Nếu ai đó từng nói rằng giữa chính quyền và người dân luôn có một khoảng cách thì buổi livestream dài 6 tiếng của ông Phạm Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã tạo ra một cú “chốt đơn” không chỉ về nông sản mà còn về niềm tin. Hơn 54 tấn vải thiều Lục Ngạn được bán sạch không phải vì kỹ năng bán hàng điêu luyện, cũng không phải vì ông Thịnh có hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội mà đơn giản bởi ông đã làm điều mà rất nhiều người dân mong đợi ở một người lãnh đạo. Đó là bước ra khỏi phòng họp, và bước vào đời sống thực.
Ông Phạm Văn Thịnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trong phiên livestream bán 54 tấn vải thiều
Khi một lãnh đạo tỉnh tay cầm chùm vải, trò chuyện mộc mạc qua ống kính livestream như một người bán hàng online chính hiệu, điều ông mang đến không chỉ là doanh số. Ông mang đến một hình ảnh chính quyền gần gũi, biết mình đang phục vụ ai, và hiểu rất rõ rằng nếu không hành động kịp thời, nông sản sẽ nằm lại trên ruộng, trong vườn, còn bà con nông dân sẽ tiếp tục đơn độc trong hành trình mưu sinh giữa thị trường cạnh tranh tàn khốc. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của ông Thịnh không phải là một tiết mục “làm màu” mà là một cú rẽ trái táo bạo trong tư duy công quyền.
Thật ra hành động của ông Thịnh có thể khiến một số người bất ngờ vì nó phá vỡ hình ảnh quen thuộc về một lãnh đạo tỉnh: nghiêm trang, chỉn chu, phát biểu đâu ra đó, và luôn giữ “thể diện công quyền”. Nhưng cũng chính nhờ sự phá vỡ đó, người dân mới được thấy một chính quyền biết lắng nghe bằng hành động. Tôi tin cái khiến người dân xúc động không phải là thành tích 54 tấn vải mà là sự xuất hiện bất ngờ nhưng chân thành của một vị lãnh đạo dám thử, dám làm, dám dấn thân. Đó là sự xúc động của những người đã quá quen với một chính quyền nói “đồng hành cùng người dân” nhưng vẫn giữ khoảng cách của một bệ cao.
Đáng nói hơn, ông Thịnh không coi livestream là sân khấu để đánh bóng cá nhân. Ông không có kịch bản, không có ekip truyền thông chuyên nghiệp, không có kỹ năng chốt đơn điệu nghệ. Điều ông có chỉ là niềm tin vào quả vải Lục Ngạn, và xa hơn là niềm tin vào giá trị của người nông dân, những người ít khi được trao quyền kể câu chuyện của chính mình trên những nền tảng công nghệ hiện đại. Chính quyền trong mắt ông không phải là một bộ máy cứng nhắc ra văn bản chỉ đạo mà là người có thể nâng đỡ, dẫn đường, thậm chí là “kể giúp” cho nông dân những câu chuyện còn dang dở.
Buổi livestream ấy, nếu nhìn bằng con mắt thông thường chỉ là một hoạt động truyền thông nhỏ. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, nó là một ví dụ mẫu mực cho kiểu tư duy lãnh đạo hiện đại: chủ động, linh hoạt, cởi mở và giàu tính hành động. Trong thời đại mà chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là yêu cầu sống còn thì một chính quyền chỉ đạo từ xa, chỉ biết “triển khai theo kế hoạch” là một chính quyền “có vẻ” như sẽ đi sau thực tế. Ông Thịnh bằng hành động rất đời thường đã chứng minh rằng chuyển đổi số không bắt đầu bằng hạ tầng mà bắt đầu bằng con người. Không bắt đầu bằng ứng dụng mà bắt đầu bằng tư duy.
Sáng nay lúc đứng lớp giảng dạy, tôi có lấy câu chuyện của vị Phó Chủ Tịch này để chia sẻ với sinh viên như cách tôi vẫn hay cập nhật tình hình kinh tế, thời sự vào đầu mỗi buổi học. Có một sinh viên đã phát biểu“Em cảm thấy chuyện này là một mình chứng của việc chính quyền đứng về phía dân một cách thật sự.” Câu nói đó có thể khiến nhiều người trong bộ máy chạnh lòng nhưng cũng là một sự thật cần được nhìn thẳng. Bởi trong vô số các chiến dịch “gần dân, vì dân”, người dân vẫn không khỏi cảm thấy chính quyền quá xa: xa về ngôn ngữ, xa về nhịp sống, và xa cả về nhịp thở. Đó là lý do tại sao chỉ cần một phiên livestream chân thành, không dàn dựng lại khiến cộng đồng mạng lan truyền cảm xúc như một hiện tượng. Bởi không phải ai cũng livestream được, và càng không phải ai livestream cũng chạm được đến trái tim người khác.
Ở một chiều sâu hơn, hành động của ông Thịnh còn là một cách để “tái định nghĩa lại quyền lực.” Lãnh đạo không phải là người giữ khoảng cách mà là người dám tiến sát đến nhu cầu thật. Không phải là người chỉ biết ký duyệt văn bản mà là người sẵn sàng làm một việc nhỏ để giải quyết một vấn đề lớn. Nếu vải không bán được người thiệt đầu tiên là nông dân. Nhưng nếu chính quyền đứng ngoài, người mất niềm tin đầu tiên lại là xã hội. Vì thế đôi khi một buổi livestream không chỉ giải cứu nông sản mà còn giải cứu cả sự kỳ vọng ấp ủ.
Điều đáng quý là, ông Thịnh không dừng lại ở một buổi livestream. Ông đang thúc đẩy một chiến lược bài bản để người nông dân Lục Ngạn có thể thật sự bước vào thế giới số: đào tạo kỹ năng livestream, kết nối logistics, thành lập đội ngũ bán hàng trẻ. Nghĩa là sau cú livestream đầy cảm hứng là một nền tảng thực thi rất cụ thể chứ không phải kết thúc bằng một tràng pháo tay rồi thôi. Và chính điều đó mới thật sự cho thấy tầm của người lãnh đạo: không dừng lại ở biểu tượng mà biết biến biểu tượng thành hệ thống.
Tôi mong đây không phải là một ngoại lệ được truyền thông nâng lên như một hiện tượng cá biệt. Tôi mong đây là sự khởi đầu cho một thế hệ lãnh đạo mới dám rời ghế họp để đến sạp hàng, dám tắt powerpoint để bật livestream, dám bỏ qua hình ảnh để giữ lại giá trị. Người dân không cần lãnh đạo hoàn hảo, họ cần lãnh đạo thật lòng, một người biết đứng về phía họ vào lúc họ cần nhất.