‘Bom xịt’ trong khoa học - Bài 2: Dối trá lớn nhất ngành vật lý

06/12/2018 - 06:21

PNO - Nhà vật lý học người Đức Jan Hendrik Schön, sinh năm 1970, từng là hiện tượng của giới khoa học với hàng loạt phát minh quan trọng, hứa hẹn đóng góp lớn lao cho vật lý học nhưng cuối cùng, dối trá cũng bị vạch trần.

Nhà khoa học trẻ đầy tiềm năng

‘Bom xit’ trong khoa hoc - Bai 2: Doi tra lon nhat nganh vat ly
Jan Hendrik Schön từng được đánh giá là nhà khoa học trẻ nhiều tiềm năng.

Năm 1998, Jan Hendrik Schön được mời sang phòng nghiên cứu Bell Labs tại New Jersey của Mỹ làm việc, chỉ một năm sau khi lấy tiến sĩ tại Đại học Konstanz. Trong mắt mọi người, Jan là người hòa nhã, siêng năng, thường xuyên có mặt ở phòng lab chuẩn bị dụng cụ cho các bậc tiền bối, không ngừng quan sát, học hỏi. Đến năm 2000, Jan chủ động “ra riêng”, có những nghiên cứu độc lập của mình.  

Lĩnh vực Jan nghiên cứu được cho là lĩnh vực góp phần quan trọng cho sự thay đổi của ngành công nghệ, đó là phát minh ra loại linh kiện bằng chất bán dẫn hữu cơ, có kích thước rất nhỏ, hạn chế tối đa hao phí năng lượng nhờ khả năng siêu dẫn, hứa hẹn giảm giá thành sản xuất đáng kể đối với các thiết bị.

Jan Hendrik Schön muốn mọi người nhớ đến như là nhà khoa học phát triển lĩnh vực điện tử dựa trên tinh thể silicon sang các vật liệu hữu cơ. Hàng loạt kết quả nghiên cứu, phát minh mang tính đột phá đều nhắm đến giải Nobel danh giá. Đó là điều ai cũng thấy được từ nhà khoa học trẻ người Đức này.

Jan chủ động dành thời gian đi về phòng thí nghiệm cũ ở Đại học Konstanz để thực hiện song song những thí nghiệm của mình. Phía Bell Labs thông cảm cho việc này và họ nghĩ đây cũng là cách tạo kết nối, có lợi cho các bên. Thế nhưng, không ai biết đây lại chính là tính toán của Jan để thực hiện cú lừa ngoạn mục.

Tham vọng tỏa sáng bất thành

‘Bom xit’ trong khoa hoc - Bai 2: Doi tra lon nhat nganh vat ly
Jan Hendrik Schön lợi dụng các đồng nghiệp ở Bell Labs để thực hiện mưu đồ của mình.

Trong một dịp trở về từ Đại học Konstanz, Jan khoe với các đồng nghiệp ở Bell Labs về một đồ thị đáng kinh ngạc. Jan nói rằng đã vẽ đồ thị này từ kết quả đạt được khi mày mò phát minh vật liệu tinh thể hữu cơ để thay thế những linh kiện bán dẫn thông thường bằng silic. Kết quả này ngay lập tức khiến các đồng nghiệp của Jan phấn khởi, không chút nghi ngờ, họ chung tay giúp Jan hoàn thiện báo cáo để sớm công bố.

Những đồng nghiệp ngây thơ không hề biết họ đã bị Jan lợi dụng. Kịch bản của Jan là liên tục trao đổi với các đồng nghiệp về những lý thuyết và giả thiết mong muốn. Đến phần thí nghiệm quan trọng, anh sẽ trở về Konstanz làm và chỉ đưa ra kết quả khi quay về Bell Labs. Những đồng nghiệp tuyệt đối tin tưởng kiến thức vững vàng của Jan nên họ cũng không mảy may hoài nghi, chỉ mong muốn cả nhóm có thể cùng nhau đón lấy thành công càng sớm càng tốt.

Jan cùng mười mấy đồng nghiệp đã chung tay viết báo cáo nghiên cứu trong một năm rưỡi và sau đó gửi đăng lên tạp chí khoa học danh tiếng Science. Tờ Nature cũng dành sự quan tâm và hào hứng với nghiên cứu của Jan.

Thế nhưng, với khoa học, không gì có thể gian dối mãi. Những phát minh, nghiên cứu của Jan Hendrik Schön tưởng chừng hoàn hảo, có vẻ rất khả thi nhưng khi các nhà khoa học khác thực nghiệm lại thì không thể ra kết quả như Jan Hendrik Schön từng công bố.

‘Bom xit’ trong khoa hoc - Bai 2: Doi tra lon nhat nganh vat ly
Giờ đây, cái tên của Jan Hendrik Schön là vết nhơ trong ngành vật lý học.

Năm 2001, hàng chục phòng thí nghiệm trên toàn thế giới cố gắng thực hiện lại công trình của Jan dựa trên báo từ hai tờ Science và Nature nhưng đều thất bại. Ban đầu, những nhà khoa học này nghĩ họ chưa đủ trình độ.

Nhưng khi nhiều nhà khoa học phân tích lại thì họ thấy những bất thường trong các báo cáo với những điểm chứng minh chắc chắc Jan ngụy tạo dữ liệu. Những chi tiết này đã bị bỏ qua vì đó là những tiểu tiết mà Jan đã khéo léo lồng ghép.

Tháng 5/2002, Bell Labs phải mở cuộc điều tra, lật lại tất cả hồ sơ dữ liệu của Jan cùng các cộng sự và phát hiện ra đây là màn kịch khủng khiếp và Jan thản nhiên nói rằng dữ liệu đã xóa đi vì lý do máy tính không còn đủ bộ nhớ. Sau 5 tháng phân tích vụ việc, Bell Labs ra thông báo tất cả công trình nghiên cứu Jan làm với danh nghĩa nhà nghiên cứu tại đây đều là giả mạo.

Cú lừa của Jan Hendrik Schön là cú lừa lớn nhất trong lịch sử ngành vậy lý. Anh ta bị đuổi việc khỏi Bell Labs, phải rời Mỹ trong ê chề.

Đại học Konstanz cũng đã có những cuộc điều tra về tư cách của Jan và phát hiện người này làm giả đến 17 tài liệu khoa học quan trọng trong quá trình hoạt động nghiên cứu ở Bell Labs tại Mỹ.

Năm 2004, Jan bị Đại học Konstanz ra quyết định thu hồi học vị tiến sĩ. Họ chỉ trích Jan vì có những hành vi thấp kém khiến danh tiếng của giới khoa học bị hoen ố. Jan không đồng ý việc mình bị tước học vị tiến sĩ và vụ việc phải đưa ra tòa xét xử. Đến năm 2011, tòa án Đức đưa ra phán quyết cuối cùng tuyên bố việc Đại học Konstanz thu hồi bằng của Jan là hợp pháp.

Minh Khôi (Theo Telegraph, sciencemag.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI