Hậu quả "lạm dụng giáo dục" kéo dài đã dẫn đến các vụ giết người đau lòng ở Nhật Bản

15/05/2025 - 13:56

PNO - Rất nhiều nạn nhân bị lạm dụng trong giáo dục đang phải chịu những di chứng như rối loạn tâm thần và rối loạn căng thẳng sau chấn thương...

Yoshitaka Toda được nhìn thấy đang bị đưa khỏi Đồn cảnh sát Motofuji ở Phường Bunkyo, Tokyo vào ngày 7 tháng 5 năm 2025. (Mainichi/Yuka Asahina)
Yoshitaka Toda bị đưa khỏi Đồn cảnh sát Motofuji ở Phường Bunkyo, Tokyo vào ngày 7/5/2025. Ảnh: Mainichi/Yuka Asahina

    Một người đàn ông mới vừa bị bắt vì cáo buộc chém một hành khách nam tại Ga Todaimae của Tàu điện ngầm Tokyo đã khai báo rằng động cơ gây án chính là "do bị cha mẹ ngược đãi về mặt giáo dục".

    Thủ phạm là Yoshitaka Toda, 43 tuổi, bị buộc tội cố ý giết người sau vụ đâm dao vào ngày 7/5 tại nhà ga trên Tuyến Namboku thuộc Phường Bunkyo của thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

    Lạm dụng giáo dục thường được định nghĩa là do hành vi của cha mẹ hoặc người giám hộ can thiệp quá mức vào việc lựa chọn nghề nghiệp, học tập hoặc đánh giá thành tích của trẻ, hạn chế tính cách của trẻ hoặc gây tổn hại đến tinh thần hoặc thể chất của trẻ.

    Tại thời điểm bị bắt giữ vào ngày 7/5, trình độ học vấn và lịch sử thi tuyển sinh của nghi phạm Yoshitaka Toda vẫn chưa rõ ràng. Sở Cảnh sát Thủ đô (MPD) đang trong quá trình xác minh động cơ của nghi phạm nhưng chính Yoshitaka Toda nói rằng anh ta muốn chém bất kỳ ai bởi những ám ảnh về những "ép buộc, ngược đãi của cha mẹ về mặt giáo dục".

    Từ vụ của Yoshitaka Toda, một lần nữa, xã hội Nhật Bản lại dấy những trường hợp lạm dụng giáo dục dẫn đến các vụ án hình sự đau lòng.

    Năm 2018, một y tá đã giết mẹ mình tại thành phố Moriyama, tỉnh Shiga. Sau nhiều lần không đỗ kỳ thi tuyển sinh đại học, người phụ nữ này đã học tổng cộng 9 năm để chuẩn bị cho các kỳ thi tiếp theo dưới sự giám sát của người mẹ. Ngay cả sau khi cô chuyển lên bậc học cao hơn, mẹ cô vẫn bắt cô quỳ xuống tùy thuộc vào kết quả kỳ thi ở trường và chửi mắng cô thậm tệ. Trong những lần chửi mắng, người mẹ nhiều lần nói với cô: "Chết đi".

    Trong phán quyết năm 2021, Tòa án cấp cao Osaka thừa nhận rằng: "Mẹ của nữ y tá đã can thiệp và theo dõi bị cáo ở mức độ có thể coi là bất thường" và tuyên án nữ y tá 10 năm tù.

    Trong một vụ án riêng biệt vào năm 2023, một sinh viên đại học đã giết cha mẹ mình ở Tosu, tỉnh Saga. Sau vụ việc, anh này nói cha mình trở nên hung dữ và thường xuyên thuyết giáo, thúc ép anh hơn kể từ khi anh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở, và anh ta đã nghĩ rằng: "Một ngày nào đó mình sẽ trả thù ông ta".

    Năm 2024, Tòa án cấp cao Fukuoka đã ra phán quyết "anh sẽ không phạm tội nếu không bị ngược đãi" và giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp dưới: tuyên phạt anh ta 24 năm tù.

    Chuyên gia Tsugumi Okazaki được nhìn thấy trong bức ảnh này do chính cô cung cấp.
    Chuyên gia Tsugumi Okazaki

    Một số nhà quan sát tin rằng hậu quả của việc lạm dụng có thể kéo dài trong một thời gian dài mà người bị lạm dụng không có lối thoát. Theo kết quả khảo sát do Onara, một hiệp hội hỗ trợ nạn nhân bị lạm dụng, công bố năm 2023 cho thấy, hơn 30% nạn nhân coi mình là nạn nhân của lạm dụng giáo dục.

    Tsugumi Okazaki, giám đốc đại diện của Onara, chỉ ra rằng mặc dù không phải tất cả nạn nhân bị lạm dụng đều có hành vi tội ác nhưng bà thường nghe về các trường hợp lạm dụng trong giáo dục khi cha mẹ chỉ cho phép con mình tham gia kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học và khoa do cha mẹ lựa chọn. Từ đó, họ gây áp lực cho con cái, nói với chúng rằng: "Bố mẹ sẽ không cho con đi học đại học, đi chơi... trừ khi con vượt qua kỳ thi ở những trường này...".

    Theo Okazaki, đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ khi thuật ngữ "lạm dụng giáo dục" được nhắc đến rộng rãi, nhưng tình trạng này không thuyên giảm: "Có rất nhiều nạn nhân bị lạm dụng trong giáo dục đang phải chịu những di chứng như rối loạn tâm thần và rối loạn căng thẳng sau chấn thương, nhưng do xã hội thiếu hiểu biết, ngay cả khi họ tham khảo ý kiến ​​của những người xung quanh, họ cũng sẽ bị quay lưng lại với những bình luận như: 'Bạn nên biết ơn cha mẹ vì họ đã cho bạn được học', điều này đẩy nạn nhân vào thế bí bách về mặt tinh thần".

    Okazaki nhấn mạnh để giải quyết tình trạng này, điều cần thiết là phải tạo ra những nơi mà nạn nhân có thể thuộc về và mở rộng các dịch vụ tư vấn cùng các hệ thống hỗ trợ khác để ngăn họ khỏi bị cô lập trong xã hội, thoát khỏi nỗi buồn và không giữ sự tức giận, căm thù trong lòng.

    Thảo Nguyễn (Theo Mainichi)

     

    news_is_not_ads=
    TIN MỚI