Cải thiện hệ thống y tế cơ sở nếu muốn nâng tỉ lệ tiêm chủng

16/05/2023 - 06:05

PNO - Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) - liên quan đến vấn đề tiêm chủng ở Việt Nam.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái

Phóng viên: Thưa ông, ông nhận định thế nào về những con số mà UNICEF đưa ra, như Việt Nam có tới 250.000 trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ trong 3 năm 2019-2021? Vì sao Việt Nam lại nằm trong danh sách 20 quốc gia có “0 liều vắc xin” cao nhất thế giới? 

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái: Báo cáo này đã phản ánh đúng tình trạng tiêm chủng của Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021, trong đó chủ yếu liên quan tới năm 2021. Nguyên nhân là do chúng ta chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19. Trong năm 2021, khu vực phía Nam, trong đó có TPHCM, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên rất khó triển khai hoạt động tiêm chủng. 

Đến cuối 2021, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, ngành tiêm chủng ở các tuyến đều đã nỗ lực và giải quyết được các đối tượng bị bỏ sót. Có thể nói, trong thời gian ngắn cuối năm 2021, việc tiêm bù cho những trẻ bị bỏ sót tiêm chủng là một việc bất khả kháng, nên tỉ lệ trẻ chưa tiếp cận được với vắc xin đến nay vẫn còn cao.

* Từ năm 2022 đến nay, công tác tiêm chủng có được cải thiện chưa và so với trước năm 2019 thì thế nào, thưa ông?

- Từ năm 2022 tới nay, công tác tiêm chủng đã được cải thiện lên rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta lại gặp phải tình trạng gián đoạn vắc xin. Bắt đầu từ nửa sau của năm 2022, đã có hiện tượng này và sau đó đã được giải quyết một phần. Một số hãng đã tài trợ vắc xin để tiêm chủng và vẫn còn lượng vắc xin gối đầu từ năm trước chuyển sang, nhưng chưa giải quyết được căn cơ, tận gốc vấn đề. Cho tới nay, công tác tiêm chủng vẫn đang bị trục trặc do thiếu hụt vắc xin.

* Tỉ lệ tiêm chủng thấp mang đến nguy cơ gì cho sức khỏe trẻ em và cộng đồng, thưa ông? 

- Tỉ lệ tiêm chủng thấp sẽ dẫn tới nguy cơ tạo ra lỗ hổng miễn dịch cho trẻ em. Với lỗ hổng miễn dịch ấy, các bệnh tiềm tàng chưa khống chế được hoàn toàn như sởi, ho gà, bạch hầu đều có thể quay lại. Thực tế, số ca bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà cũng có xu hướng tăng lên. Trong đó, bệnh sởi đang là một mối quan tâm đặc biệt do có nguy cơ bùng phát thành dịch trong năm 2023 và 2024 nếu như công tác tiêm chủng không được cải thiện.

Trừ các bệnh như bại liệt, uốn ván sơ sinh, các bệnh mà chúng ta đã “thanh toán” cũng có thể quay lại. Khi bệnh quay lại, rất khó để khống chế. Nguyên nhân là với các trường hợp đã được tiêm chủng, miễn dịch có thể giảm theo thời gian. Cộng thêm các trường hợp chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi tích lũy lại, sẽ tạo ra lỗ hổng lớn về miễn dịch trong cộng đồng, từ đó dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch.

* Theo ông, để nâng cao tỉ lệ tiêm chủng một cách bền vững, chúng ta cần phải làm gì? Mới đây, do sự thay đổi chính sách của Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương chủ động kinh phí, lên kế hoạch, nhu cầu tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 thay vì để Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương mua sắm như lâu nay. Liệu sự thay đổi này có gây gián đoạn việc tiêm chủng vắc xin hay không?

- Muốn nâng cao tỉ lệ tiêm chủng, đầu tiên, chúng ta phải cải thiện lại chất lượng của cả hệ thống y tế cơ sở, bao gồm con người, trang thiết bị, chi trả thù lao phù hợp, tính đúng tính đủ, đảm bảo nguồn cung vắc xin… Tất cả các vấn đề này phải được thực hiện đồng bộ. Thực tế hiện nay, người dân cũng có ý thức rất cao về tiêm chủng và chủ động hơn trong việc đưa con đi tiêm nhưng nhiều khu vực đang thiếu vắc xin cho trẻ cũng như chưa quản lý tốt đối tượng cần tiêm chủng. Đây là vấn đề rất lớn cần được giải quyết.

Điều quan trọng nữa là sự hài hòa trong chính sách mua sắm vắc xin. Hiện nay, nếu theo phương án để các tỉnh tự lên kế hoạch và mua sắm vắc xin, có thể xảy ra một số vấn đề. Cụ thể, nếu có hệ thống điều phối chung thì vắc xin có thể được điều phối ở tỉnh này sang tỉnh khác, nơi nhiều sang nơi ít. Nhiều khi vắc xin thừa ở tỉnh này nhưng phải cần đến nhiều tỉnh khác “gánh”, mới xử lý hết và ngược lại, khi thiếu vắc xin cục bộ thì phải dựa vào số dự phòng đến từ tỉnh khác để kịp thời tiêm cho trẻ. 

Khi để từng tỉnh lên phương án, nếu lập kế hoạch không sát hoặc có nhu cầu đột biến thì xử lý ra sao đối với vấn đề vắc xin thừa, thiếu? Cần lưu ý rằng, vắc xin không giống như thuốc. Nếu thiếu thuốc, ta có thể mua được ngay nhưng vắc xin là chế phẩm đặc biệt. Có những loại vắc xin cần đến 36 tháng mới có thể xuất xưởng kể từ khi bắt đầu sản xuất. Trong trường hợp có nhu cầu đột xuất thì phải lấy ở đâu? 

Vì vậy, đối với vấn đề tiêm chủng, cần phải có kế hoạch tổng thể quốc gia; nếu “lắt nhắt”, chia nhỏ theo từng địa phương, có thể có nhiều tình huống xuất hiện trong tương lai, như vắc xin thừa thì không biết cho đi đâu, thiếu thì không biết mua đâu. Đó là chưa kể tới điều kiện tài chính của các tỉnh.

* Xin cảm ơn ông. 

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI