Các nước cảnh giác với tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực

14/10/2020 - 12:22

PNO - Triển khai chương trình Sáng kiến Vành đai và Con đường toàn cầu, Trung Quốc tích cực đầu tư vào Bắc Cực - thiết lập các trạm nghiên cứu, đầu tư vào khai thác và năng lượng, đồng thời hợp tác với Nga tạo ra một tuyến đường biển mới qua Bắc Băng Dương. Những động thái “đầy tham vọng” của Bắc Kinh làm dấy lên những lo ngại từ phía Mỹ.

Tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc khiến Mỹ phải lưu tâm nhiều hơn đến khu vực này Ảnh: Pri.org
Tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc khiến Mỹ phải lưu tâm nhiều hơn đến khu vực này Ảnh: Pri.org

Mặc dù băng tan ở Bắc Băng Dương và Greenland là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhưng Trung Quốc dường như nhìn thấy một sự gia tăng theo chiều hướng khác.

Đài Phát thanh quốc tế Mỹ (PRI) nhắc lại lời ông Gao Feng - phái viên đặc biệt của Trung Quốc tại hội nghị Vòng Bắc Cực hồi tháng 10/2019 ở thủ đô Iceland - rằng: “Băng tan cũng mang lại cơ hội kinh tế cho sự phát triển của Bắc Cực, bao gồm cả các nước châu Á”.

Trung Quốc thậm chí đã bổ sung "Con đường tơ lụa vùng cực" vào Sáng kiến Vành đai và Con đường - một trong những dự án hạ tầng toàn cầu tham vọng nhất từ trước đến nay. Thông qua đó, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đang tài trợ các khoản vay cho việc xây dựng đường sá, bến cảng, hệ thống viễn thông 5G... trên khắp thế giới, và bây giờ là ở Bắc Cực.

Con đường tơ lụa cũng có bước đi tương tự đối với các nước vùng Bắc Cực, qua việc Trung Quốc đầu tư vào khai thác mỏ và năng lượng, đồng thời thiết lập các trạm nghiên cứu và trạm thu dữ liệu vệ tinh. Trung Quốc cũng đang làm việc với Nga để kết nối tuyến đường biển phương Bắc qua Bắc Băng Dương với Con đường tơ lụa trên biển, bắt đầu ở châu Á và kéo dài đến tận châu Âu. Tuyến đường này có thể rút ngắn mười ngày (hoặc hơn) hành trình giữa Trung Quốc và châu Âu so với việc đi qua kênh đào Suez.

Năm 2013, Bắc Kinh đã vận động thành công để trở thành quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực - một diễn đàn do tám quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực thành lập, gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, tầm ngắm của Bắc Kinh hướng vào Greenland - một lãnh thổ thuộc vương quốc Đan Mạch, nằm ở vùng Bắc Cực - do có uranium và các nguyên tố đất hiếm, có trữ lượng dầu và khí đốt ngoài khơi, có ngư trường trong vùng lãnh hải và vị trí tương đối gần nước Mỹ.

Đáp lại các động thái của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố trước Hội đồng Bắc Cực: “Chúng tôi đang tổ chức và tăng cường sự hiện diện của quân đội, xây dựng lại hạm đội tàu phá băng, mở rộng kinh phí bảo vệ bờ biển và thiết lập một chức vụ quân sự cấp cao mới phụ trách các vấn đề Bắc Cực trong quân đội”.

Bắc Kinh đang tiếp cận chính phủ Greenland bằng những khoản đầu tư lớn như khai thác khoáng sản đất hiếm, uranium và mở rộng ba sân bay của Greenland ở Nuuk, Ilulissat và Qaqortoq. Nhưng áp lực của Mỹ đối với Đan Mạch liên quan đến những lo ngại về an ninh đã khiến chính phủ nước này góp tài trợ cho các dự án sân bay và chọn một nhà thầu khác.

Bộ trưởng Tài chính Greenland Qujaukitsoq nói, ông nhìn thấy một tương lai cho Greenland trong đó du lịch và đầu tư mang lại những cơ hội mới, cả về kinh tế và chính trị. Ông hy vọng phần lớn khoản đầu tư đó đến từ các nước láng giềng là các đối tác NATO, như Hoa Kỳ và Canada. Ông cũng tuyên bố thẳng thắn rằng, chính phủ của ông “không mong muốn quân đội Trung Quốc có mặt ở Greenland”. 

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI