Góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM

Cần những nhà lãnh đạo xứng tầm để tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực

21/08/2020 - 07:39

PNO - Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra ba chương trình đột phá. Các chương trình này đã bám sát cơ sở lý luận và thực tiễn. Điều quan trọng là cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề dự báo và những lý thuyết phát triển hiện đại. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi quan tâm đến chương trình đột phá về phát triển nguồn nhân lực và văn hóa.

Nhân lực, văn hóa, kinh tế không thể tách rời nhau

Dự thảo báo cáo đã xác định mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với việc phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo; chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế của TPHCM. 

Cần cải tổ hệ thống đào tạo để cùng tham gia chuyển đổi tín chỉ, kỹ năng nghề giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố cùng các nước ASEAN và thế giới là một yêu cầu bức thiết, là một cơ hội không thể bỏ lỡ
Cải tổ hệ thống đào tạo để cùng tham gia chuyển đổi tín chỉ, kỹ năng nghề giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố cùng các nước ASEAN và thế giới là một yêu cầu bức thiết, là một cơ hội không thể bỏ lỡ


Dự thảo cũng xác định, phát triển các ngành, lĩnh vực văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực để phát triển kinh tế; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo đáp ứng tốt yêu cầu chăm lo sức khỏe, dân trí, phù hợp với kinh tế số, xã hội số, đảm bảo phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, mọi người dân đều được thụ hưởng các giá trị tốt đẹp của đời sống văn hóa, xã hội. 

Chương trình với 10 đề án để triển khai các nội dung là khá đầy đủ, bài bản và khoa học. Các đề án - từ những đề án về giáo dục, đào tạo đến các đề án về lĩnh vực văn hóa như chiến lược phát triển ngành văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống ma túy và tội phạm - có vẻ như độc lập nhưng tựu trung có cùng một mục tiêu vì con người và sự phát triển của thành phố. Việc quan tâm đến nguồn nhân lực, văn hóa phải luôn song hành cùng sự phát triển bền vững về kinh tế, đó là điều tất yếu để thành phố phát triển.

 Có thể nói, chương trình được dự thảo khá toàn diện, nhân văn và vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Tính nhân văn của chương trình không chỉ là hướng về con người để phát triển mà còn phát triển con người để con người thành công và hạnh phúc. 

Bằng những luận cứ khoa học, có thể nhận thấy, chương trình này đã tập hợp và khai thác một cách vững chắc các cơ sở nghiên cứu mà TPHCM đã đầu tư nhiều năm qua: các đề tài khoa học về chỉ số hạnh phúc của con người và người dân TPHCM; giáo dục STEM và STEAM định hướng cho giáo dục thông minh; giải pháp xây dựng gia đình hạnh phúc; giải pháp phòng, chống ma túy và giáo dục phòng, chống ma túy; phát triển nhân lực và kỹ năng mềm cho sinh viên... 

Cần những giải pháp đồng bộ 

Nguồn nhân lực rất quan trọng với một tổ chức, một định hướng, tầm nhìn. Để chương trình đột phá này triển khai hiệu quả, bắt buộc phải có những giải pháp đồng bộ và đồng loạt. Ví dụ, đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở bảy lĩnh vực (công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị) và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020-2025 đòi hỏi phải có một định hướng mang tính hệ thống. Việc phân tích và dự báo phải có ma trận, có dữ liệu quy hoạch, dự báo bằng các nghiên cứu định lượng, các giả định xác suất có tính thuyết phục.

Nguồn nhân lực rất quan trọng với một tổ chức, một định hướng, tầm nhìn.
Nguồn nhân lực rất quan trọng với một tổ chức, một định hướng, tầm nhìn

Không chỉ phát triển nhân lực trên bình diện giải pháp một mặt, một phần mà cần đồng thời triển khai quyết liệt việc cải tổ giáo dục đại học, nâng chất lượng đào tạo, dạy nghề. Khi đó, chương trình, cơ chế và các nhiệm vụ cụ thể cũng như những khó khăn sẽ được giải quyết. 

Đơn cử, những nghiên cứu về dự báo số trẻ và số học sinh đến trường, nhu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu và thách thức bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu Luật Giáo dục sửa đổi, phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập... cần được kết nối dữ liệu với các nghiên cứu về kinh tế, pháp luật, tài chính, địa lý học, dân số học trong cái nhìn liên ngành...

Trong nhiệm kỳ tới, TPHCM sẽ có thành phố phía đông là khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Chính phủ vừa thông báo chấp nhận đề nghị xây dựng TP. Thủ Đức do UBND TPHCM đề xuất và trước đó, ngày 4/7/2019, UBND TPHCM đã ban hành quyết định huy động sự đóng góp của những tài năng đặc biệt. Nhưng, để phát huy sự sáng tạo, cống hiến của hàng triệu con người, bên cạnh các chính sách đúng, luôn cần người điều hành tài ba và có tâm trong sáng. Người điều hành ấy phải đủ năng lực để tạo ra và vận hành một môi trường làm việc để nhân tài có thể phát huy tối đa sức sáng tạo.

Muốn vậy, những người đầu tàu (không chỉ của thành phố sáng tạo tương tác cao phía đông) mà còn cả những đầu tàu của ngành giáo dục và đào tạo, của các khu công nghệ, trung tâm tài chính, văn hóa… đều phải là những nhà quản lý xứng tầm. 

Đã đến lúc TPHCM phải sàng lọc, lựa chọn nhân tài trên một góc nhìn đột phá, mới mẻ hơn chứ không chỉ chờ đợi những học viên, quản trị viên trở về từ các dự án, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Chúng ta cần phương án đa dạng, thậm chí cần những hình thức tuyển chọn công khai để tuyển chọn những thủ lĩnh xứng tầm vào các vị trí quản lý như những CEO thực thụ. Trong đó, còn phải đấu tranh kiên quyết với tình trạng dùng người thân quen, bè phái. Điều rất quan trọng trong công tác cán bộ là sự quyết tâm đột phá, phân tích, dự báo và ươm mầm, thử thách và tạo động lực, gieo niềm tin cho các nhân sự tiềm năng, triển vọng.

Kế đến, phải giải quyết được nguồn lực và động lực của phát triển giáo dục, đồng thời phải xã hội hóa, tiếp theo là tự chủ đại học để trên cơ sở đó, đổi mới từng cơ sở giáo dục, tiến tới đổi mới toàn hệ thống. Tự chủ đại học ở TPHCM đã và đang thành công, nhưng cũng cần xem xét thực chất để tránh những biểu hiện “bề ngoài”. Song song đó, sự tự chủ của giáo dục phổ thông cũng cần được xem xét, trong đó ít nhất phải có đánh giá chất lượng giáo dục bằng các phương thức định lượng, phân tích nhân tố, hồi quy...

Tiếp đến là, cần có những giải pháp phát triển văn hóa cho chính con người thay vì chỉ tập trung vào giáo dục, bởi đây là hai lĩnh vực song hành. Vấn đề văn hóa cần được bắt đầu từ giáo dục mầm non. Nếu trước đó, giáo dục lễ giáo đã tồn tại gần 30 năm thì cần thay thế bằng chủ điểm gì? Văn hóa học đường đã được chỉ thị triển khai thông qua các thông tư sẽ được thực thi thế nào?

Hà Nội có giáo trình văn hóa thanh lịch Hà Nội khá thành công, còn TPHCM dùng cái gì để định hướng phát triển văn hóa? Văn hóa cộng đồng của người dân TPHCM sẵn sàng hay đạt ở mức nào của thích nghi để phát triển và dựng xây đô thị thông minh? Trách nhiệm này là trách nhiệm của ngành văn hóa song hành cùng giáo dục.

Ai cũng biết, bài toán về nguồn nhân lực là bài toán khó; đồng thời, một thiết chế văn hóa xứng tầm với một thành phố lớn nhất nhì cả nước như TPHCM luôn là ao ước của tất cả mọi người. Thế nhưng, không phải cứ khó là lui, mơ ước lớn quá thì khó thành hiện thực. Những giải pháp cụ thể, những việc làm ngay về cơ chế, về con người cần được quyết định ở Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI này.

Đừng bỏ lỡ! 

 Giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn  
Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI