Căn bếp - nơi sưởi ấm tình yêu gia đình

03/04/2021 - 08:36

PNO - Thật ra nếu ngày nào đó ký ức thay đổi, bếp có thể sẽ gắn với hình ảnh người cha. Khi đó có thể mẹ sẽ leo lên nóc nhà đóng lại mái tôn, cầm búa đóng lại cái bản lề cửa bị bung, hay bắc thang sửa đường dây điện trong nhà hư hỏng.

Tình cờ thấy cuộc tranh luận trên mạng về việc ai vào bếp, tôi lặng lẽ giở cuốn Bếp (Kitchen) của Yoshimoto Banana ra đọc. Và trong khi chìm đắm vào căn bếp với những vật dụng sáng loáng, đẹp đẽ trong cuộc sống đô thị hiện đại xứ người, bất giác tôi lại hít thở mùi khói rơm rạ thơm nồng từ ký ức tuổi thơ.

Tôi nhớ căn bếp với cái kiềng ba chân vùi những củ khoai nóng hôi hổi, những miếng cơm cháy giòn thơm cạy từ đáy nồi cùng gương mặt bà tôi sáng trong ánh lửa. Và tôi bất chợt nghĩ, căn bếp ám khói cũ kỹ hay căn bếp tiện nghi hiện đại, rốt cuộc có gì khác nhau. Đều là bếp thôi mà.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Yoshimoto Banana là nhà văn viết về những người trẻ trong một xã hội đầy ắp những tiện nghi mà vẫn cô đơn, thiếu vắng. Như những mảnh vỡ lạc loài, họ tìm đến nương tựa nhau… Nhân vật Mikage trong Bếp yêu bếp vì: “Chỉ cần nó là bếp, chỉ cần nó là nơi nấu ăn, thì dù ở nơi đâu, như thế nào, tôi cũng cảm thấy không còn buồn bã”. 

Thậm chí nhân vật này còn nghĩ rằng: “Nếu một ngày nào đó phải chết, tôi muốn trút hơi thở cuối cùng trong bếp”. Cô tìm thấy chỗ ngủ ngon lành nhất ở bếp, bên cạnh chiếc tủ lạnh, tiếng ro ro của tủ lạnh giữ cô khỏi trượt theo những ý nghĩ cô độc.

Bếp là nơi lưu giữ kỷ niệm của Mikage về bà: “Mỗi lần bất chợt nghĩ ra, rằng gia đình tôi, một thứ đã tồn tại thật trên cõi đời này, cứ mất dần từng người, từng người theo năm tháng, rốt cuộc chỉ còn lại mình tôi nơi đây, tôi bỗng thấy mọi thứ trước mắt đều giống như một lời nói dối”.

Mikage lần lượt mất bố mẹ, ông, ở với bà, cuối cùng bà cô cũng mất. 

Cô được người thanh niên tên Yuichi - bạn của bà - đưa về nhà, nơi Yuichi ở cùng mẹ. Mẹ của Yuichi chính là ông bố chuyển giới sau khi vợ mất. Bà không lý giải vì sao bà quyết định chuyển giới, có lẽ do muốn bù đắp cho Yuichi sự dịu dàng của người mẹ chăng? 

Trong gian bếp của nhà Yuichi, những người vốn xa lạ nhích lại gần nhau, có lúc hai bạn cùng nhau vừa hát vừa cọ rửa bồn rửa bát và sàn nhà. Mikage bắt đầu học nấu ăn, “có lẽ nhờ thế mà cả ba chúng tôi thường được ăn cơm cùng với nhau. Một mùa hè tuyệt diệu”, Mikage nói.  

Sau đó, đến lượt mẹ của Yuichi bị giết, cậu trở thành đứa trẻ mồ côi. Việc đầu tiên mà Mikage làm để xoa dịu nỗi đau của Yuichi là nấu cho cậu một bữa ăn thật thịnh soạn với những món ăn mà cậu thích.

Vậy là, căn bếp, với những bữa ăn, không chỉ cho con người năng lượng về thể chất, mà quan trọng hơn là nuôi dưỡng thế giới tâm hồn. Để con người không phải thấy mình đơn độc trên cuộc đời này, phải vật lộn trong bóng đêm.

“Cái bóng đêm trong đó mỗi người chúng ta phải vật lộn theo cách của riêng mình với giấc ngủ nặng nề như nhấn chìm chúng ta xuống đáy vực”.

Người trẻ trong tác phẩm của Yoshimoto Banana cô đơn trong xã hội hiện đại, vật lộn với bóng đêm, nhưng họ không buông bỏ khát vọng được sống hạnh phúc. Với Bếp, hạnh phúc hiện hữu trong một căn bếp với những bữa ăn ấm nóng, mang lại cảm giác gia đình và sự yêu thương.

Bếp của Yoshimoto Banana gắn liền với hình ảnh của bà và mẹ - những hình ảnh thuộc về nữ tính - trong hàm nghĩa của sự dịu dàng, ấm áp, chở che.

Nếu bố của Yuichi không chuyển giới, liệu ông có chăm sóc Yuichi tuyệt vời như vậy? Người đọc không rõ, chỉ biết rằng hình ảnh của bà mẹ chuyển giới ấy gắn với gian bếp mang theo ánh sáng, nguồn năng lượng rực rỡ, đây hẳn là dụng ý nghệ thuật của tác giả. 

Kitchen- tác phẩm của Yoshimoto Banana
Kitchen- tác phẩm của Yoshimoto Banana

Trong ký ức của rất nhiều người, bếp gắn liền với hình ảnh nữ tính. Ký ức của bạn tôi gắn liền với hình ảnh của mẹ cô, mỗi buổi sáng dậy thật sớm và chuẩn bị cho cả nhà những bữa ăn ấm nóng. Ký ức tôi gắn liền bóng lưng của bà in trên vách bếp lung linh. Kết thúc một ngày đi làm, trở về nhà, cảm giác “nhà” bắt đầu từ mùi thức ăn thơm lừng bay ra từ bếp. Giản dị mà chân thật.

Ừ thì thật ra nếu ngày nào đó ký ức thay đổi, hình ảnh bếp có thể sẽ gắn với hình ảnh người cha. Khi đó có thể mẹ sẽ leo lên nóc nhà đóng lại mái tôn, cầm búa đóng lại cái bản lề cửa bị bung, hay bắc thang sửa đường dây điện trong nhà hư hỏng. Ấy là sự bình đẳng mà con người khát khao và đấu tranh vươn tới.

Nhưng ở một phương diện nào đấy, ký ức mềm mại dịu êm như một bàn tay nuôi nấng tâm hồn và chữa lành những vết thương, vẫn cứ thoảng gợi về hơi ấm và sự dịu dàng nữ tính... Thương lắm những ngôi nhà không có bếp... 

An Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI