cao nhất để răn đe. 

Về các vấn đề pháp lý liên quan phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta có rất nhiều quy định, song đi vào thực tế thì lại thiếu nhiều điều khoản để có thể chế tài. Ví dụ, không có quy định người phát hiện những người nhập cảnh không cách ly mà không tố giác sẽ bị xử lý ra sao? Người biết một người mang dịch bệnh đang cố tình lây lan cho người khác sẽ bị xử lý thế nào?… 

Thiết nghĩ, kỳ họp Quốc hội tới đây, chúng ta cần mạnh dạn đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật mới liên quan đến phòng, chống lây lan dịch bệnh. Trước mắt, các bộ ngành hữu quan nên tham mưu Chính phủ ban hành các quy định chặt chẽ hơn, nghiêm hơn, đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền về dịch bệnh phải song song với tuyên truyền việc xử lý các vi phạm có nguy cơ lây lan dịch bệnh để việc phòng, chống dịch COVID-19 thật sự hiệu quả. 

Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI