Bún tươi để 3 năm không thiu?

28/05/2025 - 14:43

PNO - Tại tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số” do Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập tổ chức ngày 28/5, đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ đang rất vất vả khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng, giá rẻ.

Theo đại diện các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2025, các đơn vị và địa phương đã phát hiện, xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm. Trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; hơn 1.100 vụ liên quan đến hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Những con số này cho thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái không phải là hiện tượng mới, nhưng đang trở nên trầm trọng hơn. Từ mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng cho đến linh kiện điện tử, hàng thời trang… không một lĩnh vực nào là "vùng an toàn".

Các chuyên gia và doanh nghiệp tham dự tọa đàm
Các chuyên gia và doanh nghiệp tham dự tọa đàm

Dẫn chứng thực tế từ ngành sản phẩm bún, bà Nguyễn Thị Bính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính - cho biết: nhiều loại bún hiện được bán trên thị trường là sợi tổng hợp, thậm chí có sử dụng phụ gia độc hại. “Họ bán không hết thì đem về, sắp xếp lại rồi bán tiếp cho người tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng không hề hay biết” - bà nói.

“Thực tế, sản phẩm từ cơ sở của chúng tôi chỉ để được 1 ngày, sang ngày thứ 2 đã có thể chuyển thành bột. Vậy mà nhiều loại bún trên thị trường hiện nay có thể để trong ngăn mát đến 3 năm mà không hề thiu. Tôi khẳng định không thể nào có loại bún bình thường nào lại để được như vậy. Chưa kể, còn có tình trạng trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào lô hàng mang thương hiệu uy tín. Ví dụ, có cơ sở ký hợp đồng thu mua sản phẩm của Nguyễn Bính để cung cấp cho suất ăn bán trú trong trường học, nhưng thực chất chỉ lấy một phần nhỏ, còn phần lớn là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc”- bà chia sẻ.

Nguyên nhân, vì sản phẩm của doanh nghiệp bà sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nên có giá 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường chỉ có giá 6.000 đồng/kg. Bà cho rằng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để tiếp sức cho các doanh nghiệp truyền thống: từ hỗ trợ vốn, đào tạo nhân lực, đến kiểm soát thị trường một cách minh bạch, đồng thời xử lý mạnh tay các đối tượng làm hàng giả, hàng bẩn nhằm lập lại công bằng trên thị trường.

Đại diện Công ty Dược Dưỡng Hảo cũng nêu quan điểm rằng muốn bảo vệ thương hiệu và giảm thiểu tình trạng hàng giả thì cần làm quyết liệt ngay từ khâu cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất. “Hiện nay có quá nhiều giấy phép được cấp trong một năm. Có những trường hợp được cấp phép nhưng không có kiểm tra thực tế, dẫn đến khi sản phẩm ra thị trường mới phát hiện là hàng kém chất lượng. Đây là một lỗ hổng trong quản lý” - đại diện công ty nói.

“Muốn không còn hàng giả, hàng nhái thì phải siết chặt từ khâu cấp phép. Một doanh nghiệp, trước khi được cấp phép, cần phải được tập huấn về đạo đức kinh doanh - giống như cách ngành giao thông tập huấn trước khi cấp giấy phép lái xe cho người dân. Đồng thời, để tránh việc bán hàng không kiểm chứng, cần quy định sản phẩm bán trên thị trường phải có mã vạch. Hiện nay, nhiều mặt hàng ngoài chợ không hề có sự kiểm soát, không có mã vạch. Ngoài ra, cũng cần tuyên dương những doanh nghiệp làm ăn tử tế, để nhân rộng trong cộng đồng” - đại diện Dưỡng Hảo đề xuất.

Đồng bộ giải pháp kỹ thuật để chống hàng giả

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh - Giảng viên Trường Đại học Thương mại - cho biết: theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hiện nay doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều hình thức xâm phạm thương hiệu như: hàng giả, điểm bán giả mạo, xuyên tạc danh tiếng, cạnh tranh không lành mạnh và cả những chiến dịch tạo khủng hoảng truyền thông.

Để bảo vệ thương hiệu một cách hiệu quả, ông Thịnh cho rằng doanh nghiệp cần đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như: sử dụng tem chống giả, mã QR truy xuất nguồn gốc, chip điện tử, công nghệ AI để kiểm soát quá trình tương tác. Song song đó là các giải pháp kinh tế như: rà soát thị trường, kiểm soát điểm bán, xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành, đẩy mạnh truyền thông thương hiệu, minh bạch thông tin và xử lý khủng hoảng truyền thông một cách kịp thời.

“Quy trình xử lý xâm phạm thương hiệu cần bao gồm: thu thập bằng chứng, gửi cảnh báo vi phạm, phối hợp với cơ quan chức năng và khởi kiện nếu cần thiết. Xâm phạm thương hiệu ngày càng tinh vi, vì vậy doanh nghiệp cần phối hợp đồng bộ giữa kỹ thuật, kinh tế và pháp lý để vừa bảo vệ sản phẩm, vừa giữ vững niềm tin của khách hàng” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI