Cải lương nhộn nhịp - mừng nhưng vẫn lo

21/08/2017 - 14:43

PNO - Điều bất ngờ trong cuộc “trở lại” của cải lương là giá vé nhiều đêm diễn hiện lên đến mức 500 ngàn đồng/vé. Mức giá trung bình của các chương trình cũng từ 200 - 300 ngàn đồng.

Dù còn nhiều hạn chế, từ khi nhà hát Hưng Đạo đi vào hoạt động, sân khấu cải lương đã nhộn nhịp hơn hẳn so với trước đây. Ngoài Hưng Đạo, còn có hai điểm diễn khác là sân khấu Lê Hoàng (Q. Bình Thạnh) và rạp Công Nhân (Q.1). Hiện mỗi tuần, trung bình sân khấu cải lương đã có từ hai đến ba đêm sáng đèn. Đôi lúc khán giả có đến bốn sự lựa chọn trong những ngày cuối tuần.

Cai luong nhon nhip  - mung nhung van lo

Chân mệnh - vở cải lương được đầu tư tốt, công tác quảng bá chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa đủ sức làm khán giả hài lòng về chất lượng chuyên môn

Tại 3 điểm diễn, các chương trình được dàn dựng khá đa dạng, từ những trích đoạn cải lương, các chương trình chuyên đề như: Duyên nghiệp, chương trình các trích đoạn cải lương lịch sử, Toàn nữ ban (chương trình của năm cô đào: NSƯT Phương Hồng Thủy, NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Phượng Loan và Thanh Hằng)… đến những vở cải lương được dàn dựng lại từ những kịch bản nổi tiếng (Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp) và cả những tuồng tích mới (Cõng mẹ đi chơi, Đời như ý, Hồn ma báo oán, Hoa đồng cỏ nội…).

Sau thời gian dài vắng bóng, sự trở lại của các chương trình cải lương nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của công chúng mộ điệu. Một số chương trình, khán giả phải chấp nhận mua vé trên lầu dù vị trí này rất hạn chế tầm nhìn, khó có thể thưởng thức chương trình trọn vẹn. Đáng mừng là ở một số chương trình Toàn nữ ban, vở Chân mệnh, Lan và Điệp… vé giá 500 ngàn đồng - đắt nhất - lại là loại vé “khan hiếm” vì được khán giả đặt mua nhiều nhất.

Ngoài lý do quy tụ được nhiều gương mặt nổi tiếng của sân khấu cải lương hoặc vở diễn được dàn dựng lại từ những kịch bản kinh điển, lý do giúp các chương trình thu hút công chúng là phương thức quảng bá của nhà tổ chức.

Cai luong nhon nhip  - mung nhung van lo
Một cảnh trong Chân mệnh

 Thành công nổi trội nhất nhờ quảng bá là vở Chân mệnh. Vốn chỉ là bài thi tốt nghiệp của sinh viên lớp đạo diễn và thiết kế sân khấu, Chân mệnh có mặt một số gương mặt quen thuộc của cả sân khấu cải lương lẫn kịch nói: NSƯT Quế Trân, Nguyễn Minh Trường, Nhã Thy, Lan Phương… Những người trẻ đã đầu tư cho hình ảnh quảng cáo, thực hiện cả một đoạn trailer bài bản, đủ sức “hớp hồn” khán giả ghiền cải lương. Tận dụng thế mạnh của facebook, ê-kíp Chân mệnh liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh mới nhất về vở diễn, livestream một số buổi tập… để hâm nóng khán giả. 

Không chỉ bán vé tại rạp, khán giả có thể đặt vé trực tiếp trên các trang cá nhân hoặc ngay lúc xem nhóm livestream và vé sẽ được giao trực tiếp tại nhà. Điều này giúp Chân mệnh có được một suất diễn chật kín khán giả, dù không có nhiều ngôi sao.

Tương tự là Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt và chương trình Toàn nữ ban. So với Chân mệnh, công tác quảng bá của các chương trình này chưa chuyên nghiệp và bài bản bằng, nhưng nhờ thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh về các buổi tập, diễn viên… đồng thời bán vé thông qua các trang mạng xã hội, cộng sức hút của những nghệ sĩ tên tuổi; các chương trình đã gặt hái thành công về doanh thu.

Cai luong nhon nhip  - mung nhung van lo
Tô Ánh Nguyệt được dựng lại với sự tham gia của Kim Tử Long, Trinh Trinh...

Vui thế, nhưng những âu lo vẫn còn đấy mà nỗi lo lớn nhất là nội lực của thế hệ diễn viên trẻ. Chân mệnh được đầu tư tốt về mọi mặt và vì là vở diễn tốt nghiệp nên việc tập luyện cũng rất nghiêm túc. Song khả năng hát xướng, diễn xuất của các diễn viên lại chưa đủ sức thuyết phục khán giả. Lan và Điệp phiên bản 2017 vẫn cũ kỹ, thiếu sáng tạo và “nhịp đập” của cuộc sống hiện đại.

Xem qua một số vở của Nhà hát Trần Hữu Trang mới công diễn gần đây, dù không muốn so sánh, rõ ràng khả năng ca diễn của các diễn viên trẻ hiện có khoảng cách quá xa so với thế hệ trước. Chỉ là những tuồng cải lương xã hội, nội dung không xa lạ với cuộc sống đời thường và những vai diễn không quá phức tạp; nhưng không ít diễn viên đều ca diễn thiếu cảm xúc, thiếu sự mượt mà… làm người xem thất vọng.

Cải lương hiện có nhiều lợi thế khi khán giả vẫn trung thành và đang trong “cơn khát” lâu ngày, giờ mới lại có được điểm diễn cố định để đến vào mỗi cuối tuần. Bỏ qua những hạn chế về không gian biểu diễn, điều cần nhất lúc này là những người làm nghề phải nghiêm túc nhìn lại những gì mình còn thiếu và yếu để lấp đầy.

Cai luong nhon nhip  - mung nhung van lo
Vở diễn Kỳ án Tần Hương Liên tại sân khấu Lê Hoàng

Sau mỗi suất diễn, không khó để đọc những lời khen ngợi ngút trời của fan cải lương trên các trang mạng xã hội. Nhưng ở một góc khác, cũng có cả những nỗi thất vọng, dù chúng không được công khai trên các trang mạng mà chỉ là những cái lắc đầu khi được hỏi liệu có tiếp tục mua vé. Cải lương sẽ sôi động, nhộn nhịp trong bao lâu? Câu trả lời phụ thuộc vào cách nghĩ và nỗ lực của chính người làm nghề. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI