Các Big Tech “phải trả giá” vì đã làm tổn hại sức khỏe tâm thần giới trẻ

26/09/2021 - 09:08

PNO - Điều tra mới đây của Wall Street Journal phát hiện một nghiên cứu nội bộ cho thấy Instagram có hại cho sức khỏe tinh thần của khoảng 1/3 các bé gái tuổi teen, trong đó các bé gái gốc Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của giới trẻ mà Quốc hội Mỹ cũng như chính quyền của Tổng thống Biden cần phải tích cực tìm cách kiểm soát và quản lý thực trạng.

 

Các đại gia công nghệ (Big Tech) phải trả giá cho việc làm tổn hại sức khỏe tâm thần giới trẻ - Ảnh: The Hill/Greg Nash
Các đại gia công nghệ (Big Tech) phải trả giá cho việc làm tổn hại sức khỏe tâm thần giới trẻ - Ảnh: The Hill/Greg Nash

Việc thiếu hành động cho đến nay có thể là do các nhà hoạch định chính sách tin rằng vẫn còn một số “điểm mơ hồ” trong nghiên cứu. Trong đó, nguyên nhân chính là do các đại gia truyền thông xã hội không cho phép các nhà nghiên cứu bên ngoài tiếp cận dữ liệu của họ.

Một thực tế là các công ty truyền thông xã hội thường lợi dụng sự thiếu minh bạch để tuyên bố về “sự bất cẩn”, như Mark Zuckerberg đã làm hồi tháng 3 khi được dân biểu Cộng hòa tiểu bang Washington Cathy McMorris-Rodgers chất vấn về sức khỏe tâm thần.

Ở đây không có chỗ cho sự mơ hồ, vì tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên bắt đầu gia tăng đúng vào thời điểm truyền thông xã hội trở nên phổ biến. Năm 2009, Facebook trở thành nền tảng xã hội phổ biến nhất trên thế giới. Trong thập kỷ sau đó, chứng trầm cảm nặng đã tăng gấp đôi ở lứa tuổi thanh thiếu niên của nước Mỹ. Xu hướng tương tự cũng thể hiện qua dữ liệu sàng lọc của Tổ chức Sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (MHA).

Khi Quốc hội và chính phủ Mỹ ngày càng nhận ra vấn đề, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khắc phục nó, nhà chức trách sẽ giải quyết hoặc đo lường tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em như thế nào? Trước mắt, các thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Connecticut) Marsha Blackburn (Tennessee) đã sắp xếp một cuộc điều trần của các giám đốc điều hành mạng xã hội tại Thượng viện Mỹ vào ngày 30/9.

Chính phủ liên bang cần có khuyến khích tài chính cho các công ty truyền thông xã hội như Facebook để bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe tâm thần của trẻ em, nhưng không phải bằng cách cung cấp thêm tiền cho các công ty này. Thay vào đó, chính phủ liên bang giữ lại một phần doanh thu của các công ty này - một số tiền “công bằng” và có thể được coi là "sai trái" khi mục tiêu của họ nhắm vào trẻ em. Sau đó, các công ty sẽ có cơ hội nhận lại khoản doanh thu bằng cách chứng minh cách họ đang tác động tích cực (hoặc ít nhất là không gây hại) đến trẻ em.

 

Không có chỗ cho sự mơ hồ, vì tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên bắt đầu gia tăng đúng vào thời điểm truyền thông xã hội trở nên phổ biến - Ảnh: Getty Images
Tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên bắt đầu gia tăng đúng vào thời điểm truyền thông xã hội trở nên phổ biến - Ảnh: Getty Images

Để được nhận lại tiền của mình, các công ty cần chia sẻ dữ liệu với một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm giám sát. Cơ quan này sẽ làm việc với giới trẻ, các nhà nghiên cứu và các bên liên quan khác để tạo ra các phương pháp công bằng và minh bạch nhằm đánh giá tác động của nền tảng truyền thông xã hội đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em. Đây là điều tương tự như cách Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) tạo ra các phương pháp để xác định tác động của các yếu tố khác nhau đối với sức khỏe.

Cách làm này sẽ cung cấp cho các đại gia công nghệ (Big Tech) động cơ tài chính để giúp đỡ - thay vì làm tổn hại - trẻ em mà không nhận thêm tiền từ chính phủ liên bang.

Theo ý kiến của các chuyên gia, với “mục tiêu phi đạo đức” nhắm vào trẻ em, Facebook đã kiếm được hơn 29 tỷ USD thu nhập ròng trong năm 2020 - tăng 58% so với năm 2019. Nếu Quốc hội và chính phủ liên bang không có biện pháp chế tài và thưởng phạt thích đáng đối với các Big Tech đang làm hại giới trẻ, họ sẽ tiếp tục kiếm tiền và phớt lờ những lời cảnh tỉnh đối với sức khỏe thanh thiếu niên.

Tô Châu (theo The Hill)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI