Các nhà khoa học “sinh nghề, tử nghiệp” - Bài cuối: Cú nhảy từ tháp Eiffel

07/03/2013 - 11:20

PNO - PN - Những nhà phát minh vĩ đại sau khi thành công thường được người đời gọi là “thiên tài điên”. Cụm từ này chỉ đúng một nửa đối với Franz Reichelt, người phát minh áo dù phi công. Cách nay 101 năm, Franz Reichelt đã đi vào lịch...

Thân thế ông Franz Reichelt có nhiều điểm không rõ ràng. Có tài liệu nói ông sinh năm 1878 tại Wegstadtl (nay là Štětí của Cộng hòa Czech) lúc bấy giờ thuộc nước Áo. Ông đến Paris năm 1900 mở tiệm may âu phục nữ ở quận 9 gần công trường L’Opéra. Một năm sau ông nhập quốc tịch Pháp, đổi tên là François cho giống người Pháp. Nhưng cũng có tài liệu nói ông sinh tại Vienna, thủ đô Áo, năm 1879, rồi đến Paris năm 1898, mãi đến năm 1909 mới có quốc tịch Pháp. Tài liệu này còn cho biết ông đến Paris cùng cô em gái. Cô này sau đó lấy chồng là thợ kim hoàn người Pháp. Riêng ông vẫn độc thân đến ngày lìa trần. Ông thuê một căn hộ ở tầng ba nhà số 8, đường Gaillon với giá 1.500 quan/năm. Nhà may của ông khá đắt khách, chủ yếu là du khách người Áo.

Cac nha khoa hoc “sinh nghe, tu nghiep” - Bai cuoi: Cu nhay tu thap Eiffel

Franz Reichelt với chiếc áo "bay" do ông tự chế (ảnh: internet)

“Thợ may bay”

Thời đó ngành hàng không chỉ mới manh nha. Tai nạn xảy ra thường xuyên làm nhiều phi công chết thảm. Trong bối cảnh đó, dù thoát hiểm là mối quan tâm lớn của các nhà phát minh. Một số thử nghiệm nhảy dù đã được thực hiện thành công từ cuối thế kỷ XVIII tại Pháp. Nhà vật lý kiêm nhà phát minh Sébastien Lenormand chẳng hạn, từng nhảy dù thành công năm 1783 với một chiếc dù tự chế có cán cây. Năm 1797, nhà phát minh André - Jacques Garnerin đã chế tạo được chiếc dù vải có thể nhảy từ trên cao.

Dù không phải là kỹ sư hay nhà phát minh chuyên nghiệp nhưng ông Franz Reichelt lại có ý tưởng thiết kế một chiếc áo dù cho phi công lái máy bay. Khi mặc bình thường, nó chỉ to và nặng hơn áo phi công một chút, nhưng khi gặp chuyện, nó xòe ra như cánh dơi giúp phi công nhảy xuống an toàn. Ông bắt đầu công việc này từ tháng 7/1910, may một cái áo dù bằng vải phủ nhựa cao su.

Những thử nghiệm đầu tiên với người nộm thả từ lầu năm có vẻ thành công. Biệt danh “thợ may bay” của ông ra đời từ đây. Chiếc áo dù đầu tiên nặng 70kg, dùng 6m2 vải. Tuy nhiên, từ chiếc áo cho người nộm đến chiếc áo dù cho người lái máy bay lại là cả một vấn đề.

Franz Reichelt trình bày thiết kế áo dù lên Tổ chức hàng không Pháp và Câu lạc bộ (CLB) Hàng không. Vỡ mộng là cảm giác đầu tiên của ông khi CLB hồi âm. Không những họ gạt bỏ phát minh của ông vì nhiều chi tiết không đúng kỹ thuật mà còn khuyên ông nên bỏ ý định theo đuổi ảo mộng làm nhà phát minh.

Năm 1911, đại tá không quân Pháp Lalance gửi thư đến CLB Hàng không treo giải thưởng 10.000 quan cho người đứng đầu cuộc thi thiết kế áo dù phi công nặng không quá 25kg. Nghe tin này, Franz quyết tâm cải tiến mẫu mã chiếc áo dù của mình để dự thi.

Ông giảm trọng lượng chiếc áo dù xuống còn 10kg, đồng thời mở rộng diện tích tán dù lên 12m2. Dù vậy, khi đem đi bay thử thì liên tiếp gặp thất bại. Báo Ouest - Éclair kể lại, năm 1911, Franz Reichelt mặc áo dù tự chế nhảy từ độ cao 10m ở thị trấn Joinville. Áo dù không hoạt động, ông thoát chết nhờ bãi đáp là một đống rơm dày cộm. Cuộc thử nghiệm kế tiếp ở Nogent với độ cao 8m cũng thất bại. Theo báo Le Matin, ông chỉ bị gãy chân. Say sưa với phát minh của mình, ông cho rằng thất bại là do thiếu độ cao cần thiết. Tháp Eiffel sẽ là một điểm thử nghiệm lý tưởng. Phát biểu trên tờ Le Gaulois, Franz giải thích: “Cái áo không có đủ thời gian để tiếp cận với không khí. Nếu tôi thử ở độ cao 50 hoặc 100m, kết quả sẽ khả quan hơn”.

Cac nha khoa hoc “sinh nghe, tu nghiep” - Bai cuoi: Cu nhay tu thap Eiffel

Ông Franz Reichelt và chiếc áo dù tự tạo (ảnh: internet)

Cú nhảy cuối cùng

Đầu tháng 2/1912, Franz Reichelt tuyên bố với báo giới sẽ thử nghiệm chiếc áo dù mầu nhiệm của mình tại tháp Eiffel. Trước đó, ông liên tục gửi đơn xin Sở cảnh sát Paris cấp phép thử áo dù tại tháp nhưng không nói rõ thử với người nộm hay người thật. Sự kiên trì của ông “thợ may bay” cuối cùng cũng làm xiêu lòng Giám đốc Sở cảnh sát Louis Lépine.

Tờ mờ sáng Chủ nhật 4/2/1912, khoảng 30 người gồm phóng viên thể thao, phóng viên ảnh, chuyên gia kỹ thuật hàng không và cảnh sát tề tựu dưới chân tháp Eiffel bất chấp trời lạnh dưới 00C. Đúng 7g, Franz đi xe hơi đến cùng với hai người bạn. Lúc đó ông đã mặc sẵn chiếc áo dù tự chế khá gọn nhẹ so với lần thử nghiệm đầu tiên. Tờ La Croix mô tả chiếc áo dù nặng khoảng 9kg. Chỉ cần dang hai tay ra, diện tích áo dù rộng đến 32m2.

Việc Franz quyết định lấy sinh mạng để chứng minh giá trị của phát minh khiến nhiều người, kể cả bạn bè thân thiết, bất ngờ và lo lắng. Người ta cố gắng thuyết phục ông hãy dùng người nộm thử trước. Bạn bè ông còn nói, nên hoãn cuộc thử nghiệm, vì gió mạnh rất nguy hiểm, có thể làm lật dù. Dù vậy, Franz vẫn kiên định. Trả lời phỏng vấn tờ Le Petit Journal có nên dùng dây an toàn không, ông dứt khoát nói không: “Quý vị sẽ nhận được câu trả lời hùng hồn từ 72kg (trọng lượng của ông) và chiếc áo dù của tôi”.

Cac nha khoa hoc “sinh nghe, tu nghiep” - Bai cuoi: Cu nhay tu thap Eiffel

Đám đông đợi xem Franz Reichelt nhảy "dù" từ tháp Eiffel (ảnh: internet)

Cac nha khoa hoc “sinh nghe, tu nghiep” - Bai cuoi: Cu nhay tu thap Eiffel

Cú nhảy từ tháp Eiffel của Franz Reichelt (ảnh: internet)

Đã xảy ra một vụ cãi nhau giữa cảnh sát và Franz, do ông không mang theo bản sao giấy phép. Sau khi được xác nhận bằng điện thoại, Franz cùng hai người bạn và một người quay phim mới được phép lên tháp. Dưới đất cũng có một người quay phim chờ sẵn. Đứng trên tầng một tháp Eiffel ở độ cao gần 60m so với mặt đất, Franz Reichelt giơ tay chào đám đông và hét to: “Hẹn gặp lại”. Hai người bạn giúp ông chỉnh lại bộ áo dù. Một mảnh giấy xé từ cuốn sổ tay được ném xuống đất để xem hướng gió. Lúc 8g22, Franz đứng trên ghế, bình tĩnh và mỉm cười (tuy có hơi do dự khoảng 40 giây theo tờ Le Figaro) trước khi dang rộng hai cánh tay để bay xuống đất.

Những thước phim quay được từ phía dưới cho thấy chiếc áo dù có bung ra. Ông rơi từ từ, nhưng nửa chừng bỗng tăng tốc và… rơi tự do. Không rõ tại áo dù bị gió quật gãy khung, hay độ cao chưa đủ để áo bung ra hoàn toàn. Chỉ biết rằng ông “thợ may bay” rớt như… mít rụng. Ông bị gãy chân và tay, hộp sọ và cột sống chấn thương nặng, máu chảy lênh láng từ miệng, mũi và tai. Có tin nói ông bị đột quỵ mà chết trong khi rơi tự do.

Sau tai nạn khủng khiếp đó, Sở cảnh sát Paris vội vã đổ lỗi cho ông Franz Reichelt. Ông Louis Lépine nhấn mạnh, giấy phép ghi rõ chỉ được thực hiện với người nộm chứ nếu biết nhà phát minh làm liều thì ông đã cấm. Hầu hết các báo Pháp nhận định, vì quá đam mê sáng tạo mà Franz Reichelt thiếu sự tỉnh táo cần thiết của một nhà khoa học. Nhưng, có hề gì, Franz Reichelt đã hoàn thành “giấc mơ bay” của đời mình.

TRỌNG NGHĨA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI