Cần gói hỗ trợ mới cho người lao động, hộ kinh doanh

07/08/2020 - 08:50

PNO - Chưa kịp phục hồi kinh tế sau đợt dịch COVID-19 đầu tiên, người lao động và các hộ kinh doanh lại phải tiếp tục vật lộn với đợt dịch thứ hai đang tái bùng phát.

Trắng tay vì COVID-19

Cuối tháng Bảy, hàng quán ở TP. Đà Nẵng đang nhộn nhịp đón hàng ngàn khách du lịch trên cả nước đổ về thì ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 đột ngột xuất hiện. Anh Nguyễn Quang N. - chủ một quán kem ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng - không kịp trở tay. Quán của anh chỉ cách Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng - nơi phát hiện bệnh nhân COVID-19 đầu tiên - chừng 500m. “Quán vắng khách hẳn ngay sau khi có tin về ca bệnh” - anh N. kể. 

Người lao động tự do
Người lao động tự do rất khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ vì nhiều lý do

Dịch bệnh nhanh chóng lây lan, số ca nhiễm bắt đầu tăng lên vài ngày sau đó. Chủ quán kem này chuyển sang bán hàng qua mạng, cố gắng duy trì hoạt động được đồng nào hay đồng nấy. Ngày 30/7, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các cửa hàng ăn uống, giải khát dừng kinh doanh cả trực tiếp lẫn qua mạng. Anh N. đành phải đưa ra một quyết định khó khăn: đóng cửa quán. 

Dịch COVID-19 đã cuốn bay gia sản của anh N. Anh đã dùng số tiền tích lũy của gia đình để quán kem cầm cự qua được giai đoạn dịch đầu tiên, nhưng lần này, anh không còn hy vọng mở cửa kinh doanh trở lại. “Thu không đủ bù chi từ lúc có dịch bệnh, trong khi các chi phí khác vẫn không thay đổi. Trong hai đợt giãn cách xã hội, doanh thu gần như bằng không. Chưa kể, quán phải đổ bỏ nhiều nguyên liệu. Có thể tôi sẽ phải bán nhà để trả nợ” - anh N. buồn rầu.

Gói 62.000 tỷ đồng chưa tới tay người bị thiệt hại 

Buôn bán ế ẩm, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng theo anh N., quán vẫn phải đóng thuế đầy đủ cho Chi cục Thuế TP. Đà Nẵng. Đến nay, anh chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. “Tôi đã lên UBND phường làm đơn kê khai hồi tháng Năm, sau đó không nhận được bất cứ phản hồi nào” - anh N. kể. 

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, tính đến ngày 7/7 cơ quan này đã hoàn thành việc trao tiền hỗ trợ cho người gặp khó khăn do COVID-19. Anh N. băn khoăn, không biết lá đơn của mình có tới được nơi cần nhận hay không, vì phường không cấp giấy xác nhận đã nhận đơn của anh.

Quán kem phá sản kéo theo các nhân viên của quán bị mất việc làm. Cô K. là một trong số đó. Trong lần giãn cách xã hội trước, quán ngưng hoạt động, K. đã phải sống chật vật vì thu nhập bị cắt giảm. 3 triệu đồng từ gói hỗ trợ của Chính phủ tương đương với một nửa tháng lương là số tiền tương đối lớn với K., nhưng cô đành “cho qua” sau khi tính toán chi phí và thời gian đi lại lo thủ tục. Lo ngại người lao động có thể nhận hai lần tiền hỗ trợ ở cả nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi đăng ký tạm trú, cán bộ phường yêu cầu cô phải về quê (tỉnh Nghệ An) làm giấy xác nhận. 

Cuối tháng Bảy, nhận được tháng lương cuối cùng, K. gửi về một ít cho gia đình ở Nghệ An, phần còn lại, cô chi tiêu dè xẻn trong những ngày TP. Đà Nẵng thực hiện lệnh giãn cách xã hội và số ca nhiễm không có dấu hiệu dừng lại. K. không còn nhiều tiền dành dụm để trả tiền thuê phòng trọ và đảm bảo mức sống tối thiểu nếu tình trạng giãn cách xã hội kéo dài sang tháng Chín.  

Lao động tự do và người bán hàng rong là đối tượng yếu thế trong đại dịch
Lao động tự do và người bán hàng rong là đối tượng yếu thế trong đại dịch

Theo dõi các đánh giá về tính hiệu quả của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến vẫn còn ít người lao động và hộ kinh doanh nhận được tiền cứu trợ của Chính phủ, trong đó có nguyên nhân thủ tục rườm rà. Một số người lao động “từ chối” nhận tiền vì so với thời gian và chi phí bỏ ra để hoàn thành giấy tờ, số tiền họ nhận được (3 triệu đồng) là quá ít.

GDP Việt Nam tăng trưởng 0,4% trong quý II, là trường hợp ngoại lệ trên thế giới thời điểm này nhưng vẫn là mức tăng trưởng thấp nhất trong 35 năm qua. Theo kết quả điều tra về lao động, việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổng cục Thống kê (GSO), trong quý II năm nay, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đã có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Cần gói hỗ trợ thứ hai

“Trong khi người lao động chưa kịp nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ thì họ phải đối mặt với đợt dịch thứ hai. Chính quyền địa phương cần phải đẩy nhanh việc chuyển tiền đến tay người dân. Họ cần đặt lòng tin vào người dân, đừng buộc những người đang thất nghiệp, khắc khoải lo từng bữa ăn phải chạy đôn chạy đáo lo thủ tục” - bà Phạm Chi Lan khuyến nghị. 

Theo bà Lan, số người thất nghiệp, số hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản có thể sẽ tiếp tục tăng lên. Niềm tin phục hồi kinh tế vào quý III đã không còn do dịch bùng phát trở lại. Kinh tế quý IV cũng khó có hy vọng khi mà nhiều quốc gia đang lo ngại dịch có thể quay trở lại vào mùa đông. Một khi kinh tế thế giới chưa phục hồi thì Việt Nam cũng khó có cơ hội vươn lên. “Gói hỗ trợ thứ nhất cho người dân là một cố gắng lớn của Chính phủ, nhưng Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện kịp thời hơn, đồng thời xem xét để có thêm chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp” - bà Lan đề xuất.

Hỗ trợ thực phẩm cho người bán vé số tại TPHCM trong đợt dịch đầu tiên
Hỗ trợ thực phẩm cho người bán vé số tại TPHCM trong đợt dịch đầu tiên

Nguồn ngân sách cho gói hỗ trợ thứ hai (nếu có) lấy từ đâu? Bà Lan cho rằng, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay, Chính phủ có thể và nên tạm hoãn những dự án đầu tư công chưa cấp thiết, hoãn những dự án đang gặp nhiều vướng mắc, chưa thể làm đồng bộ, hoãn những dự án đang có nghi ngại về tính hiệu quả hoặc rủi ro cho môi trường. Chính phủ có thể dùng một phần nguồn vốn này cho gói cứu trợ thứ hai dành cho người lao động và hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn lớn. 

Theo bà Lan, số tiền thuế thu được từ các đối tượng này có thể không nhiều bằng doanh nghiệp lớn, nhưng họ vẫn đóng thuế ở nhiều kênh khác nhau để nuôi bộ máy nhà nước, đồng thời tạo công ăn việc làm và thu nhập cho đông đảo người lao động. Cứu họ lúc này là giúp họ tồn tại được để tiếp tục đóng góp cho kinh tế, xã hội trong tương lai.

“Các nhà thiết kế chính sách cần nhớ, người lao động không chỉ là người lao động mà còn là người tiêu dùng, họ hiện diện ở những đồng thuế VAT, thuế xăng dầu… Nhà nước muốn có nguồn thuế lớn từ các doanh nghiệp thì trước mắt, doanh nghiệp phải tồn tại. Muốn vậy, cần có lực lượng người tiêu dùng. Họ sống được thì kinh tế đất nước mới có cơ hội phục hồi” - bà Lan nhấn mạnh. 

Trái với quan điểm cần chi mạnh cho đầu tư công để kích thích thị trường, tạo việc làm cho người dân của nhiều chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan đánh giá, nền kinh tế Việt Nam không thể phục hồi chỉ dựa vào một vài dự án đầu tư công lớn. Theo bà, các dự án đầu tư công lớn không phải là nơi tạo ra nguồn việc làm cho đa số người lao động trong nước. Hầu hết những dự án này được giao cho doanh nghiệp nhà nước làm, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa không tham gia được bao nhiêu. 

Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho rằng, Chính phủ cần có chính sách vận động các doanh nghiệp lớn ở khối tư nhân tạm dừng đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Những khoản đầu tư bất động sản thường có vốn lớn nhưng lại hạn chế về khả năng đóng góp cho kinh tế, xã hội lúc này, nhất là một số dự án đang có nhiều ý kiến lo lắng về tác động môi trường hoặc ở những vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

“Lĩnh vực này đã được đầu tư quá nhiều, trở nên dư thừa, gây lãng phí cho cả xã hội lẫn nhà đầu tư, thậm chí hiện có nhiều dự án đang được chào bán cho nước ngoài. Chính phủ nên khuyến khích khu vực tư nhân dành nhiều hơn các nguồn lực cho các ngành công, nông nghiệp có tương lai, các dịch vụ khoa học công nghệ, đào tạo lao động… để tăng nội lực cho doanh nghiệp và nền kinh tế, sẵn sàng ứng phó với các thách thức mới cũng như tận dụng các cơ hội mới đã được nói đến rất nhiều trong mấy tháng qua” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến nghị. 

- Ngày 30/1, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra.
- Ngày 4/3, ngay từ giai đoạn dịch bệnh chưa ảnh hưởng nặng nề, Thủ tướng đã có Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
- Ngày 3/3, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch COVID-19 gây ra, Tổng cục Thuế ban hành công văn 897/TCT-QLN về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
- Ngày 9/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
- Ngày 21/4, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch số 1455/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch COVID-19 từ nay đến ngày 31/12/2020. Theo đó, giao Tổng công ty Điện lực TP.HCM đề xuất triển khai các chính sách hỗ trợ giảm giá tiền điện cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn; giao Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ giảm giá nước sinh hoạt cho người lao động nghèo. Đồng thời, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố (Hepza), Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố và Ủy ban nhân dân (UBND) 24 quận, huyện tiến hành khảo sát, đánh giá, xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch bệnh; phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, UBND 24 quận, huyện triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động trong tình hình dịch bệnh theo chủ trương của Chính phủ và UBND thành phố. 
- Ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
- Ngày 29/4, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định 1757/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, ban hành công văn số 1562/UBND-KT về việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố.

 Bảo Uyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI